Quyết định sớm mang lại lợi ích thực tế
Bắt đầu là sáu trường hợp bị nhiễm bệnh tại một làng cách thủ đô Hà Nội khoảng 40 km. Tuy nhiên đối với chính quyền địa phương thì điều này đủ để họ thực hiện một bước đi quyết liệt.
Xã Sơn Lôi - thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - với khoảng 10.000 dân được cách ly triệt để. Trong vòng 21 ngày, từ 13/2 đến 4/3, địa phương này đã thực thi quy định nghiêm khắc nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Với quyết định này, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ngoài Trung Quốc thực hiện biện pháp cách ly tập thể để phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó trên thế giới, người dân vẫn hào hứng đi du lịch và tham dự các lễ hội ở khắp nơi.
Handelsblatt chỉ ra, quyết định sớm này đã mang lại lợi ích thực tế cho Việt Nam. Tính đến 6h sáng ngày thứ Tư (22/4) vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam thông báo 6 ngày liên tục không xác nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới nào. Đến nay, Việt Nam không có ca tử vong nào được ghi nhận do dịch bệnh.
Điều này khiến Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là một trong các điểm sáng hiếm hoi trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19, và hy vọng Việt Nam có thể vượt qua tương đối thuận lợi những khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại quận Tây Hồ, Hà Nội, để phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: Tuấn Mark)
Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế tốt
Theo Handelsblatt, trong khi phần lớn các nước ở châu Á có thể lâm vào tình trạng suy thoái thì theo đánh giá của các nhà kinh tế, Việt Nam vẫn có thể tính đến khả năng đạt được tăng trưởng rõ rệt về kinh tế.
Cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lẫn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đều đánh giá trong dự báo thường niên - được công bố tháng 4 - rằng Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhất trong số các nền kinh tế tại khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu và gặp nhiều khó khăn do nhu cầu toàn cầu giảm. Tuy vậy IMF tin rằng năm nay kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng là 3%, trong khi đó ADB thậm chí dự báo là gần 5%.
Các nhà quan sát quốc tế tỏ ra lạc quan trước thành công của Việt Nam trong việc hạn chế tác động của virus corona chủng mới (SARS-Cov-2).
Hành động của chính phủ và kỷ luật của người dân
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm thứ 21/4 vừa qua đánh giá cao chính phủ Việt Nam về thành tựu xử lý khủng hoảng với virus corona. Ý thức kỷ luật của người dân trong việc thực hiện giãn cách xã hội cũng góp phần vào thành công này - theo Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai.
Trong khi đó xuất phát điểm của Việt Nam không thuận lợi. Việt Nam là láng giềng tiếp giáp Trung Quốc - đất nước bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên. Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 lượng du khách tới Việt Nam hàng năm.
John MacArthur, đại diện Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Đông Nam Á, dành cho các đồng nghiệp Việt Nam những nhận xét hết sức tích cực. Việt Nam đã thực hiện tổng cộng khoảng 200.000 xét nghiệm sàng lọc COVID-19, nhiều hơn bất cứ nước nào khác ở Đông Nam Á.
Tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội, xếp hàng để làm xét nghiệm Covid-19 (Ảnh: Tuấn Mark)
Quyết tâm chính trị cao nhất
Handelsblatt đánh giá Việt Nam đã cởi mở và minh bạch trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Chính phủ tiến hành họp báo hàng ngày để công bố thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh. Đạt được thành công trong kiểm soát dịch, Việt Nam cũng hỗ trợ nhiều nước trên thế giới như tặng khẩu trang y tế cho các nước đang cần, và Đức là một trong những nước nhận được số vật tư này của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gọi nỗ lực chặn đứng và đẩy lùi SARS-Cov-2 của Việt Nam là "cuộc tổng tấn công mùa Xuân 2020" nhằm vào đại dịch.
Ông John MacArthur nhận định, Việt Nam phòng chống dịch với quyết tâm chính trị cao nhất từ rất sớm, và đây là yếu tố dẫn đến thành công trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona.
Những quy định về cách ly đối với người di chuyển từ nước ngoài về được thực thi nghiêm túc tại các cơ sở do nhà nước quản lý. Mặc dù số ca nhiễm không lớn, những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và người dân tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong khi Đài Loan hay Hàn Quốc thực hiện biện pháp chống dịch bằng xét nghiệm đại trà, thì giải pháp của Việt Nam tương đối ít tốn kém hơn - tờ báo Đức nêu.
Bà Hong Kong Nguyen, chuyên gia xã hội học tại Phòng thí nghiệm AI về Dữ liệu xã hội (AI Social Data Lab), Hà Nội, chỉ ra "Việt Nam chọn cách tiếp cận phù hợp với khả năng ngân sách của mình và có hiệu quả. Thành công này là một ví dụ để các nước đang phát triển và các nước mới nổi có thể tham khảo."