Công ty Mỹ Orbital Assembly Corporation vừa công bố kế hoạch phát triển một khu phức hợp không gian với trọng lực nhân tạo, được thiết kế để chứa 28 khách trong các buồng xây dựng xung quanh một vòng quay trọng lực.
Công ty startup ở California đang đặt mục tiêu đưa trạm vũ trụ du lịch đầu tiên của mình vào hoạt động trong năm 2025, đây là một mốc thời gian đầy tham vọng và có thể là phi thực tế. Orbital Assembly có ý định biến đây trở thành trạm vũ trụ hỗn hợp, thương mại đầu tiên có thể được sử dụng cho cả nghiên cứu và giải trí.
Trạm vũ trụ Pioneer là một trong hai thiết kế trạm vũ trụ thương mại hiện đang được phát triển bởi công ty, thiết kế đầu tiên là Trạm Voyager được công bố vào năm 2021.
Tuy nhiên, Pioneer được lên kế hoạch đi trước mở đường cho Voyager, vốn là một dự án lớn hơn được xây dựng với mục đích trở thành khách sạn không gian sang trọng có khả năng chứa 400 khách cùng một lúc.
Rhonda Stevenson, giám đốc điều hành của Orbital Assembly, cho biết Pioneer là “một trạm vũ trụ an toàn và đáng tin cậy sẽ tạo ra doanh thu và lợi nhuận từ cả lĩnh vực du lịch và thương mại trước các đối thủ khác theo lịch trình của NASA.”
Vào tháng 12 năm 2021, NASA đã ký ba hợp đồng cho các công ty tư nhân của Mỹ là Blue Origin, Nanoracks và Northrop Grumman để phát triển các trạm vũ trụ quỹ đạo Trái Đất tầm thấp cho mục đích công cộng và thương mại. NASA đang đặt mục tiêu đưa các trạm vũ trụ này vào quỹ đạo và hoạt động vào năm 2030. Các trạm vũ trụ thuộc sở hữu tư nhân này sẽ thay thế cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Các module của Pioneer quay quanh quỹ đạo được thiết kế để mô phỏng một phần sáu trọng lực của Trái Đất, mà chúng sẽ thực hiện bằng cách quay quanh một vòng trọng lực có đường kính khoảng 61 mét.
Môi trường trọng lực trên trạm vũ trụ sẽ cho phép mọi người vẫn di chuyển xung quanh, ăn uống một cách bình thường và ngủ mà không cần phải cố định vào giường. Tạo ra trọng lực nhân tạo cũng là một cách để giảm thiểu những tác động có hại đến sức khỏe của vi trọng lực đối với cơ thể con người.