Công ty sản xuất chip từng bị Warren Buffett ‘bỏ rơi’ sau vài tháng đầu tư vừa đạt mốc vốn hoá 1.000 tỷ USD

Vũ Anh |

Không hề thiết kế hay tiếp thị, công ty này chỉ đơn giản độc quyền sản xuất những con chip do khách hàng yêu cầu.

Vốn hóa TSMC đã nhanh chóng vượt mốc 1.000 tỷ USD, ngay sau khi Morgan Stanley gia nhập danh sách các công ty chứng khoán nâng giá mục tiêu cho tập đoàn này. Cổ phiếu TSMC vọt tăng 4,8% trong phiên, qua đó giúp tăng trưởng trên thị trường chứng khoán đạt hơn 80% trong năm nay.

Trước đó, hồi tháng 6, nhà sản xuất chip này còn vượt qua Berkshire Hathaway và trở thành công ty giá trị thứ 8 trên thế giới.

“Việc TSMC đạt mức định giá 1.000 tỷ USD là một kỳ tích. Tương lai vẫn còn nhiều triển vọng nhờ những tiến bộ công nghệ kéo dài ít nhất đến những năm 2040”, nhà phân tích Phelix Lee của Morningstar nhận định.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, hàng loạt công ty chứng khoán ở Phố Wall vẫn đặt niềm tin nơi TSMC do nhu cầu AI tăng phi mã. Ngân hàng Morgan Stanley kỳ vọng hãng sản xuất chip sẽ tăng dự báo doanh thu trong năm 2024, sau loạt báo cáo tích cực.

Trước đó, TSMC công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trị giá hơn 70 tỷ USD trong ba năm kể từ năm 2020 tại Mỹ, Nhật Bản và Đức. Cái giá phải trả khi tham gia cuộc đua chip là rất lớn: Ngân sách chi tiêu trong năm 2024 rơi vào khoảng 28 đến 30 tỷ USD.

Mở rộng hoạt động ra nước ngoài vốn không phải sự lựa chọn ưa thích của TSMC. Tuy nhiên, trước tình trạng khan hiếm chip chưa từng có, tập đoàn buộc phải mở rộng để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và trấn an khách hàng.

Công ty sản xuất chip từng bị Warren Buffett ‘bỏ rơi’ sau vài tháng đầu tư vừa đạt mốc vốn hoá 1.000 tỷ USD- Ảnh 1.

“Chúng tôi hy vọng TSMC sẽ tham gia nhiều hơn vào làn sóng AI”, các nhà phân tích của JPMorgan nói.

Cả Morgan Stanley và JPMorgan đều bày tỏ sự lạc quan về kết quả tài chính quý II/2024 của TSMC. Là đối tác của Apple và Nvidia, nhà sản xuất chip tiên tiến này dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu 36% so với năm ngoái.

Ngoài TSMC, các nhà sản xuất chip Đài Loan khác cũng đã bắt đầu mở rộng trên toàn cầu. Nhà sản xuất chip số 2 của Đài Loan, United Microelectronics Corp, đang xây dựng một cơ sở trị giá 5 tỷ USD ở Singapore và gần đây tuyên bố sẽ hợp tác với Intel để sản xuất chip 12 nanomet tại Arizona.

Không hề thiết kế hay tiếp thị, TSMC chỉ đơn giản độc quyền sản xuất những con chip do khách hàng yêu cầu và bằng cách đó, không cần bận tâm quá nhiều đến việc vận hành các nhà máy chế tạo riêng biệt, đắt tiền và phức tạp. Mô hình kinh doanh sáng tạo này đã thay đổi toàn ngành công nghiệp chip, đồng thời đưa TSMC trở thành công ty không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Gần như không có ai có tầm ảnh hưởng lớn hơn Morris Chang - founder TSMC”, Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chip War”, viết.

TSMC kể từ đó đã phát triển thành một gã khổng lồ, cho phép các nhà thiết kế chip “không tưởng” như Nvidia và Apple phát triển mạnh mẽ. Chìa khóa thành công được cho là nằm ở môi trường làm việc căng thẳng theo phong cách quân đội, tức các kỹ sư phải làm việc 12 giờ mỗi ngày và đôi khi cả cuối tuần.

Cuối những năm 2010, chính phủ nhận ra tầm quan trọng địa chính trị của ngành bán dẫn, đồng thời phát động cuộc đua thu hút những gã khổng lồ sản xuất chip. Vào khoảng năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu mời TSMC xây dựng một nhà máy lớn và tiên tiến hơn ở Mỹ, ngay khi đại dịch làm nổi bật những điểm yếu của chuỗi cung ứng. Sujai Shivakumar, giám đốc Dự án Đổi mới nước Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Rest of World: “Thế giới đã thay đổi”.

Công ty sản xuất chip từng bị Warren Buffett ‘bỏ rơi’ sau vài tháng đầu tư vừa đạt mốc vốn hoá 1.000 tỷ USD- Ảnh 2.

Trước đó, vào tháng 5 năm 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó là Keith Krach thông báo rằng TSMC đã đồng ý mở một cơ sở trị giá 12 tỷ USD ở Arizona. Nơi đây sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm, thúc đẩy nghiên cứu tiên tiến và thu hút thêm nhiều công ty trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn chuyển đến Mỹ. Các con chip bước ra khỏi nhà máy dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho rất nhiều dòng điện thoại thông minh và máy bay chiến đấu F-35.

Khoản đầu tư của TSMC đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách mở rộng ưu đãi cho toàn bộ ngành công nghiệp chip. Vào mùa hè năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn thông qua Đạo luật CHIPS, trong đó chỉ định 53 tỷ USD để phát triển ngành bán dẫn trong nước. Cuối năm đó, TSMC cho biết sẽ xây dựng nhà máy thứ hai tại Phoenix, nâng tổng vốn đầu tư lên 40 tỷ USD.

Kể từ khi founder Morris Chang đặt nền móng đầu tiên vào năm 1987, chất bán dẫn, từ một phần không mấy thú vị trong chuỗi cung ứng công nghệ, đã trở thành chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Tình trạng thiếu chip chưa từng có do đại dịch COVID càng thúc đẩy các nền kinh tế lớn đưa hoạt động sản xuất chip tiến sâu vào nội địa để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Xu hướng này giúp TSMC trở thành tâm điểm chú ý. Nhà cung cấp lâu năm cho Nvidia, Apple, AMD và Qualcomm này không còn chỉ là công ty sản xuất chip thành công nữa mà là một “tài sản địa chính trị” quan trọng.

Trước đó, TSMC từng thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư toàn cầu khi nhận được khoản đầu tư 5 tỷ USD từ tập đoàn Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett vào quý II/2022. Tuy nhiên đến quý IV, Berkshire quyết định bán ra phần lớn cổ phần của mình do lo ngại về căng thẳng địa chính trị.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại