Cú rơi lịch sử
Dữ liệu tổng hợp hôm 16/3 cho thấy các ngành sản xuất công nghiệp, bán lẻ và đầu tư tài chính ở Trung Quốc đều ghi nhận mức giảm sâu hơn so với dự đoán trước đó từ các nhà phân tích.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất tê liệt vì dịch bệnh, sản lượng công nghiệp của nước này trong hai tháng đầu năm giảm 13,5% - mức giảm đáng kể nhất kể từ tháng 1/1990. Số liệu này cũng là sự đảo ngược mạnh mẽ so với mức tăng trưởng 5,7% của tháng 12 năm ngoái - theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS).
Trong khi đó, doanh số bán lẻ giảm 20,5% - tiếp tục là một mức giảm chưa từng có. Con số này đáng kể hơn nhiều so với mức 4,0% do một nhóm các nhà phân tích của Bloomberg từng dự đoán.
Đầu tư tài sản cố định - thước đo chi tiêu cho các hạng mục bao gồm cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc và thiết bị - chứng kiến cú rơi tới 24,5% bất chấp ước tính ở mức giảm 2% được đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, dư luận không ngạc nhiên về lần chạm đáy lịch sử này của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đợt bùng phát dịch COVID-19, khiến nhịp sống gián đoạn, hàng trăm triệu người không thể đi làm.
Việc hàng trăm nhà máy, xí nghiệp rơi vào tình trạng tệ liệt khiến nền kinh tế Trung Quốc yếu đi đáng kể trong quý đầu năm 2020. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này, tính đến tuần trước, khoảng 95% các công ty lớn bên ngoài tâm dịch Hồ Bắc và 60% các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới quay lại làm việc.
Viễn cảnh nào cho kinh tế Trung Quốc?
Các quan chức Trung Quốc tuần trước cho biết đỉnh điểm của dịch bệnh đã qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo có thể mất vài tháng để nền kinh tế nước này trở lại bình thường.
Thế giới lo ngại các tập đoàn đa quốc gia sắp tới sẽ giảm sự phụ thuộc vào "công xưởng của thế giới" Trung Quốc và đẩy nhanh việc sản xuất, cung cấp dịch vụ tại các thị trường thay thế. Điều này sẽ làm hỏng chuỗi cung ứng toàn cầu, có mắt xích quan trọng là Trung Quốc, vốn được hình thành trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Cụ thể, dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, đầu tư vào sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm giảm 31,5%.
Cách Trung Quốc vực dậy sau cú rơi
Trước sự suy giảm đáng kể của dịch bệnh, các nhà phân tích đã dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm phục hồi nhanh chóng như đồ thị "hình chữ V", tương tự như sau dịch SARS năm 2003.
Phát ngôn viên của Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết dịch bệnh COVID-19 có tác động lịch sử nhưng là ngắn hạn và hoàn toàn có thể giải quyết được. Trong thời gian tới, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ để bù đắp tác động từ COVID-19 và khôi phục nền kinh tế, trật tự xã hội.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 15/3 cho biết họ sẽ áp dụng "nhiều biện pháp khác nhau" để giảm chi phí vay vốn cho các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại ở nhiều khu vực quan trọng trên thế giới cũng góp phần làm giảm tốc độ phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
"Điềm xấu" cho nền kinh tế toàn cầu
Trong khi Trung Quốc dần trở lại với guồng quay thường nhật thì các nền kinh tế khác trên thế giới mới bắt đầu bị đại dịch COVID-19 "gõ cửa".
Trước đây, người ta tưởng rằng chỉ có Trung Quốc – nơi virus corona mới khởi nguồn – mới phải hứng chịu cú đánh mạnh do dịch COVID-19 gây ra. Nhưng giờ đây, phần còn lại của thế giới cũng sắp sửa phải đối mặt với viễn cảnh tương tự.
Mỹ mới đêm qua đã tăng cường nỗ lực ứng phó với đại dịch sau động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0 và cam kết tăng quy mô nắm giữ trái phiếu ít nhất 700 tỷ USD.
Trong khi đó, các nhà phân tích kêu gọi một nỗ lực phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới để đối phó với sự suy thoái sau đại dịch.
"Tóm lại, cả thế giới cần chung tay đối phó với cú sốc kinh tế gây ra bởi COVID-19. Chúng ta thực sự cần coi vấn đề tài chính là nhiệm vụ tiên quyết nhằm ngăn sự suy giảm kinh tế lâu hơn mức cần thiết", Kerry Craig, chiến lược gia thị trường tại JP Morgan Asset Management cho biết.
Nền kinh tế toàn cầu đang mong đợi thêm nhiều biện pháp, chính sách nhanh nhạy để tránh viễn cảnh của một cuộc đại suy thoái hậu đại dịch.