*Bài viết được đăng trên trang Bloomberg, thể hiện những nhận định và quan điểm riêng của tác giả Michael Schuman, phóng viên kinh tế của tờ Time hiện đang thường trú tại Bắc Kinh.
---
Công ty Trung Quốc "khỏe" hơn nhờ chiến tranh thương mại?
Nếu ai đó cho rằng Trung Quốc sẽ phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến thương mại với Mỹ thì có lẽ họ nên xem xét lại câu chuyện về Tập đoàn Biobase.
Trước đây, Biobase - tập đoàn sản xuất dụng cụ thí nghiệm của Trung Quốc - từng khá chật vật để giành được những đơn hàng ít ỏi, thậm chí là ở thị trường trong nước, bởi các sản phẩm nước ngoài gần như thống lĩnh thị trường ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc bị Mỹ liên tục giáng đòn mạnh trong cuộc chiến thương mại, thì triển vọng kinh doanh của Biobase bắt đầu có dấu hiệu lạc quan hơn, do khách hàng bắt đầu tìm đến các mặt hàng trong nước để thay thế cho những mặt hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn.
"Trước đây thị trường trong nước phụ thuộc rất nhiều vào các mặt hàng nhập khẩu", Chủ tịch tập đoàn Biobase cho biết. "Giờ đây tình hình đã khác trước. [Các công ty nội địa] ngày càng có nhiều cơ hội hơn".
Mặc dù câu chuyện trên có thể có phần hơi phóng đại vì được đăng trên tờ Trung Hoa Nhật báo (China Daily), nhưng nó cũng truyền tải một thông điệp quan trọng: đó là chính phủ Trung Quốc hiện đang cảm thấy khá hài lòng khi người dân nước này chuyển hướng sang các mặt hàng nội địa, thay vì các sản phẩm của Mỹ.
Thuế quan của Mỹ vẫn chưa "đủ đô" để làm đau Trung Quốc
Trong số những lầm tưởng dẫn đến chính sách thương mại hiện nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì đây có lẽ là lầm tưởng nguy hiểm nhất: Mỹ vẫn tưởng Trung Quốc cần duy trì mối quan hệ tương hỗ với mình, nhưng thực tế thì Trung Quốc đã sớm đặt mục tiêu trở nên tự chủ về kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.
Một Trung Quốc tự chủ về kinh tế sẽ rất khác so với những gì ông Trump tưởng tượng. Đối với Washington, thì Bắc Kinh vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ để đạt được tăng trưởng kinh tế và đảm bảo việc làm cho người dân.
Chính quyền ông Trump nghĩ rằng họ có thể đánh vào thuế quan để khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhún mình trước Mỹ.
Tuy nhiên, trong thực tế, thì thuế quan của Mỹ vẫn chưa "đủ đô" để trở thành đòn đau khiến ông Tập phải nhượng bộ. Hiện nay thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ của Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sự tăng trưởng của nước này.
Những đòn giáng thuế quan của Mỹ vẫn chưa "đủ đô" để làm đau Trung Quốc. Ảnh: Inside Small Business.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn nữa, thì Trung Quốc đã vạch ra một chiến lược kinh tế giúp nước này có khả năng thay thế những sản phẩm và công nghệ chủ chốt của nước ngoài bằng những sản phẩm nội địa mà họ có thể kiểm soát. Nói theo cách đơn giản là chính phủ Trung Quốc muốn người dân nước này mua điện thoại Xiaomi và xe ô tô Geely, thay vì điện thoại iPhone và xe Buicks.
Đó chính là nội dung của chương trình "Made in China 2025" mà phía Mỹ luôn lo ngại bấy lâu nay. Kế hoạch của Trung Quốc là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao mới, bước đầu để cạnh tranh và cuối cùng nhằm đạt mục đích thay thế các đối thủ nước ngoài tại thị trường nội địa và thế giới.
Xét từ góc độ này, thì việc hạn chế nước ngoài can thiệp vào nền kinh tế trong nước chính là chính sách của chính phủ Trung Quốc.
Do đó, theo Trung Hoa Nhật báo, thì cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ thực ra là "một phước lành" đối với Trung Quốc. Những biện pháp trừng phạt thương mại của ông Trump đã vô tình giúp chính quyền Bắc Kinh có cớ để tiếp tục hỗ trợ cho các công ty trong nước và làm khó các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế thì chiến thuật của ông Trump chỉ giúp củng cố thêm tầm quan trọng của mục tiêu trở nên tự chủ về kinh tế mà chính phủ Trung Quốc đã đề ra.
Ví dụ như vụ việc của tập đoàn ZTE. Sau khi 'ông lớn' viễn thông này bị phát hiện vi phạm luật pháp Mỹ, thì Washington đã gần như ép công ty này đến nước ngừng hoạt động khi cấm họ mua các sản phẩm công nghệ quan trọng từ Mỹ. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã gỡ lệnh cấm vận này đối với ZTE bằng một thỏa thuận.
Chính phủ Trung Quốc đã thấm thía một bài học lớn từ sau vụ việc trên - nhưng đó lại không phải điều Mỹ đã dự tính. Bắc Kinh không hề bị Mỹ dọa đến mức buộc phải nhún mình hợp tác, mà họ đã nhận ra việc tự chủ (tự phát triển và sản xuất) về công nghệ trong nước cần thiết đến mức nào.
Trong giai đoạn ZTE gặp khó khăn, ông Tập đã tuyên bố: "Chúng ta cần nắm vững những sáng kiến phát triển có tính chất đổi mới".
Trung Quốc ngày càng quyết tâm tự chủ về kinh tế sau bài học của ZTE. Ảnh: techcrunch.
Hơn nữa, chiến lược kinh tế của Trung Quốc còn nhắm đến các thị trường khác ngoài Mỹ. Trong câu chuyện về Biobase, Trung Hoa Nhật báo đã nhắc đến chi tiết Chủ tịch tập đoàn này treo một tấm bản đồ lớn trong văn phòng, trên đó đánh dấu các quốc gia tham gia siêu dự án Vành đai và Con đường (BRI) - dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do ông Tập đề ra.
Không chỉ kết nối lục địa Á-Phi-Âu, mục tiêu của BRI còn là để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới. Với dự án này, dường như Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra khối kinh tế riêng.
Trung Quốc chưa cần thỏa thuận với Mỹ
Tất cả những biểu hiện nêu trên đều không hề cho thấy Trung Quốc có ý định thỏa thuận với Mỹ về thương mại.
Tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ kinh tế học thì chính sách của Trung Quốc hiện nay sẽ không đạt hiệu quả tích cực về lâu dài. Thay vào đó, họ sẽ đạt được những triển vọng tăng trưởng lớn hơn nếu hợp tác với Mỹ để duy trì việc tiếp cận công nghệ và người tiêu dùng Mỹ.
Bên cạnh đó, hiện nay động lực của nền kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm dần, do đó nước này sẽ khó mà chống chọi với những cơn sóng gió khi trao đổi thương mại thế giới giảm tốc.
Tuy nhiên chiến lược phát triển kinh tế này vẫn có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia và vị thế của Trung Quốc trên trường thế giới.
Điều đó có nghĩa là ông Tập hiện nay không hề vội vã và cần thiết phải đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ như ông Trump tưởng tượng, và nếu có, thì ông này cũng sẽ chỉ đồng ý với một thỏa thuận không ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế tổng thể của Trung Quốc.
Như vậy, điều cốt yếu là Trung Quốc hiện đang hài lòng với kế hoạch phát triển và những dự định của riêng mình, mà trong đó không hề có ông Trump hay nước Mỹ.