"Tấm chăn nhỏ" không che nổi Chelsea
Không phải ngẫu nhiên mà Totteham lại là đội bóng đặt dấu chấm hết cho hai chuỗi trận toàn thắng ấn tượng nhất của hai "ông lớn" Premier League mùa này: Man City với chuỗi trận toàn thắng kéo dài từ trận khai mạc và Chelsea với kỷ lục kinh hoàng 13 trận toàn thắng ở giai đoạn quyết liệt nhất của mùa giải.
Cũng chẳng phải là trùng hợp khi để có được hai chuỗi trận cực kỳ ấn tượng ấy, cả Man City của Pep Guardiola và Chelsea của Conte đều sử dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-3. Họ thành công, thậm chí thành công vang dội, cho đến khi đụng phải Tottenham.
Để lý giải cho điều đó, hãy quay lại với trận đấu đêm qua trên White Hart Lane. Conte dùng 3-4-3 để chế ngự cực tốt 4-2-3-1 và 4-4-2, thì Pochettino dùng 3-4-2-1 để khắc chế lại.
Đêm qua, Totteham sử dụng overload toàn bộ cánh phải để đập tan 3-4-3 của Chelsea. Ở đấy, theo thống kê, Walker và Eriksen cả trận chuyền cho nhau đến 30 quả (15 quả mỗi chiều), kéo lệch toàn bộ hàng thủ của đội bóng áo xanh cánh trái để phòng ngự.
Vì thế, chẳng hề là chuyện đáng ngạc nhiên khi cả 2 "nhát đâm" của Tottenham dành cho Chelsea đều xuất phát từ những pha chồng cánh, trả ngược của cặp đôi tiền vệ bên cánh phải này. Nhưng yếu tố quan trọng nhất trong cả hai bàn thắng là cái cách Pochettino đánh bại hàng thủ của Conte bằng mũi nhọn Dele Alli, thay vì Harry Kane.
Quay lại với sự ưu việt của sơ đồ 3-4-3 mà Conte đang dùng để chinh phục cả Premier League. Nói ngắn gọn, điển đáng sợ nhất của nó là luôn thừa một cầu thủ tấn công mỗi khi Chelsea có bóng và gây sức ép lên khung thành đối phương. Có điều Pochettino nhìn ra điều tưởng chừng cực kỳ đơn giản, thừa người tấn công, ắt thiếu người phòng thủ, chứ chẳng thể phân thân một chốn hai nơi được.
Dele Alli có đến 2 pha kết thúc ở tư thế thuận lợi.
Ở bàn thắng đầu tiên, Walker và Eriksen "lùa" cả hàng thủ Chelsea "vào rọ" khi dồn cả 4 cầu thủ sang cánh trái, để chỉ còn mỗi Azpilicueta và Victor Moses đối mặt với Harry Kane, Dele Alli và Danny Rose trong vòng 16m50. Ở đấy, Kane đóng cực tốt vai trò "chim mồi", Rose kéo giãn Moses ra cho Dele Alli kết thúc ở tư thế thuận lợi.
Đáng ngạc nhiên là sau giờ nghỉ, bàn thua thứ hai của Chelsea cũng đến theo kịch bản y hệt, thậm chí còn thảm hơn khi chỉ có 3 cầu thủ Chelsea kịp về để quây bắt Walker và Eriksen. Lỗ hổng chết người trong sơ đồ chiến thuật của Conte - sự hoán đổi vị trí từ tấn công sang phòng ngự đã được Tottenham khai thác triệt để.
Không có chỗ cho sự cứng nhắc
Phát biểu sau trận thua, Gary Cahill nói rằng: "Chúng tôi không phải là rô bốt", với ý Chelsea chẳng thể thắng mãi khi phải cày ải với mật độ trận đấu dày đến thế. Nhưng cả 20 đội bóng Premier League đều phải căng mình ra, chứ nào phải chỉ mỗi thầy trò Conte. Và ở một khía cạnh khác, Conte đang, và Pep Guardiola đã từng "rô bốt hóa" đội bóng của mình bằng sự cứng nhắc trong chiến thuật.
Totteham "hạ sát" Man City và Chelsea ngay khi họ đang bay cao nhất trên đỉnh thành công, chẳng thể phủ nhận tài năng "điều binh khiển tướng" của Pochettino, nhưng bên cạnh đó, ở những trận đấu đó, các cầu thủ Totenham thi đấu cực kỳ máu lửa, họ vào trận với tâm thế như đây là trận đấu cuối cùng, như chẳng còn gì để mất.
Tinh thần chiến binh là thứ vũ khí giúp Tottenham đè bẹp một Chelsea bất bại.
Đấy mới là điều làm nên sự hấp dẫn của Premier League. Đấy cũng là điều chẳng ai có thể dạy cho Conte hay Pep Guardiola - những người dù cực kỳ tài năng, nhưng chỉ vừa mới "chân ướt chân ráo" đặt chân đến đây. Điều đó, cả Pep lẫn Conte chỉ có thể tự mình học, sau khi đã đắm mình sâu trong không khí của Ngoại hạng Anh, nơi đôi khi mọi sơ đồ chiến thuật đều trở nên vô nghĩa trước sự thăng hoa về mặt tinh thần.
Lùi một bước, trời cao đất rộng
Gần 80 ngày trước, Mourinho từng phải nhận những lời chỉ trích dữ dội từ các cổ động viên Man United, cũng như sự dè bỉu từ cổ động viên đối phương sau trận thủ hòa với Liverpool trên sân Anfield. Trận đấu ấy, với lối chơi phòng thủ siêu tiêu cực, Quỷ đỏ lập kỷ lục đáng xấu hổ với tỷ lệ cầm bóng thấp nhất trong kỷ nguyên Premier League.
Song khi 20 vòng đấu Premier League đi qua, nhìn vào thành tích đối đầu của top 6, nơi Liverpool bất bại với 3 chiến thắng trước Chelsea, Man City, Arsenal, hòa với Tottenham và Man United, người ta mới thấy sự tính toán và nhẫn nhịn của Mourinho có giá trị đến thế nào.
"Xé nát vụn" trận đấu trên sân Anfield, song Mourinho đạt được mục đích của mình với 1 điểm cầm về.
Thời điểm ấy, Quỷ đỏ đang là một đoàn quân rệu rã, lắp ghép và chấp chới trên bờ vực khủng hoảng. Mourinho hiểu rằng chẳng có chiến thuật hay phép màu nào có thể giúp các học trò của mình vượt qua nổi một Binh đoàn đỏ đang hừng hực khí thế, nhất là khi đối đầu với một đội bóng mạnh. Thôi thì, lùi một bước là trời cao đất rộng.
Nắm rõ Premier League, "Người đặc biệt" giờ đã không còn bó bản thân vào một sơ đồ chiến thuật cố định nào. Sự vận dụng linh động giữa 4-2-3-1, 4-3-3 hay 4-4-2 phụ thuộc vào lực lượng và tính chất trận đấu, cũng như phong độ của các cầu thủ.
Trận đấu gần đây nhất với West Ham, khi cả hàng công của Man United bất lực với "bức tường thép" mà 10 cầu thủ đối phương dựng lên trước khung thành, thay vì tung Martial đang có phong độ rất tốt vào sân, Mourinho đặt niềm tin vào chân sút trẻ đầy khát khao và có khả năng tạo đột biến Rashford, cùng "quái kiệt" Mata với cú ra chân kết thúc tinh tế và khả năng đột phá mạnh mẽ, và nhà cầm quân Bồ Đào Nha đã đúng.
Đang kém Chelsea đến 10 điểm và vẫn đang xếp tận thứ 6 trên bảng xếp hạng, nhưng sự cơ động trong chiến thuật, khả năng nắm bắt và chi phối tâm lý cầu thủ cùng nhiều sự lựa chọn phục vụ cho các sơ đồ khác nhau, Quỷ đỏ trong tay Mourinho đang cực kỳ đáng sợ, khi phía trước vẫn còn 18 lượt đấu dài đằng đẵng.
Với Conte, bài học của Pep Guardiola vẫn còn nóng hổi. Sau trận thua tủi hổ trước Tottenham, họ tụt dốc không phanh khi những thay đổi về mặt chiến thuật không để đáp ứng được, từ hạn chế về mặt con người. Thay đổi hay không thay đổi, Conte đang bị đặt trước những lựa chọn đầy khó khăn. Và hãy nhớ, Premier League cực kỳ khắc nghiệt, cứ hỏi Pep, hay thậm chí Klopp thì rõ!