Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, việc sử dụng ghế thông minh để giám sát nhân viên trong giờ làm việc là trái với quy định của pháp luật, sau khi thông tin một công ty ở tỉnh Chiết Giang dùng phương thức trên để quản lý nội bộ được tiết lộ.
Theo thông tin được một nhân viên làm việc tại công ty công nghệ cao có trụ sở ở thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang công khai trên mạng xã hội, toàn bộ nhân viên trong công ty của cô này được trang bị mỗi người một chiếc ghế đệm thông minh. Chiếc ghế có thể theo dõi nhịp tim, nhịp thở và dáng ngồi, cũng như khoảng thời gian bao lâu nhân viên ngồi trên ghế trong thời gian làm việc. Nếu như chiếc ghế “cảm nhận” được người ngồi đã ngồi quá lâu mà không đứng dậy, nó sẽ phát tín hiệu cảnh báo.
Tranh cãi xuất phát từ việc một công ty Trung Quốc theo dõi nhân viên làm việc bằng ghế thông minh. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)
Tuy nhiên, thông tin được chiếc ghế thông minh thu thập không chỉ được gửi tới chủ nhân của chiếc ghế mà còn cả nhà quản lý của công ty. Đây chính là lý do khiến nhiều người cáo buộc công ty này giám sát nhân viên bất hợp pháp.
Song công ty phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định chiếc ghế thông minh sẽ chỉ giám sát hành vi của nhân viên và chiếc ghế cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm.
“Chúng tôi chỉ muốn thu thập thêm thông tin thử nghiệm sản phẩm, chứ không có ý định giám sát nhân viên. Toàn bộ dữ liệu sẽ được giữ bí mật và chỉ phục vụ chương trình phát triển ghế thông minh, nó không được dùng để đánh giá chất lượng và thời gian ngồi tại bàn làm việc của nhân viên”, công ty thông báo.
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, Giáo sư Zhu Wei tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị ở Bắc Kinh nhận định, nếu như bất cứ thông tin nhạy cảm nào như chỉ số sức khỏe cá nhân bị người khác thu thập mà không thông báo trước cho chủ nhân, hành vi này sẽ bị coi là vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân.
Thông tin công ty công nghệ cao ở thành phố Hàng Châu sử dụng ghế thông minh để kiểm soát nhân viên ở nơi làm việc đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Bởi theo một số người, việc công ty sử dụng các sản phẩm công nghệ cao để quản lý nhân viên sẽ giúp công ty đánh giá chi tiết hơn nhưng nếu làm quá, nó sẽ gây ra tâm lý bị coi thường và căng thẳng đối với nhân viên.
Trước đây, việc một số nhân viên dọn vệ sinh ở thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc được yêu cầu đeo vòng tay thông minh khi làm việc cũng đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận nước này.
Theo đó, chiếc vòng tay thông minh có thể xác định chính xác vị trí của các nhân viên vệ sinh. Nếu như họ nghỉ giải lao quá 20 phút, chiếc vòng tay sẽ phát cảnh báo.