Trong một trong những đợt chuyển sang thị trường gấu nhanh nhất, cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều kết thúc ngày giao dịch cuối cùng trong quý đầu tiên của năm ở mức thấp hơn 20% so với cuối năm 2019, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế đang khiến Mỹ chật vật đối phó và các hoạt động kinh tế ngưng trệ.
Đây cũng là mức giảm kỷ lục trong quý 1 của S&P khi người tiêu dùng được khuyến cáo ở nhà, các doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời và cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt.
Các nhà kinh tế học hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng cho năm 2020, còn giới đầu tư chờ đợi những báo cáo tài chính ảm đạm cho quý 1, lo ngại các công ty vỡ nợ và sa thải nhân viên hàng loạt sẽ dẫn đến suy thoái nghiêm trọng.
Hàng loạt gói kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng thấy đã giúp vực dậy thị trường trong tuần trước, chứng kiến S&P 500 tăng 9%. Nhưng điều đó không đủ để khiến giới đầu tư tin tưởng.
Nhiều nhà đầu tư có thể đang thận trọng trước khi báo cáo về số lượng thất nghiệp và báo cáo về bảng lương cho các ngành phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này.
Trong ngày 31/3, chỉ số Dow Jones giảm 410,32 điểm, tương đương 1,84%; S&P 500 giảm 42,06 điểm, tương đương 1,6%; còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 74,05 điểm, tương đương 0,95%.
Sàn Nasdaq ghi nhận mức giảm thấp nhất theo quý kể từ cuối năm 2018.
Trong bối cảnh đó, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra gói hỗ trợ khẩn cấp mới để giúp tiền tiếp tục chảy vào các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ, bất chấp cú sốc kinh tế nghiêm trọng do COVID-19 gây ra.
Ngân hàng trung ương Mỹ nói rằng thoả thuận mua lại tạm thời mới (repo) sẽ giúp các ngân hàng trung ương nước ngoài được đổi chứng khoán kho bạc Mỹ lấy đô la Mỹ. Sau đó, những đồng bạc xanh có thể được chuyển cho các ngân hàng địa phương đang cần tiền mặt.
Fed nói rằng chương trình mới sẽ được triển khai từ ngày 6/4, và “chủ yếu chỉ được sử dụng trong những tình huống bất thường như hiện nay”.
Mục đích của chương trình là giảm bớt nhu cầu của các ngân hàng trung ương nước ngoài trong việc bán tháo chứng khoán kho bạc Mỹ, gây rối loạn thị trường và từ đó khiến chi phí vay mọi thứ tăng lên, từ tài sản thế chấp đến thẻ tín dụng.