COVID-19: Hết khẩn cấp, còn nguy cơ

Bài và ảnh: Ngọc Dung |

Các chuyên gia y tế cho rằng hiện số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại, số bệnh nhân phải điều trị hồi sức tích cực vẫn còn nên không thể chủ quan

Chiều 8-5, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin về các biện pháp ứng phó COVID-19 sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu cũng như các khuyến cáo cần thiết cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch thời gian tới.

Chia sẻ với báo chí, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - cho rằng hiện nay tình trạng thích ứng với COVID-19 đã tốt hơn, mức độ nghiêm trọng lây truyền của dịch bệnh đã giảm, số ca nhập viện, ca nặng cũng giảm. "Tuy nhiên, khi WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa cũng như ít nguy hiểm hơn. Chúng ta không được mất cảnh giác với COVID-19" - đại diện WHO nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc đã đến lúc xem COVID-19 giống như cúm mùa, đại diện WHO cho biết đúng là 2 bệnh có điểm tương đồng. Tuy nhiên, COVID-19 không phải là bệnh theo mùa. Cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông nhưng COVID-19 không theo mùa - điều này chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, COVID-19 vẫn là căn bệnh vô cùng mới. Chúng ta mới có 4 năm làm quen với nó, trong khi các nhà khoa học đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về bệnh cúm. Vì thế, còn quá sớm để coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa. TS Angela Pratt cho rằng đây không phải là lúc "chúng ta nghỉ ngơi", số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vắc-xin cao nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp phòng chống dịch thích hợp.

COVID-19: Hết khẩn cấp, còn nguy cơ - Ảnh 1.

Tại cuộc họp vào chiều 8-5, các chuyên gia y tế khuyến cáo phải luôn cảnh giác với COVID-19

Liên quan đến tuyên bố của WHO, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng đánh giá rủi ro nguy cơ vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù số mắc và tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi. Đầu tháng 4-2023, WHO công bố có khoảng 500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5 này, số biến thể phụ đã hơn 900.

Nói về vấn đề Việt Nam có công bố hết dịch hay không, GS-TS Phan Trọng Lân cho rằng nước ta không còn hạn chế đi lại. Bản chất của SARS-CoV-2 vẫn có thể di chuyển trên những người khỏe mạnh, vượt qua hàng rào hành chính nên phòng chống dịch COVID-19 phải mang tính toàn cầu, không phải vấn đề riêng của một quốc gia, một địa phương. Tại Việt Nam, chúng ta đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. Đặc biệt, từ tháng 10-2022, chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả.

GS-TS Phan Trọng Lân tiếp tục khẳng định dịch COVID-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hằng ngày, nước ta vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc, trong đó vẫn có trường hợp nhập viện, trường hợp nặng, thậm chí có ca tử vong. Khoảng 10% số ca mắc có tình trạng hậu COVID-19 nên điều này cũng gia tăng gánh nặng với hệ thống y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại