Tự truyện của Lê Công Vinh có 26 chương với hình ảnh từ cậu bé vùng quê nghèo trở thành ngôi sao. Vinh đối diện với bao nhiêu khó khăn trong cuộc đời và vượt qua tất cả như một bản anh ca về sự nghiệp thành công của chàng cầu thủ xứ Nghệ.
Ở đó, có nhiều góc khuất được hé mở, có nhiều nhân vật được nhắc đến trong tự truyện của Công Vinh, từ cấp độ CLB đến ĐTQG.
Công Vinh thời từ đội bóng của bầu Hiển sang bầu Kiên, có lẽ nhiều người hâm mộ không còn gì phải xa lạ, hay chuyện tình Vinh - Thủy Tiên cũng thế. Thế nhưng, Công Vinh đối diện với bi kịch ở ĐTQG, bị ví như “cừu đen”, bị cô lập là một điều được hé mở.
Công Vinh phải trải qua nhiều chông gai trong đời cầu thủ.
Nhân chuyện về VFF đang nóng, chuyện Công Vinh bị ông phó Chủ tịch truyền thông VFF “dọa” ngay trong phòng là một ví dụ để thấy được sự phũ phàng của quan chức VFF. Đó là chuyện diễn ra ở AFF Cup 2012, Công Vinh bị ông Lân Trung “hù” là VFF cấm lên tuyển, sẽ kỷ luật. Thời điểm này, ông Trung đang là phó chủ tịch VFF truyền thông nhiệm kỳ VI.
Chỉ là một tiểu tiết cực nhỏ trong “Phút 89” của Công Vinh nhưng phản ánh về thực trạng bóng đá Việt Nam đang nóng ở dư luận hiện tại. Vì sao một lãnh đạo VFF có thể nói với cầu thủ như thế? Nếu đó là sự thật thì phông văn hóa này thực sự “khủng khiếp” khi xuất hiện ngay ở đội tuyển quốc gia, với một quan chức VFF không đến động viên cầu thủ mà buông lời “hăm dọa”.
Một câu chuyện khác trong sự nghiệp của Công Vinh là đoạn cuối đời cầu thủ đối diện với HLV nổi tiếng Lê Thụy Hải. Công Vinh là người dám đứng lên cãi tay đôi với ông Hải “lơ”. Đáp lại, ông Hải “lơ” đì Công Vinh công khai.
Nguyên nhân là Chủ tịch CLB Bình Dương lúc đó đưa cho Vinh một bọc tiền đến biếu ông Hải “lơ” nhưng Vinh không muốn, vì suy nghĩ đơn giản cầu thủ có năng lực, có cố gắng và khát vọng thi đấu vì CLB sẽ được ra sân.
Sự nghiệp Công Vinh trải qua nhiều gian khổ chứ không phải chỉ toàn màu hồng.
Thậm chí, ông Hơ “lơ” sỗ sàng đến mức đáp thẳng là Vinh có năng lực nhưng ông không thích, nên không được đá chính. Dù thời điểm ấy thì Bình Dương bỏ ra số tiền phải gần cả chục tỷ đồng để có được Công Vinh.
Và câu chuyện này đúng thì thêm một phông văn hóa về CLB được hé mở cho dư luận hiểu hơn về bóng đá Việt Nam. Cầu thủ muốn được đá bóng phải làm vừa lòng HLV, đến mức ông chủ cho tiền để đi biếu HLV. Tuy nhiên, một ngôi sao lớn như Công Vinh không chấp nhận luật lệ “ngầm” này nên bị “đì” đầy khó hiểu.
Tự truyện “Phút 89” của Công Vinh còn có thêm nhiều góc khuất khác. Thông qua “Phút 89”, Saostar sẽ có thêm những góc nhìn về thực trạng bóng đá Việt Nam trong các bài viết tới.
Một cuốn sách đáng để đọc
Tự truyện "Phút 89" đã ra mắt vào hôm nay (23/5) khi Lê Công Vinh tiến hành buổi họp báo để công bố vào sáng cùng ngày. "Phút 89" được nhà sách Phương Nam phát hành và bán ở các nhà sách toàn quốc bắt đầu từ ngày 23/5/2018 với giá 155 nghìn đồng/cuốn.
Phút 89 của Lê Công Vinh thực sự là một cuốn sách đáng để đọc khi nói về cuộc đời của Vinh đến với bóng đá. Ở đó, cuốn sách không chỉ nói về cuộc đời của Vinh cùng trái bóng mà là những bài học, những câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, cầu thủ trẻ theo đuổi giấc mơ để có được thành công.