COVID-19: Chuyên gia đề xuất “miễn dịch quần thể” trong quân đội Mỹ

Thu Thủy |

Mỹ gần đây đã trở thành quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhất. Các trường hợp nhiễm bệnh trong quân đội cũng đang gia tăng nhanh chóng, có chuyên gia đề nghị thực hiện “miễn dịch quần thể” thay vì cách ly điều trị.

Trang tin Đa Chiều ngày 5/4 dẫn tin trên trang web Military Times của quân đội Mỹ ngày 4/4 viết, một báo cáo từ Không quân Hoa Kỳ cho thấy chỉ trong khoảng thời gian 5 ngày từ 29/3 đến 2/4 số lượng phi công của Không quân được xác nhận bị COVID-19 đã từ 164 tăng lên tới 290 trường hợp, với tốc độ tăng tới 76,8%.

Bản báo cáo này của Không quân Hoa Kỳ cũng cho thấy hiện đang có 16 phi công của Không quân đang nhập viện điều trị và 25 phi công khác đã hoàn toàn bình phục.

Ngoài ra, trong số các nhân viên Không quân khác, tính đến ngày 2/4, có tổng cộng 82 dân thường, 72 thành viên gia đình và 21 nhà thầu quân sự được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19. Hiện nay tổng cộng có 465 trường hợp được xác nhận bị bệnh COVID-19 đã được Không quân Hoa Kỳ báo cáo.

COVID-19: Chuyên gia đề xuất “miễn dịch quần thể” trong quân đội Mỹ - Ảnh 1.

Hiện trong Không quân Mỹ đã có 465 người bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: China Times)

Không chỉ Không quân, các quân chủng khác của quân đội Mỹ cũng đã xuất hiện các ca bệnh xác nhận.

Lucas Tomlinson, một phóng viên chịu trách nhiệm báo cáo liên quan đến Lầu Năm Góc của hãng Fox News, đã thông báo vào ngày 27/3 rằng theo các nguồn tin chính thức, có 2 thủy thủ trên tàu sân bay USS Reagan có căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Vài ngày sau đó, ngày 1/4, Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly tuyên bố có 114 thủy thủ trên tàu sân bay USS Roosevelt đã được xác nhận bị COVID-19.

Tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương báo cáo rằng chỉ huy của căn cứ Hải quân Hoa Kỳ tại Sasebo, Nhật Bản đã thông báo trong một video đăng trên Facebook vào ngày 3/4 rằng, căn cứ này đã xác nhận 1 trường hợp nhiễm virus Corona mới đầu tiên.

Tờ Stars and Stripes ngày 1/4 dẫn quan điểm của các chuyên gia quốc phòng và cựu thuyền trưởng tàu chiến hải quân, cho rằng Hải quân nên khuyến khích thực thi “miễn dịch quần thể” cho các thành viên trên tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương, thay vì đưa các binh sĩ luôn sẵn sàng thực hiện hành động ở Biển Đông này lên bờ để cách ly.

COVID-19: Chuyên gia đề xuất “miễn dịch quần thể” trong quân đội Mỹ - Ảnh 2.

Đã có hơn 100 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu sân bay USS Roosevelt bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: AP).

Theo bài báo, tàu sân bay USS Roosevelt hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, đã được chuyển đến đảo Guam, Nhật Bản, sau khi phát hiện các trường hợp được xác nhận bị COVID-19. Tờ San Francisco Chronicle trước đó đã đưa tin hơn 100 người trên hàng không mẫu hạm này đã bị nhiễm virus Corona mới.

Đại tá Hạm trưởng Brett Crozier đã khẩn cấp viết thư cho Hải quân Hoa Kỳ thỉnh cầu cung cấp các nguồn lực y tế và cho phép tất cả các thành viên thủy thủ đoàn lên bờ để xét nghiệm và cách ly để tránh tình trạng tồi tệ thêm.

Theo Stars and Stripes, cựu thuyền trưởng hải quân Jan van Tol, người từng chỉ huy nhiều tàu chiến, nói rằng: “Việc cách ly hầu hết (các thuyền viên) tàu sân bay trên bờ là sai lầm. Hải quân cần phải duy trì khả năng triển khai sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào”.

Jan van Tol nói rằng nếu cả hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan không thể chiến đấu vì bị cách ly, thì quân đội Trung Quốc có thể tìm cách lợi dụng tình thế này, đặc biệt là ở Biển Đông.

Ông Jan van Tol cho rằng hầu hết các sĩ quan và binh sĩ trên tàu đều là những người trẻ khỏe. Virus Corona mới có sức tàn phá rất yếu ớt đối với những người trẻ tuổi, nhiều người còn không biết rằng họ bị nhiễm bệnh.

Do đó, giải pháp tốt nhất là để các thủy thủ bị lây nhiễm tập thể rồi hồi phục, sau đó hình thành một quần thể miễn dịch trên toàn bộ con tàu.

COVID-19: Chuyên gia đề xuất “miễn dịch quần thể” trong quân đội Mỹ - Ảnh 4.

Đại tá Brett Crozier, Hạm trưởng tàu sân bay USS Roosevel đã bị cách chức vì bức thư cầu cứu đề nghị đưa các thuyền viên lên bờ cách ly (Ảnh: US Navy).

Điều đáng nói là Hạm trưởng Brett Crozier, người trước đây đã gửi thư khẩn cấp cho Hải quân Hoa Kỳ, yêu cầu đưa mọi thuyền viên của tàu Roosevelt lên bờ cách ly đã bị bãi chức.

Quyền Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Thomas Modly nói trong một tuyên bố rằng lá thư của ông Brett Crozier đã được truyền qua chuỗi chỉ huy (chain of command).

Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ nói rằng Brett Crozier bị cách chức không phải vì ông viết lá thư đó mà vì Hải quân tin rằng ông đã tiết lộ bức thư cho giới truyền thông, vi phạm các nguyên tắc trật tự và kỷ luật.

Kể từ khi trên tàu Roosevelt có 3 người được chẩn đoán nhiễm virus Corona mới lần đầu tiên vào ngày 24/3, số bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 đã liên tục gia tăng và hiện tại đã lên tới hơn 100 người.

Tàu sân bay này có 5.000 thuyền viên hiện đang neo đậu gần đảo Guam. Các quan chức hải quân ngày 1/4 cho biết, khoảng 1.000 người đã lên bờ và trong vài ngày tới sẽ có tổng cộng ít nhất 2.700 người cũng sẽ được rời tàu.

<

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại