Tuy nhiên, Hong Kong hiện tại đang là một trong số ít quốc gia phải đối phó với làm sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch bệnh. Chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã cảnh báo các bệnh viện ở Hong Kong phải đối mặt với nguy cơ quá tải khi số ca nhiễm trong ngày gia tăng kỷ lục.
Hong Kong đã ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 1 năm nay và đối phó với làn sóng lây nhiễm lần 2 vào tháng 3, khi số người mắc virus từ đường nhập cảnh tăng cao.
Hong Kong sau đó đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và yêu cầu người nhập cảnh phải xét nghiệm Covid-19 và cách ly trong 14 ngày. Chính quyền thậm chí còn sử dụng vòng tay điện tử để theo dõi các trường hợp nghi nhiễm và đảm bảo họ ở nguyên trong nhà.
Các biện pháp trên phát huy hiệu quả và giúp Hong Kong kiểm soát thành công dịch bệnh khi không phát hiện bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nội địa nào trong nhiều tuần, cuộc sống dần trở lại bình thường.
Người dân Hong Kong tuần hành trong ngày kỷ niệm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc (ảnh: BBC News)
Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây kể từ tháng 7, Hong Kong bất ngờ bị làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 tấn công và tình hình dường như tồi tệ hơn trước, theo BBC News.
Hôm 30.7, Hong Kong ghi nhận thêm 149 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày. Kể từ đầu tháng 1, Hong Kong đã ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm virus, trong đó có 24 trường hợp tử vong.
Hong Kong hiện cấm tụ tập từ 2 người trở lên và cấm các nhà hàng, quán ăn mở cửa đón khách.
“Thật đáng thất vọng và bực tức khi Hong Kong thực sự đã không thể kiểm soát được dịch bệnh như trước”, Malik Peiris – chuyên gia y tế tại Đại học Hong Kong – nhận xét.
Ông Malik Peiris cho rằng, có 2 lỗ hổng trong phản ứng với dịch bệnh của Hong Kong và thế giới cần phải rút kinh nghiệm từ đó.
Thứ nhất, Hong Kong đã để cho những trường hợp nhập cảnh tự cách ly ở nhà trong 14 ngày, thay vì cách ly trong cơ sở y tế.
“Nhiều người ở nhà nhưng cũng không ít người cố ý ra ngoài dù biết tình trạng của họ không an toàn. Chính quyền đã lơ là và không thực hiện hạn chế nào với họ”, ông Malik Peiris nói.
Nhân viên y tế Hong Kong trong dịch Covid-19 (ảnh: BBC News)
Tuy nhiên, theo ông Malik Peiris, điều sai lầm nhất trong phản ứng với dịch bệnh ở Hong Kong, dẫn đến làn sóng lây nhiễm lần 3 đến từ việc chính quyền đặc khu miễn kiểm dịch cho một số nhóm người nhập cảnh.
Khoảng 200.000 người đã không cần thực hiện kiểm dịch khi tới Hong Kong, bao gồm các thủy thủ đoàn, phi hành đoàn và giám đốc của một số công ty, theo BBC.
Là một trong những trung tâm kinh tế, thương mại và tài chính của châu Á, có rất nhiều chuyến bay, tàu thuyền quốc tế cập cảng Hong Kong mỗi ngày và thay đổi nhân sự ở đặc khu.
Joseph Tsang – chuyên gia y tế tại Hong Kong – cho rằng, việc miễn trừ kiểm dịch cho nhiều trường hợp là lỗ hổng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở Hong Kong.
Hong Kong hiện siết chặt hơn các quy định kiểm dịch đối với người nhập cảnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là chính quyền vẫn chưa đủ mạnh tay. Mới đây, một phi công nước ngoài đã đi thăm thú khắp nơi ở thành phố khi vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.
Trung Quốc đại lục hôm 27.7 tuyên bố sẽ giúp Hong Kong xây bệnh viện dã chiến với khoảng 2.000 giường nhằm đối phó với sự lây lan của virus.
Benjamin Cowling – giáo sư dịch tễ tại Đại học Hong Kong – cho rằng, các quốc gia khác nên rút kinh nghiệm từ Hong Kong để ngăn chặn một làn sóng dịch bệnh mới, đặc biệt là khi mùa đông tới gần.
Hồi cuối tháng 6, chính quyền Hong Kong đã cho phép các cuộc tụ tập tối đa 50 người.
“Miễn là các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội vẫn được thực hiện nghiêm, hệ thống y tế còn có thể đối phó. Nhưng một khi quy định kiểm dịch bị buông lỏng, số ca nhiễm sẽ tăng lên nhanh chóng và khó xác định được nguồn lây”, ông Peiris nói.
“Trong đợt lây lan thứ nhất và thứ hai, người dân Hong Kong đã cực kỳ tuân thủ các biện pháp kiểm dịch. Thậm chí, họ còn đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng trước khi chính quyền yêu cầu”, ông Peiris nói thêm.
Tuy nhiên, chuyên gia Peiris cũng bày tỏ lạc quan rằng, Hong Kong sẽ kiểm soát được làn sóng Covid-19 thứ 3 trong khoảng 4 – 6 tuần tới.
Đầu tháng 7, hàng ngàn người Hong Kong đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối luật an ninh mới. Truyền thông đại lục “đổ lỗi” những cuộc biểu tình đã khiến virus lây lan trở lại ở đặc khu. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Hong Kong cho rằng, không có bằng chứng nào cho quan điểm này.