Trong số các nước ở Châu Phi, Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận 1.655 ca nhiễm và 11 ca tử vong.
Tờ Spiegel (Đức) nhận định, hầu như không có nước nào ở châu Phi có phản ứng quyết liệt với chủng virus corona mới này như Nam Phi. Chính phủ Tổng thống Cyril Ramaphosa đã ban hành lệnh giới nghiêm.
Theo đó, người dân không được chạy bộ ngoài đường, không bán rượu và thuốc lá, không rời khỏi nhà trừ khi có việc tối cần thiết. Tổng thống Ramaphosa còn tuyên bố sẽ tiến hành xét nghiệm hàng loạt.
Báo Đức cho hay, nhờ hành động kiên quyết này, chính phủ Nam Phi đã được khen ngợi hết lời. Tuy nhiên để thực thi lệnh giới nghiêm, cảnh sát và quân đội Nam Phi đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn. Ngay trong tuần lễ đầu tiên đã có trên 17.000 người bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Người dân bị đánh bằng gậy, thậm chí bị bắn chết trên đường phố.
Một sĩ quan ở Kapstadt dùng roi với người vi phạm lệnh phòng chống Covid-19. Nguồn: piegel
Với nhiều người, con virus này chưa hiện diện
Nữ cảnh sát Mandy Lawrence đứng trong một chòi canh ở ngoại ô thành phố Kapstadt trước những ngôi nhà lụp xụp mái tôn hoặc những túp lều chắp vá bằng gỗ, bìa cứng. Cô tỏ ra thông cảm với cư dân ở vùng ven đô: "Với người dân nơi đây, phải ngồi suốt ngày trong những túp lều xập xệ là một cực hình. Họ sống chen chúc chật chội".
Cô Lawrence nói, đối với nhiều người, con virus này chưa hiện diện, họ không thể hiểu vì cớ gì họ không được rời khỏi nhà của mình. Đó cũng là lý do vì sao lực lượng cảnh sát quyết liệt như vậy. "Có những cộng đồng, người dân chỉ nhận thức được, hiểu được khi họ phải nhìn thấy, chứng kiến tận mắt. Vì thế khi họ chứng kiến cảnh sát ra tay quyết liệt thì họ mới hiểu đây không phải chuyện đùa".
Lawrence ý thức được rằng, trong điều kiện như hiện nay thì việc thực hiện lệnh giới nghiêm hoàn toàn không dễ dàng. Cô nói "thực ra đây là điều không thể", trong khi đó ở phía sau cô, khói bụi bốc lên mù mịt theo sự xuất hiện của xe cảnh sát.
"Người nghèo có thói quen tụ tập gần giao lộ để xin ăn. Và những người khác, thông thường họ phải vào thành phố để kiếm việc, họ kiếm tiền ở đó, dù ít cũng đủ để họ có cái ăn qua ngày. Nay giới nghiêm với họ đồng nghĩa với đói. Điều này sẽ dẫn đến căng thẳng và đụng độ", nữ cảnh sát Nam Phi chia sẻ.
Loạt động thái rắn của cảnh sát
Cảnh sát Kenya, một nước ở vùng Đông Phi, cũng dùng vũ lực để thực hiện lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Ngay hôm đầu tiên khi chính phủ ban hành chỉ thị về việc phòng chống virus corona mới, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà từ 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đã xảy ra một cuộc đụng độ.
Theo Spiegel, vào hôm thứ Sáu tuần trước, hàng nghìn người đi làm ở Mombasa đã bị cảnh sát phun hơi cay và vũ lực. Họ phải nằm chen chúc, úp mặt xuống đất. Nhiều người bị ho, nước mắt nước mũi lấm lem.
Cảnh sát châu Phi mạnh tay đối với người vi phạm lệnh giới nghiêm. Ảnh: AP
Tuy nhiên, hành động của cảnh sát Kenya đã chịu sự chỉ trích từ dư luận. Người phát ngôn cảnh sát Kenya Charles Owino mới đây đã chính thức xin lỗi và gọi đó là “hành động đáng tiếc”.
Nhiều vụ đụng độ tương tự cũng xảy ra ở các nước châu Phi khác. Ở Nigeria, đã có một người đàn ông bị bắn chết vì chống lệnh giới nghiêm.
Hay ở Kampala, thủ đô Uganda, cũng có một số người dân vẫn tiếp tục kiếm sống, bất chấp lệnh giới nghiêm. Không hiếm trường hợp cảnh sát xua đuổi, dùng roi gậy với những người bán dạo rau quả trên đường phố. Theo chỉ thị chính phủ, thời gian giãn cách xã hội ở Uganda là 32 ngày.
Báo Đức cho hay, những người không thực hiện giới nghiêm là những người không còn cách nào khác. Phần đông người dân ở đây thuộc diện phải chạy bữa ăn hàng ngày. Ngồi không ở nhà đồng nghĩa không kiếm ra tiền. Và ai không có tiền thì lâm vào tình trạng đói khát.
Đây là một cái vòng luẩn quẩn và tình trạng này càng làm cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở châu Phi càng thêm khó khăn. Ngày càng có nhiều người ở châu Phi cho rằng các biện pháp phòng chống Covid-19 có thể đe dọa tính mạng nhiều người hơn so với bản chất căn bệnh này.