Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 28.350 ca mắc Covid-19 và 1.114 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng tổng số ca mắc ở Mỹ lên 1.952.401 người với 111.317 người tử vong. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/6 cho biết Mỹ đã sản xuất được 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 có thể "sẵn sàng đi vào sử dụng" trong khi các nhà khoa học vẫn đang xem xét tính hiệu quả và an toàn của loại vaccine này.
"Đã có tiến triển vô cùng lớn trong việc chế tạo vaccine. Trên thực tế chúng tôi đã sẵn sàng bước vào giai đoạn vận chuyển và hậu cần. Chúng tôi có hơn 2 triệu liều vaccine sẵn sàng sử dụng nếu nó hoàn thành bài kiểm tra về mức độ an toàn".
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci, người liên quan tới quá trình sản xuất vaccine của Mỹ từ chối bình luận về nhận định của ông Trump.
Brazil vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới và là ổ dịch lớn nhất Mỹ Latin. Quốc gia này ghi nhận thêm 14.838 ca mắc mới trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 630.708 với 34.625 trường hợp tử vong. Brazil đã vượt Italy về số ca tử vong, trở thành quốc gia có số ca tử vong nhiều thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh.
Peru, Chile và Mexico vẫn là những điểm nóng ở Mỹ Latin với số ca mắc Covid-19 tăng cao trong ngày. Mexico, Peru và Chile đều ghi nhận hơn 4.000 ca mắc Covid-19/ngày trong 24h qua. Dù vậy số ca tử vong ở Mexico lại cao nhất trong 3 nước này và cao thứ 2 Mỹ Latin, chỉ sau Brazil với 12.545 ca. Cả 3 quốc gia Nam Mỹ này cũng đã vượt Trung Quốc về tổng số ca mắc Covid-19, đồng thời nằm trong 15 nước có nhiều ca mắc nhất thế giới.
Nga ghi nhận thêm 8.726 ca mắc Covid-19 mới và 144 trường hợp tử vong trong 24h, giảm dần so với các ngày trước đó. Một quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận việc Nga xét nghiệm Covid-19 trên quy mô lớn đã giúp nước này ứng phó với đại dịch. Phát biểu tại buổi họp báo ở Geneva, Margaret Harris - người phát ngôn WHO cho rằng Nga dường như đang bước vào giai đoạn ổn định của dịch Covid-19, tức là số ca mới không tiếp tục theo chiều hướng gia tăng. Người phát ngôn WHO cũng nhận định Nga đã làm tốt việc xét nghiệm cho nhiều người, giúp các nhà chức trách nước này "xác định được nhiều ca bệnh".
Khi được hỏi về việc diễu hành Ngày Chiến thắng vào 24/6 tới ở Quảng trưởng Đỏ, Moscow, Harris giải thích WHO không phản đối việc tổ chức các sự kiện tập thể nhưng việc "đánh giá rủi ro" và "tăng cường các biện pháp an toàn" nhằm ngăn dịch bệnh lây lan là cần thiết.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha chỉ ghi nhận thêm 318 ca mắc Covid-19 mới trong ngày và chỉ có 1 trường hợp tử vong. Tổng số ca Covid-19 tại quốc gia này hiện là 288.058 ca với 27.134 ca tử vong.
Anh vẫn là ổ dịch lớn thứ 5 thế giới với số ca tử vong cao nhất châu Âu. Nước này ghi nhận thêm 1.650 ca mắc mới và 375 ca tử vong trong 24h qua. Tổng số người chết vì dịch Covid-19 ở Anh hiện là 40.261.
Italy - nơi từng là tâm dịch châu Âu, đã có 518 ca mắc mới và 85 rường hợp tử vong trong ngày.
Pháp và Đức cũng ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số trong 1 ngày, lần lượt là 611 và 491 với các ca tử vong ở mức 2 con số lần lượt là 46 và 27. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp là 153. 055 ca trong khi Đức ghi nhận 185.414 trường hợp mắc bệnh.
Đứng thứ 6 trong danh sách các nước có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ với 236.184 ca mắc và 6.649 trường hợp tử vong sau khi ghi nhận thêm 9.471 ca mắc mới và 286 ca tử vong trong 24h. Ấn Độ hiện đã vượt Italy về số ca mắc Covid-19.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có tổng số ca mắc Covid-19 cao hơn Iran, với 168.340 ca so với 167.156 ca, nhưng số ca mắc trong ngày đang có xu hướng tăng lên nhiều hơn ở Iran so với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 24h qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 930 ca mắc mới, trong khi Iran ghi nhận 2.886 ca. Số ca tử vong trong ngày của 2 nước đều ở mức 2 con số, lần lượt là 18 và 63.
Giữa bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 6,8 triệu ca mắc Covid-19 và 396.912 ca tử vong vì dịch bệnh này, WHO cảnh báo một số nước đã có sự gia tăng các ca mắc Covid-19 khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, đồng thời khuyến cáo người dân nên tự bảo vệ sức khỏe bản thân trong khi các nhà chức trách cần tiếp tục tiến hành xét nghiệm.
"Về sự gia tăng các ca mắc, đúng là chúng ta đã chứng kiến xu hướng này ở nhiều nước trên thế giới. Tôi không nói cụ thể ở châu Âu nhưng khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và các biện pháp giãn cách xã hội chấm dứt, mọi người đôi khi hiểu điều này là "Được rồi, dịch bệnh đã qua đi". Nhưng nó chưa hề qua đi. Dịch bệnh chưa qua đi cho đến khi không còn ca mắc nào ở bất kỳ đâu trên thế giới nữa", người phát ngôn WHO Harris khẳng định./.