COVID-19 chấm dứt 'tuần trăng mật' của Trung Quốc tại châu Phi

Hoài Thanh |

Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD để giành thiện cảm và ảnh hưởng chính trị ở châu Phi. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang đe dọa phá hỏng công sức Bắc Kinh đã bỏ ra trong nhiều năm.

Châu Phi từng được xem là vùng đất mới yêu thích của Trung Quốc. Nhưng rồi sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã tạo ra một hiệu ứng ngược và đe dọa hủy hoại những mối quan hệ Bắc Kinh đã khéo léo vun đắp trong nhiều thập kỉ qua.

Nguồn cơn dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ sự tức giận về cách Trung Quốc cư xử với người châu Phi đang sinh sống tại Trung Quốc, kế đến là sự không hài lòng của châu lục đối với quan điểm của Bắc Kinh trong giãn, xóa nợ để giúp các nước chống lại dịch bệnh.

Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào châu Phi kể từ thời điểm nổi lên thành một cường quốc toàn cầu. Trung Quốc đầu tư vào ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, các dự án hạ tầng và tìm cách o bế lãnh đạo các nước trong khu vực.

Bước đi này đã giúp Bắc Kinh có thêm bạn bè và đồng minh tại các thiết chế như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, một thập kỉ Trung Quốc giành ảnh hưởng ở lục địa đen đã bị thách thức nghiêm trọng vào tuần trước, khi một nhóm đại sứ các nước châu Phi viết thư gửi Ngoại trưởng Vương Nghị để phản ánh vụ công dân Togo, Nigeria và Benin sống tại Quảng Châu bị đuổi ra khỏi nhà và bắt buộc phải làm xét nghiệm COVID-19, một số nam giới bị tách khỏi gia đình và đưa đi cách ly.

Những video được đưa lên mạng sau đó đã gây ra sự phẫn nộ đối với người dân châu Phi và cộng đồng người gốc Phi ở nước ngoài, làm bùng lên căng thẳng ngoại giao hiếm gặp giữa châu Phi và Trung Quốc. Vụ việc đồng thời cũng cho thấy châu Phi đã từ bỏ cách tiếp cận truyền thống về xử lý bất đồng qua cửa hậu trong giao thiệp với Bắc Kinh.

Không ai nghĩ Trung Quốc sẽ đánh mất vị thế nhà cho vay và đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Nhưng giới phân tích và nhiều nhà ngoại giao tại châu lục nhìn nhận có khả năng hợp tác hai bên sẽ chịu thiệt hại.

Việc Bắc Kinh miễn cưỡng chấp thuận quyết định của G-20 về giãn các khoản trả nợ đến cuối năm lại làm tăng thêm phản ứng không hài lòng từ châu Phi.

“Có nhiều căng thẳng trong mối quan hệ này. Tôi nghĩ cả hai vấn đề đều là những thực tế mới nhất cho thấy những rạn nứt dài hạn”, ông Cobus van Staden, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Vấn đề Quốc tế Nam Phi bình luận. Một số học giả đã nghiên cứu về cách thức nhiều chính trị gia tại châu lục tạo sức hút trước cử tri thông qua tâm lý bài Trung Quốc, trong khi một bộ phận dân chúng ở nhiều nước xem thành công của Trung Quốc tại khu vực là mối đe dọa đến thịnh vượng của chính họ.

Dù có trợ giúp châu Phi trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhưng việc Trung Quốc bỏ xa Ngân hàng Thế giới (WB) để trở thành người cho vay đơn phương lớn nhất cho châu Phi đã khiến Bắc Kinh không hào hứng với việc xóa, giảm nợ cho khu vực này. Theo Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi thuộc Đại học Johns Hopkins, trong giai đoạn 2000-2018, Chính phủ Trung Quốc và Nghân hàng Phát triển Trung Quốc đã giải ngân các khoản vay với tổng giá trị lên đến 150 tỉ USD tại châu lục này.

Giới chức Trung Quốc nhanh chóng tìm cách hàn gắn rạn nứt vừa xuất hiện. Đại sứ, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Phi Liu Yuxin cho công bố bức hình chụp thân thiết giữa ông với các đồng nghiệp châu Phi, đồng thời giải thích về khác biệt giữa chính phản ứng của chính quyền Trung ương Bắc Kinh với chính quyền địa phương Quảng Châu.

Tham tán Phái đoàn Zhang Minjing cho biết Trung Quốc đánh giá cao sáng kiến nợ mà Nhóm G-20 mới thông qua, cam kết sẽ là tất cả những gì có thể để giúp các nước nghèo và khẳng định “quan hệ hữu nghị vững chắc Trung Quốc-châu Phi sẽ không bị ảnh hưởng bởi những sự vụ đơn lẻ.

Nhưng Bắc Kinh cũng ngày một lo ngại những dự án hạ tầng hàng tỉ USD đã được khởi công tại những nước như Zimbabwe nay sẽ phải dừng lại bởi dịch bệnh. Không chỉ là chuyện các công nhân, kĩ sư Trung Quốc chưa thể quay lại công trường, mà còn do nguyên vật liệu xây dựng dần cạn kiệt khi nguồn cung khan hiếm.

COVID-19 chấm dứt tuần trăng mật của Trung Quốc tại châu Phi - Ảnh 2.

Công trường xây dựng Tòa nhà Quốc hội Zimbabwe do một công ty của Trung Quốc đảm trách. Ảnh: Xinhuanet.com

Châu Phi sẽ cần hỗ trợ nhiều nhất có thể. Sau nhiều năm tăng trưởng cao, báo cáo cập nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 15/4 cho biết GDP khu vực Tiểu Sahara dự báo sẽ giảm 1,6% trong năm nay do tác động của dịch bệnh, giá dầu và các loại hàng hóa khác lao dốc. Riêng tại Ethiopia, chính quyền ước tính sẽ có 1,4 triệu người mất việc trong 3 tháng tới. Châu Phi hiện ghi nhận 17.701 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 915 người thiệt mạng và con số này sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.

Cho đến lúc này, giúp đỡ của thế giới cho châu Phi chưa nhiều. Hôm 13/4, IMF thông qua khoản hỗ trợ 215 triệu USD dưới dạng giảm nợ và hỗ trợ chống dịch bệnh cho 25 nước châu Phi - một con số quá nhỏ nếu tính bình quân cho mỗi nước.

Hôm 15/4, Nhóm G-20, trong đó có cả Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và một số nước khác đề xuất ngừng các khoản trả nợ của châu Phi tới cuối năm 2020, bất chấp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi giúp đỡ châu Phi bằng hình thức giãn, xóa các khoản nợ lớn.

Ông Stephen Karingi, Giám đốc bộ phận thương vụ tại Hội đồng Kinh tế Liên hợp quốc cho châu Phi cho biết ủng hộ của cộng đồng quốc tế cần phải đặt trong tổng thể để giúp châu lục khắc phục được hậu quả dịch COVID-19. Theo ông, năm 2020 và 2021 sẽ là thời kỳ khó khăn cho châu Phi và hoạt động trợ giúp phải bám sát xu thế này.

Hiện chưa thể nói chắc những diễn biến mới nhất sẽ có tác động như thế nào đối với quan hệ chính trị, thương mại Trung Quốc-châu Phi. Ở cấp độ chính thức, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy vụ việc sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên tại Liên minh châu Phi nhận xét, một khi vấn đề đã liên quan tới Trung Quốc thì sẽ phải tính đến các yếu tố dài hạn. Trung Quốc đầu tư trên khắp châu lục, họ hiện diện khắp nơi. Nên xét một cách thực tế, cả hai bên sẽ phải hiểu căn nguyên của những diễn biến và cùng nhau giải quyết.

Nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy không thể sớm bỏ qua hay làm ngơ vụ Trung Quốc cư xử với người châu Phi. Cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki cho biết đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại AU để bày tỏ quan ngại về vụ việc.

Ở cấp độ song phương, Nigeria và Ghana đã cho triệu hồi Đại sứ Trung Quốc để nghe giải thích. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng việc cư xử tệ với công dân châu Phi đang sống tại Trung Quốc là không phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai khu vực, tính từ thời điểm Trung Quốc hậu thuẫn châu Phi trong cuộc chiến đấu chống thực dân hóa.

Một quan chức giấu tên tại AU cho biết, giới chức Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm trước phản ứng của công chúng, dư luận tại châu Phi khi vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội. Nhưng nhiều nước trong khu vực phần nào cũng có thể hài lòng khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 12/4 cho biết những quan ngại của phía châu Phi là hợp tác và chính đáng.

Thế nhưng, việc người dân tại châu lục có dễ dàng bỏ qua hay không lại là vấn đề rất khác. “Dư âm vụ việc sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những cộng đồng dân cư” - ông Cobus van Staden bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại