Trong những ngày này, chỉ cần lượn một vòng phố quán xá, trung tâm thương mại là biết những ảnh hưởng do dịch Covid -19 gây ra. Những nơi nhộn nhịp nhất, sầm uất nhất, đông vui nhất như phố Tây, phố đi bộ, các con phố thời trang phần lớn đều thưa thớt, vắng vẻ.
Covid - 19 tác động thế nào đến với giới trẻ? Ngoài chuyện kì nghỉ Tết kéo dài nhất lịch sử từ trước đến nay thì những thói quen thường nhật của người trẻ cũng bị thay đổi do ngân sách chi tiêu bị cắt giảm tối đa vì "có làm ăn được gì đâu mà mua sắm"!
Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các shop thời trang cả offline và online. Cảnh "vắng như chùa bà đanh" ở các shop khiến những người kinh doanh mặt hàng phục vụ giới trẻ đau đầu. 3 câu hỏi lớn được đặt ra:
Bán cho ai?
Nhập hàng như nào khi tắc biên vì dịch?
Tiền đâu trả cho nhân viên, thuê mặt bằng trên các tuyến phố chính khi cứ vắng tanh thế này?
Corona - “cô đơn quá” vì shop “ế” khách lắm rồi
Trong những ngày tâm dịch, dễ thấy nhu cầu cái đẹp được đặt sang một bên nhường chỗ cho vấn đề sức khỏe. Các trung tâm thương mại, các khu phố thời trang vì thế mà trở nên thiếu vắng khách hàng.
Dịch không chỉ ảnh hưởng mỗi tới lượng khách hàng và doanh thu mà còn gây khó khăn trong chính khâu quản lý và vận hành với vấn đề đến từ nhân sự và nguồn hàng.
Tại quận Cầu Giấy - một trong những "thiên đường" mua sắm sầm uất của Hà Nội - nhiều shop không tránh khỏi cảnh đìu hiu, nhân viên gà gật buồn ngủ vì quá vắng khách.
Tuyết Nhung - ca trưởng của cửa hàng M.B ở Cầu giấy chia sẻ: “Theo mình nhìn nhận thời gian gần đây có 3 vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất đến cửa hàng: Đầu tiên là nguồn hàng không có; thứ hai đấy là các trường đại học nghỉ, sinh viên nghỉ thì sẽ không có lượng khách hàng lớn như bình thường nữa; thứ ba là ảnh hưởng đến nhân sự, vì đa số nhân sự ở cửa hàng mình là các bạn sinh viên nghỉ học còn ở quê sau Tết nên nhân sự nhiều lúc không thể cân đối được”.
Về nguồn hàng, Nhung cho biết thêm: “Hàng bên mình chủ yếu là từ bên kho chuyển xuống và hiện bên mình đang về các hàng thiết kế có sẵn. Thế nên việc tắc biên cũng không ảnh hưởng quá nhiều, chỉ là hàng không về được nhiều như trước thôi”.
Tình trạng này cũng diễn ra tại cửa hàng S.R (do SunHT làm chủ): “Mùa dịch nên người ta hạn chế ra ngoài đường, khách đa số là đặt hàng online để ship về tận nhà luôn”.
Hình ảnh ở một số cửa hàng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Do hậu quả của dịch, Ngọc Nữ - người đẹp cũng đang kinh doanh thời trang - đau đầu về những khó khăn: “Doanh thu giảm 1 nửa, kế hoạch là sang tháng mình mở shop ở Sài Gòn nhưng tình hình này đang lo nẫu ruột”.
Khởi nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Đang kinh doanh mặt hàng thời trang tại Hà Nội, hot girl An Japan cũng than: “Dịch Covid - 19 ảnh hưởng không hề nhỏ đến shop của mình cũng như shop khác.
Bọn mình đã đặt vé đi Quảng Châu trước khi dịch bùng phát để sang nhập hàng nhưng cũng không tránh khỏi dịch và buộc phải hủy vé. Tất cả các chợ, xưởng bên Quảng Châu đã nghỉ việc từ Tết đến bây giờ chưa làm lại.
Nên hiện giờ rất khan hiếm hàng để bán, bọn mình phải nhập ở nguồn khác nhưng không có nhiều mẫu mã đa dạng và số lượng hạn chế.”
Anh Japan lao đao vì phải huỷ vé đi Quảng Châu nhập hàng.
Các shop quần áo nữ chao đảo là vậy, các shop đồ nam cũng ngắc ngoải không kém. Ánh Tuyết - chủ cửa hàng thời trang nam E. chia sẻ: “Đợt này, shop mình cũng rất khó khăn trong việc nhập nguồn hàng, mẫu mã thì hạn chế do vấn đề tắc biên. Do đợt bùng phát dịch, khách hàng đến shop rất thưa thớt nên bên mình đang đẩy mạnh việc bán online".
The New District - một hội chợ offline quy tụ rất nhiều local brand nổi tiếng cũng đã phải tạm hoãn một kì hội chợ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, "Quận Mới" đã kêu gọi mọi người mua hàng online để "giải cứu" local brand.
Được biết, chi phí thuê mặt bằng của các shop online thường dao động từ 1000 - 3000$ cho các cửa hàng nằm ở các con đường thời trang sầm uất, đông đúc ở Hà Nội và Sài Gòn.
Con số này còn còn có thể lên đến 5000-7000$ cho các vị trí đẹp, rộng và đắc địa ở khu vực trung tâm. Việc phải gồng lên để gánh chi phí mặt bằng giữa lúc doanh thu sụt giảm cũng đã gây không ít áp lực cho các chủ shop.
Offline cầu cứu... online, kiên trì chờ hết dịch hay bẻ lái để tồn tại?
Khi hoạt động kinh doanh tại cửa hàng trở nên khó khăn, nhiều shop đã đầu tư đẩy mạnh bán online để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, thực tế thì cũng không dễ dàng và "ngon ăn".
Bán thời trang online được một thời gian dài, Diệu Thanh cho biết: “Đợt vừa rồi bên Trung Quốc và xưởng dừng hoạt động do dịch, hàng hoá không lưu thông nên cả tháng trời mình không thể buôn bán gì cả.
Khách hỏi cũng không có hàng để bán, hàng có cũng không về được. Với những người không ôm hàng sẵn như mình, đợt vừa rồi có thể nói là thất nghiệp nằm nhà. Không biết sống kiểu gì nếu tình trạng như thế tiếp diễn vài tháng nữa.”
Dù không kinh doanh quá lớn nhưng chị Nguyễn Thanh Thủy (Thủy Sún) cũng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại vì dịch: “Đợt đỉnh điểm dịch mình không thể giao hàng cho một số khách được vì có những người ở khu cách ly Vĩnh Phúc. Còn về nguồn hàng thì mình có nhiều mẫu muốn đặt cho khách nhưng phải đợi thông biên giới mới có hàng về."
Thuỷ Sún - một trong những hot girl kinh doanh thời trang cũng gặp khó khăn.
Trang Thỏ (27 tuổi), đang kinh doanh thời trang online ở Sài Gòn chia sẻ: "Kinh doanh offline nên không bị ảnh hưởng thất thoát vụ mặt bằng, nhưng tình hình hàng hoá khá bị ảnh hưởng do khan hiếm nguyên vật liệu (vải nhập từ Trung Quốc khá nhiều).
Nhân công thì các bạn ở quê tránh dịch không lên làm nữa, một số nhà may hay thợ may chuyển qua may khẩu trang. Rồi chi tiêu khó khăn hơn, ít đi chơi hơn nên khách hàng không đầu tư nhiều cho quần áo".
Trước tình hình diễn biến phức tạp về dịch bệnh, nhiều shop chủ động tìm kiếm lối đi cho riêng mình. Tạm nghỉ một thời gian, chuyển hướng kinh doanh hoặc thay đổi nguồn nhập hàng là những dự định đang khiến nhiều chủ shop băn khoăn chọn lựa.
Một trong những hướng đi an toàn được nhiều shop sử dụng hiện nay là hàng tự thiết kế.
Theo chia sẻ của bạn Hồng Ngọc - cửa hàng trưởng T Cầu Giấy (do chị Hoa July làm chủ), shop hoàn toàn không gặp “sóng gió”: “Bên shop khác thì không biết chứ bên shop mình việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.
Lượng khách hàng đến đông vào tầm chiều và buổi tối. Bên mình chủ yếu là hàng thiết kế, hàng riêng của T chứ không nhập bên ngoài nên không bị ảnh hưởng”.
Bên cạnh nguồn hàng thiết kế, nhiều chủ shop cũng định hướng sẽ nhập hàng Việt Nam cho thuận tiện: “Thời gian này thay vì chỉ bán hàng order thì bên mình sẽ tập trung đẩy hàng Việt Nam mình nhiều hơn nên chắc cũng sẽ không có khó khăn gì nhiều” - Quan điểm từ bạn Mai Ngọc Hà.
Ngoài những hướng đi để tiếp tục duy trì việc kinh doanh thời trang, nhiều bạn trẻ bán hàng online đã phải “mạnh dạn bẻ lái”, bạn Hà My bộc bạch: “Nếu tình trạng còn tiếp tục diễn biến phức tạp thì mình phải tạm dừng việc nhận order và chuyển sang mảng kinh doanh khác ví dụ như đồ ăn nhà làm chẳng hạn.”
Tạm kết: Có thể thấy, tất cả những khó khăn trên đều là câu chuyện chung của những người đang kinh doanh thời trang.
Với tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến vô cùng phức tạp, các vấn đề đều không thể giải quyết trong 1 sớm 1 chiều. Vì vậy, chắc chắn các shop sẽ cần phải chuẩn bị thật tốt để đương đầu với những khó khăn không ai mong muốn.