Covid-19 tấn công: Từ trận cuồng phong ngay trong hệ miễn dịch đến 'cơn bão' xấu xa ngoài xã hội

NCS Ngô Thị Hương - TS Nguyễn Thị Ngọc Ánh - BS Phạm Nguyên Quý |

Chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt và cân nhắc kỹ lưỡng về những "tín hiệu" chia sẻ qua Facebook và các mạng xã hội về Covid-19, vì bão tin đồn hoàn toàn có thể gây hại thực sự cho toàn xã hội, theo một cách cực kỳ khốc liệt.

Chủng virus corona mới SARS-CoV-2 đang "làm mưa làm gió" trên bình diện toàn cầu, với tổng số ca bệnh vượt hơn 100.000 người, và tăng nhảy vọt (trên 100 ca mới) ở một số nơi ngoài nơi khởi phát Vũ Hán (Trung Quốc) như Hàn Quốc, Iran,Ý, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Số ca tử vong ngoài Trung Quốc đã vượt khỏi con số 3.500 người và chưa có dấu hiệu chững lại. Về mức độ bệnh, SARS-CoV-2 có thể gây bệnh ở nhiều mức độ khác nhau mà hầu hết ca bệnh thường ở mức độ nhẹ, như cảm lạnh hoặc viêm phổi nhẹ. Thống kê hiện nay cho thấy có 14% số ca nhiễm bệnh rơi vào tình trạng "nghiêm trọng", trong đó khoảng 5% có tình trạng "nguy kịch", và 3.4% tử vong. Tuy nhiên, không nên lơ là với tỉ lệ bệnh nặng "thấp", vì nếu số ca nhiễm quá cao thì con số thương vong thực tế là rất lớn.

Mặt khác, cần lưu ý đây là tỉ lệ tính trên tổng số ca nhiễm nói chung và con số này thay đổi khi phân loại theo độ tuổi hoặc bệnh đi kèm (bệnh cảnh nền). Phân tích trên 45.000 ca nhiễm ở Trung Quốc chỉ ra rằng, trong khi tỉ lệ tử vong ở nhóm người khỏe mạnh là dưới 1%, tỉ lệ này là 10,5% ở những người có bệnh tim mạch, 7,3% ở người bệnh tiểu đường và 6% ở người mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, cao huyết áp hoặc bệnh ung thư. Tỉ lệ tử vong lên tới 14,8% ở nhóm người trên 80 tuổi, trong khi tỉ lệ này là 0% ở nhóm trẻ em (dưới 9 tuổi).

TỪ BÃO CYTOKINES...

Theo nhà siêu vi trùng học (virologist) và chuyên gia bệnh truyền nhiễm trẻ em Stanley Perlman ở Đại học Iowa, Mỹ, khả năng gây bệnh của virus là quan trọng, nhưng phản ứng miễn dịch của người nhiễm bệnh cũng quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn.

Khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào đường hô hấp của con người, nó sẽ khởi động quá trình lây nhiễm và nhân lên trong các tế bào "lót đường" hô hấp (niêm mạc đường hô hấp), gây ra tổn thương khiến hệ thống miễn dịch hoạt động. Ở hầu hết ca bệnh, SARS-CoV-2 sẽ kích hoạt một "làn sóng" viêm tại vị trí nhiễm, trong đó các tế bào miễn dịch (thường được ví như cảnh sát bảo vệ cơ thể) ở vùng lân cận tập trung đến tiêu diệt mầm bệnh (chiến trận cục bộ). Đáp ứng miễn dịch này sau đó kết thúc và bệnh nhân hồi phục/lành bệnh.

Tuy nhiên, vì những lý do chưa tường tận, một số người, đặc biệt là người già và người bệnh ốm yếu, có thể có hệ miễn dịch không còn hoàn hảo. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chúng có thể gây ra phản ứng miễn dịch thái quá, cụ thể là sản xuất quá nhiều tế bào miễn dịch kèm theo các phân tử tín hiệu (cytokines) kích động "chiến tranh toàn cục" mà trong y sinh học gọi là bão cytokine (cytokine storm).

Cơn bão này thường gây nên phản ứng viêm mạnh mẽ trên toàn cơ thể, kéo theo "cơn lũ" tế bào miễn dịch xâm nhập vào phổi, gây viêm phổi nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Như vậy, bệnh truyền nhiễm có thể kết thúc nhẹ nhàng bằng viêm cục bộ theo cách thông thường, nhưng cũng có thể chuyển thành viêm phổi lan rộng kịch liệt, gây suy đa nội tạng (suy gan, suy thận) và dẫn tới tử vong nếu hệ miễn dịch phản ứng quá mức.

Một số nghiên cứu nói rằng bão cytokine có thể xảy ra nếu virus nhân lên quá nhanh, làm hệ miễn dịch quá tải vì phải kích hoạt quá mạnh để "bắt virus" ngăn chặn căn bệnh. Một số ý kiến khác cho rằng yếu tố di truyền và môi trường như giới tính, tuổi tác, tình trạng hút thuốc... có thể liên quan vì bệnh hay nặng hơn ở nam giới và người có hút thuốc.

Mặc dù sự liên quan giữa bão cytokine với bệnh trạng COVID-19 còn chưa được báo cáo chi tiết, nhiều bác sĩ cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra, vì trình tự gene của SARS-CoV-2 giống với virus gây SARS tới hơn 70%, mà bão cytokine đã được cho là có liên quan tới nguyên nhân tử vong ở SARS.

Như vậy, có thể thấy rằng, cái gì phản ứng thái quá cũng không tốt. Hệ miễn dịch nếu phản ứng quá mức để "ráng bắt virus" có khi lại gây suy đa nội tạng và tử vong cho chính người bệnh!

Điều hòa mức phản ứng của cơ thể trước virus là chìa khóa quan trọng để vượt qua căn bệnh.

Nhìn ra xã hội, chúng ta có thể thấy một số hiện tượng tương tự.

Covid-19 tấn công: Từ trận cuồng phong ngay trong hệ miễn dịch đến cơn bão xấu xa ngoài xã hội - Ảnh 3.

Quá trình dẫn đến "Cytokine Storm" (Bão Cytokine). Nguồn ảnh: Nature.com

ĐẾN BÃO TIN ĐỒN

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ đe dọa hệ thống y tế mà còn ảnh hưởng lớn cho nền kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Trong khi các công ty dược phẩm và thiết bị y tế đang chạy đua với thời gian để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới dùng trong dự phòng, xét nghiệm và điều trị, thì hoạt động kinh doanh của nhiều công ty ở các lĩnh vực khác lại phải tạm dừng hoặc ngưng trệ.

Du lịch và hàng không là hai ngành hứng chịu thiệt hại sớm nhất và nặng nề nhất từ đợt dịch này, trong khi hàng loạt chương trình, sự kiện văn hóa - thể thao ở châu Á đã bị hủy bỏ hay tạm hoãn.

Covid-19 tấn công: Từ trận cuồng phong ngay trong hệ miễn dịch đến cơn bão xấu xa ngoài xã hội - Ảnh 5.

Tại Nhật Bản, với trên 30% tổng số khách du lịch nước ngoài là người Trung Quốc (năm 2019), ước tính quốc gia này sẽ mất khoảng 6 tỉ USD từ chi tiêu du lịch của khách nước ngoài. Doanh thu của các hãng hàng không ước tính sẽ thiệt hại 4-5 tỉ USD trong quý I năm 2020 và một số doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã phải đệ đơn phá sản. Thống kê cũng cho thấy 95% doanh nghiệp Nhật đang cảm nhận tác động tiêu cực của đợt dịch này lên hoạt động kinh doanh của mình.

Điều đáng lo ngại hơn là chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với khủng hoảng do sản xuất ngừng trệ tại một trong những mắt xích quan trọng nhất và cũng là nơi phát sinh bệnh dịch: Trung Quốc. Các công ty lớn có mối liên quan mật thiết với Trung Quốc như Foxconn, đối tác sản xuất của Apple ở Trung Quốc, đang phải tạm dừng hoạt động. Các nhà sản xuất xe ô tô như Nissan, Honda, Mazda hay Hyundai đang phải tạm thời đóng cửa các nhà máy bên ngoài Trung Quốc và giảm lượng sản xuất do không đủ linh kiện nhập khẩu.

Tại Việt Nam, các ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp điện tử, chế biến hay may mặc hiện chỉ hi vọng tăng trưởng ở mức 2-3% trong quý 1 thay vì 9-10% như dự kiến. Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại 22/63 tỉnh thành, tính đến 12/2/2020 có khoảng 9.000 lao động đã bị mất việc làm do ảnh hưởng của COVID-19.

Có thể nói SARS-CoV-2 đã và đang gây xáo động cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Covid-19 tấn công: Từ trận cuồng phong ngay trong hệ miễn dịch đến cơn bão xấu xa ngoài xã hội - Ảnh 6.

Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19. Nguồn ảnh: Eurasiareview.com

Dù rằng việc can thiệp quyết liệt như "ngăn sông cấm chợ" là cần thiết ở một số tình huống, điều đáng buồn là bức tranh kinh tế u ám nói trên đang bị làm đen hơn vì tin bẩn và tin đồn tiếp tục lộng hành, dẫn tới tâm lý lo sợ và phòng ngự thái quá.

Ở nhiều nước, tâm lý muốn tích trữ đồ quá mức cần thiết đã dẫn tới tranh cướp đồ và tăng giá sinh hoạt, làm điêu đứng thêm cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Điều cần nói thêm ở đây là trong khi bão cytokine trong cơ thể được kích hoạt nhờ tín hiệu phát ra từ tế bào bị nhiễm virus và tế bào miễn dịch tham gia phản ứng viêm, sự hỗn loạn ngoài xã hội đang xảy ra do bão tin đồn kích hoạt và lan tỏa bởi những người còn khỏe mạnh!

Sự khác nhau còn nằm ở phản ứng vô tri của những tế bào và phản ứng có thể ý thức và thay đổi của con người.

Thiết nghĩ rằng trong những ngày này, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt và cân nhắc kỹ lưỡng về những "tín hiệu" chia sẻ qua Facebook và các mạng xã hội, vì bão tin đồn hoàn toàn có thể gây hại thực sự cho toàn xã hội, theo một cách cực kỳ khốc liệt.

Nhóm tác giả:

Nghiên cứu sinh Ngô Thị Hương, Khoa huyết học, Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chuyên gia kinh tế Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Văn phòng Tokyo, Nhật Bản.

TS.BS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo

Rudragouda Channappanavar and Stanley Perlman. Pathogenic human coronavirus infections: Causes and consequences of cytokine storm and immunopathology. Semin Immunopathol , 39 (5), 529-539.

https://www.worldometers.info/coronavirus/#countries

https://www.the-scientist.com/news-opinion/why-some-covid-19-cases-are-worse-than-others-67160?fbclid=IwAR1949raiUI98zbZ3MN0day-_i0FvQi5xRqMKvL0K3kic6q2gEtjWVyTj-0

https://europeansting.com/2020/02/18/the-economic-effects-of-the-covid-19-coronavirus-around-the-world/

https://asia.nikkei.com/Business/Automobiles/Honda-cuts-output-at-2-Japan-plants-on-China-parts-shortage

https://vietnamnews.vn/economy/592301/industrial-sectors-growth-likely-to-hit-almost-3-in-q1.html

https://www.nippon.com/en/news/yjj2020021201267/new-coronavirus-to-erode-japan%27s-income-by-624-b-yen-think-tank.html

https://soha.vn/hai-benh-dich-an-theo-virus-corona-nguoi-thi-bi-tranh-nhu-tranh-ta-ke-ton-hao-qua-nhieu-nang-luong-song-20200212150859829.htm

Covid-19 tấn công: Từ trận cuồng phong ngay trong hệ miễn dịch đến cơn bão xấu xa ngoài xã hội - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại