Công ty Nhật Bản sắp chế ra mưa sao băng nhân tạo - tưởng hay nhưng đó lại là ý tưởng hết sức tồi tệ

J.D |

Tại sao vậy nhỉ? Bạn muốn ngắm mưa sao băng lúc nào thì ngắm, không cần đợi chờ gì cả - đây chẳng phải là một phương án quá tốt?

Với những người đam mê thiên văn, mưa sao băng vẫn luôn là một hiện tượng cực kỳ thu hút. Nhưng khổ nỗi, ngắm mưa sao băng lại không giống ngắm trăng. Trăng thì vẫn luôn ở đó, còn mưa sao băng thì thoắt ẩn thoắt hiện. Chỉ có vài thời điểm trong năm mới có trận mưa sao băng đạt đỉnh, mà cũng phải căng mắt ra mà nhìn mới thấy được.

Vậy nếu như bây giờ có ai đó nói rằng bạn có thể ngắm mưa sao băng bất kỳ lúc nào thì sao nhỉ?

Công ty Nhật Bản sắp chế ra mưa sao băng nhân tạo - tưởng hay nhưng đó lại là ý tưởng hết sức tồi tệ - Ảnh 1.

Hoàn toàn có thể đấy, miễn là bạn có đủ tiền thôi. Mới đây, công ty kinh doanh về loại hình "giải trí vũ trụ" mang tên Astro Live Experiences (ALE) của Nhật Bản đã tuyên bố rằng họ sẽ phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 2019. Mục đích của vệ tinh này chỉ là để sản xuất những trận mưa sao băng nhân tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của giới siêu giàu.

Không rõ chi phí để được ngắm sao băng này của ALE là bao nhiêu, nhưng một số trang tin ước tính rằng mức giá cũng phải lên tới vài triệu đô.

Mưa sao băng của ALE có gì khác biệt?

Theo CNN, mưa sao băng của ALE sẽ là những viên kim loại, được chế tạo từ những thành phần độc quyền, cho phép chúng cháy thành các ngọn lửa màu cam, lục và lam khi rơi vào khí quyển.

Các mưa sao băng bình thường vốn được tạo ra từ các thiên thể có kích cỡ bằng một hòn bi. Còn các viên "thiên thạch" của ALE thì lớn hơn, với đường kính khoảng 2cm (nhỏ hơn một quả bóng bàn chút xíu). Chúng sẽ được thả ngay từ tầng ngoài của khí quyển Trái đất.

Công ty Nhật Bản sắp chế ra mưa sao băng nhân tạo - tưởng hay nhưng đó lại là ý tưởng hết sức tồi tệ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nghe cũng tuyệt quá nhỉ - ít nhất là với những người có tiền? Nhưng không! Theo nhiều ý kiến chuyên gia, thì dự án này lại có khả năng gây ra hậu quả khá lớn cho khoa học công nghệ toàn cầu.

"Tôi thực sự nể phục trí tuệ và công nghệ của họ, nhưng đứng dưới góc độ là một nhà thiên văn học, thì đây không phải là một ý tưởng hay ho đâu" - trích lời Patrick Seitzer, nhà thiên văn đến từ ĐH Michigan (Mỹ).

Theo Seitzer, các mảnh thiên thạch nhân tạo này có thể gây nguy hiểm cho các tàu và thiết bị đang ở trong quỹ đạo của Trái đất. Với tốc độ đến từ tác động của trọng lực, chúng đủ để xuyên thủng một lớp vách bằng kim loại, và hậu quả gây ra thì đương nhiên là không ai muốn chứng kiến.

Đại diện của ALE đang tìm cách chứng minh những tai nạn ấy là cực kỳ hy hữu. Theo công ty, vệ tinh của họ sẽ thấp hơn so với ISS (Trạm vũ trụ quốc tế), và các viên thiên thạch sẽ chỉ được thả ở độ cao khoảng 354km. Khi còn cách Trái đất 59,5km, chúng mới bắt đầu bốc cháy.

Ở dưới độ cao này (354km), chỉ có khoảng 40 vệ tinh đang hoạt động. Theo công ty thì đây là một con số đủ ít để kiểm soát, và họ sẵn sàng hủy bỏ sự kiện đang tổ chức nếu mưa sao băng có nguy cơ va chạm vào vệ tinh lân cận.

Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ!

Bởi lẽ con số 40 chỉ là với các vệ tinh đang được công khai theo dõi. Vẫn còn đó những vệ tinh chuyên dùng để do thám. Chúng không thể bị dõi theo, lại ở độ cao thấp hơn - khoảng 254km, nên hoàn toàn có khả năng bị tổn thương.

Đặc biệt là theo Seitzer, vùng quỹ đạo thấp của Trái đất (độ cao dưới 2000km) sắp tới sẽ chật chội hơn rất nhiều. Các công ty như SpaceX đã có kế hoạch gửi thêm một lượng lớn vệ tinh lên đó, nhằm tối ưu hóa mạng internet toàn cầu.

Công ty Nhật Bản sắp chế ra mưa sao băng nhân tạo - tưởng hay nhưng đó lại là ý tưởng hết sức tồi tệ - Ảnh 3.

Sắp tới, số lượng tàu và vệ tinh ngoài khí quyển sẽ là rất lớn

Riêng SpaceX thôi đã là 4.000 vệ tinh, trải rộng từ độ cao 1.100 - 1.400km. Đó là còn chưa tính đến các tên lửa tốc độ cao phục vụ du lịch sắp sửa vận hành, và quân đội các nước cũng dự tính cần thêm vệ tinh nữa.

Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 500.000 công cụ của con người đang ở trong quỹ đạo Trái đất. Việc đưa thêm vài ngàn viên kim loại ở đó, ngoài việc giúp một bộ phận giàu có được thỏa mãn thú vui của mình, thì chẳng đem lại lợi ích gì. Thậm chí còn khiến rủi ro tăng cao hơn rất nhiều.

Hơn nữa, một số nhà thiên văn học cũng tỏ ra không mấy hào hứng. Một trong những lý do khiến mưa sao băng trở thành một hiện tượng tuyệt vời, đó là chẳng ai biết chính xác bạn sẽ nhìn thấy chúng vào lúc nào. Việc bỏ một số tiền lớn chỉ để thấy những gì đúng như kỳ vọng đơn giản là khiến cho nó chẳng còn chút giá trị nào nữa.

Theo bạn, câu chuyện "sao băng nhân tạo" này có nên được thực hiện hay không? Hãy để lại ý kiến nhé.

Tham khảo: BuzzFeed

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại