Thỏa thuận lịch sử
Ngày 12/8 vừa qua, sau 22 năm thương thảo, 5 quốc gia bao quanh Biển Caspi là Nga, Iran, Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan đã có được thỏa thuận về phân định lãnh hải trên vùng biển này với tên gọi là Công ước Biển Caspi (Caspian Sea Convention - CSC).
Tổng thống của 5 nước này đã tiến hành cuộc gặp cấp cao đặc biệt ở Aktau (Kazakhstan) để ký kết CSC.
Thời Liên Xô trước đây, Biển Caspi chỉ là chuyện giữa Liên Xô và Iran.
Từ sau năm 1991, 3 nước cộng hòa mới là Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan có phần của họ và vấn đề đặt ra cho tất cả 5 nước này là phải có được thỏa thuận với nhau về vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, cũng như luật chơi chung ở vùng biển chung. Quá trình đàm phán đã được bắt đầu từ năm 1996.
CSC vì thế được coi là kết quả có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các bên liên quan, bởi chỉ có thỏa thuận mới có thể giúp các nước này tránh được tranh chấp chủ quyền lãnh hải và xung khắc lợi ích.
Ngoài ra, CSC còn giúp tạo ra những điều kiện pháp lý cũng như môi trường chính trị thuận lợi cần thiết cho việc cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nơi này, đặc biệt về dầu lửa và khí đốt.
Cơ quan năng lượng của Mỹ US Energy Information Administration (EIA) ước liệu rằng ở biển này có trữ lượng 50 tỷ thùng dầu lửa và 9000 tỷ mét khối khí đốt.
Ngoài việc phân định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, một nội dung rất quan trọng khác là thỏa thuận không cho phép quân đội của nước khác hiện diện và sử dụng Biển Caspi. CSC coi khu vực này là biển với quy chế pháp lý đặc biệt chứ không phải là hồ nội địa.
Dẫu chưa hoàn chỉnh vẫn đủ ý nghĩa
CSC chưa phải là thỏa thuận hoàn chỉnh khi chưa xử lý ổn thỏa nhiều vấn đề khác nữa liên quan cần phải được giải quyết, trong đó quan trọng nhất là vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ở dưới đáy khu vực biển mà cả 5 nước được quyền sử dụng chung.
Sự hợp tác giữa 5 nước trên mọi phương diện liên quan đến Biển Caspi cũng còn phải được thể chế hoá.
Dù vậy, CSC đã có được ý nghĩa và tác động mà 5 nước hiện mong đợi và cả ý nghĩa ở tầm địa chính trị khu vực nữa, khi Nga và Iran có thể sử dụng Biển Caspi về quân sự trong khi NATO không thể vươn tới được, khi Trung Quốc có thể đưa kế hoạch Một vành đai, một con đường đến khu vực này trong khi Mỹ và EU không thể tiếp cận được.
Turkmenistan hiện chưa tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Tổ chức này có thể là chỗ dựa để Turkmenistan chống khủng bố, đối phó với tàn quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và đe dọa an ninh từ phía những lực lượng Hồi giáo cực đoan ở vùng miền bắc Afghanistan.
Ngoài ra Azerbaijan và Turkmenistan có thể qua CSC tiếp cận Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Nga và Kazakhstan là thành viên và Iran đã ký kết thỏa thuận về mậu dịch tự do. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng có thể lan tỏa đến tận khu vực này.
Nga và đặc biệt là Iran hiện đều phải đối phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ, nên cả 2 nước không chỉ cần tập hợp lực lượng mới về chính trị, mà còn cần cả những cơ hội và triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mới ở khu vực này.
CSC sẽ giúp 5 quốc gia này xử lý được các vấn đề pháp lý cần thiết để cùng nhau xây dựng những tuyến đường ống dẫn khí đốt, song phương cũng như đa phương, đi xuyên qua Biển Caspi dẫn đến những thị trường tiêu thụ mới, giúp họ không chỉ có thêm nguồn lợi mới mà còn cả công cụ và con át chủ bài chính trị mới.
Vì những lợi ích thiết thực và ý nghĩa chiến lược quan trọng ấy nên 5 bên đã ký kết CSC khi thỏa thuận này chưa được hoàn chỉnh. Về địa chính trị khu vực và châu lục, về chính trị an ninh, và cả về năng lượng, CSC đều giúp cho cả 5 nước liên quan có được thêm ưu thế mới.
Quá trình đàm phán tiếp theo để giải quyết những vấn đề liên quan còn tồn tại sẽ không đơn giản và cần nhiều thời gian, nhưng chỉ cần CSC được các bên thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh, thì những công chuyện sắp tới sẽ không khó khăn phức tạp và mất nhiều thời gian như 22 năm đàm phán vừa qua để họ có được CSC như bây giờ.