Cột đá… 'biết hát' ở đền Vijaya Vithala

Thy An |

Theo ghi chép từ Ấn Độ, Vijaya Vithala được xây dựng vào thế kỷ XV, trên bờ sông Tungabhadra.

Mặc dù được đục đẽo từ đá tảng nguyên khối, bên trong không hề rỗng nhưng những cột đá của đền Vijaya Vithala ở Hampi, miền Nam Ấn Độ lại có thể phát ra âm thanh tuyệt vời như bản nhạc, khi được gõ vào. Suốt 500 năm nay, chúng vẫn là bí ẩn chưa được lý giải.

Kiến trúc xa hoa

Theo ghi chép từ Ấn Độ, Vijaya Vithala được xây dựng vào thế kỷ XV, trên bờ sông Tungabhadra. Lúc này, Hampi là kinh đô của Vương quốc Vijayanagara. Các vị vua của Vijayanagara vô cùng sùng bái đạo Hindu và say mê nghệ thuật. Họ không tiếc thời gian và tiền bạc, xây dựng Vijaya Vithala với khuôn viên rộng mênh mông, tường bao quanh cao chót vót và đền thờ to đẹp.

Đền Vijaya Vithala thờ Thần Vishnu, được thiết kế theo hình dạng chiếc xe ngựa. Ngày nay, Vijaya Vithala chỉ còn là tàn tích, nhưng vẫn giữ được vẻ lộng lẫy.

Bước qua cổng vào là tòa tháp đồ sộ, tọa lạc tại phía Đông cùng sân trước rộng rãi, đặt cỗ xe bằng đá. Đúng như tên gọi, “cỗ xe” này được tạc từ đá tảng, đồ sộ được 2 con voi kéo, chạm khắc vô cùng tinh xảo, chi tiết, cả ở trục và phanh bánh xe.

Trung tâm của Vijaya Vithala là Đại lễ đường Mahamandapa. Nhìn bề ngoài, Mahamandapa hệt như kiến trúc khổng lồ được đục đẽo từ khối đá tảng duy nhất nhưng, thực tế, nó do nhiều khối đá ghép lại.

Bốn bề Mahamandapa đều để ngỏ; phía Đông, Nam và Bắc vẫn nguyên vẹn kiến trúc cũ, phía Tây thì bị sập, có thể là do bị đốt phá khi Hampi thất thủ trong quá khứ.

Khi Vijayanagara vẫn còn, Mahamandapa chính là sân khấu xa hoa nhất, nơi các vũ công xuất chúng của vương quốc dâng lên thần linh và vua quan những tiết mục biểu diễn tuyệt đẹp.

Cột là nhạc cụ

Cột đá… biết hát ở đền Vijaya Vithala - Ảnh 1.

Vẫn chưa ai lý giải được tại sao cột đá đền Vijaya Vithala “biết hát”. Ảnh: Alamy

Nhạc cụ cổ truyền của Ấn Độ bao gồm đàn dây và bộ gõ. “Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước Đại lễ đường Mahamandapa vào thời Vương quốc Vijayanagara thịnh vượng, trong một buổi nhã nhạc cung đình.

Các vũ công múa hát say mê theo giai điệu tuyệt đẹp phát ra từ tay các nhạc công nhạc hơi, dây và bộ gõ giữa khung cảnh tráng lệ”, Manjunath, hướng dẫn viên dẫn dắt du khách chìm vào “ngày xưa huy hoàng”.

“Thế nhưng, không có bất cứ nhạc cụ nào trên tay các nhạc công cả. Tất cả những gì họ làm là gõ lên những cây cột đá”, Manjunath vừa nói vừa chỉ vào các cây cột chống đỡ Đại lễ đường Mahamandapa.

Mahamandapa có tổng cộng 56 cây cột và chúng được gọi bằng cái tên chung, cột sa - re - ga - ma, có nghĩa là cột âm nhạc. Nhạc cổ truyền của Ấn Độ bao gồm 4 thang âm sa - re - ga - ma, tương ứng với đồ - rê - mi - pha.

“Ngày xưa, các nhạc công dùng thanh gỗ đàn hương hoặc chính bàn tay của mình gõ lên các thân cột. Chỉ mỗi như thế thôi, vậy mà họ tạo ra được từ âm thanh trong trẻo như tiếng chuông đến rộn ràng như tiếng trống”, Manjunath tự hào.

Bí ẩn thế kỷ

Cột đá… biết hát ở đền Vijaya Vithala - Ảnh 3.

Một góc Đại lễ đường Mahamandapa với các khóm cột phát ra thang âm đồ - rê - mi - pha. Ảnh: Malavika Bhattacharya, Bbc.com

Cột đá Đại lễ đường Mahamandapa được thiết kế theo dạng khóm cột. Mỗi khóm có 1 cột trung tâm to, vững chãi và nhiều cột nhỏ xung quanh. Bỏ qua nét chạm khắc tinh xảo, chúng cũng không khác gì các cột đá khác, đều mang hình tròn, vuông, lục giác hoặc bát giác, được mài nhẵn nhụi.

Nếu không biết trước rằng chúng có thể phát ra âm thanh như giai điệu âm nhạc, không ai nghĩ đến chuyện thử gõ vào.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng, bên trong các cột đá này rỗng, nhờ đó mới có tính năng phát nhạc. Tuy nhiên, sau khi xẻ thử một vài cây vì mục đích giải mã bí ẩn, họ chứng thực chúng là cột đặc.

“Theo tôi, thang âm sa - re - ga - ma được hình thành từ… chất liệu đá”, Giáo sư Sharada Srinivasan đoán. Hầu hết các cột của Mahamandapa đều được đục đẽo từ đá granite tảng lớn.

“Vì đá granite được mang tới từ các mỏ đá địa phương khác nhau, nên chất đá cũng có phần khác nhau. Cộng với kích thước cột dày, mỏng, hình dạng tròn, vuông… và vị trí đặt, chúng phát ra thang âm khác nhau”, vị Giáo sư lý giải.

Nếu suy đoán của Giáo sư Srinivasan là chính xác thì, ngay từ đầu, các cây cột của Mahamandapa đã được chế tác với mục đích dùng làm nhạc cụ. Sau khi quan sát kỹ càng, giáo sư phát hiện có một cây cột được chạm hình vũ công cầm chũm chọe và thang âm mà nó phát ra cũng cao ngang chũm chọe. Có điều, các cây cột khác và hình chạm khắc trên chúng thì không đại diện cho thang âm mà chúng phát ra.

Nếu suy đoán của Giáo sư Srinivasan là sai thì, ngay từ đầu, các cây cột của Mahamandapa chỉ là cột. Việc chúng phát ra âm thanh tương ứng thang âm sa - re - ga - ma chỉ đơn giản là vô tình. Các nhạc công của Vijayanagara cũng chỉ vô tình phát hiện ra, sau đó tận dụng làm nhạc cụ.

Suốt nhiều thập kỷ, vì tò mò mà các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã đến Vijaya Vithala, thử gõ lên các khóm cột và tìm cách lý giải tiếng nhạc của nó.

Ngay cả du khách cũng không kìm nổi hiếu kỳ, gõ thử bằng bất cứ vật gì đang cầm trong tay. Kết quả, họ khiến thân cột bị sứt mẻ và buộc ban quản lý ngôi đền phải ra quy định cấm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại