Theo nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 vừa tổ chức, cổ đông CTCP Đầu tư PV – Inconess (RGC) đã chấp thuận cho TCG Land nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn tới việc sở hữu 75% vốn của công ty này mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai. Ngay sau đó, ngày 26/2/2018, TCG Land cũng có văn bản cho biết sẽ bắt đầu thực hiện việc mua vào.
Thương vụ chuyển nhượng dù có phần khá im lặng, tuy nhiên TCG Land – doanh nghiệp sẽ trở thành công ty mẹ của RGC lại không phải cái tên "vô danh". Công ty này dù mới thành lập cuối năm 2017, nhưng vốn điều lệ đăng ký lên tới 1.668 tỷ đồng và chủ sở hữu là CTCP Tập đoàn Thành Công.
Thành Công Group vốn đã là cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam với liên doanh cùng tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc. Một loạt doanh nghiệp lớn trong hệ thống của tập đoàn này như CTCP Huyndai Thành Công Việt Nam, Huyndai Phạm Hùng, Huyndai Ninh Bình, Huyndai Tây Đô…
Ngoài lĩnh vực này, Thành Công Group cũng là tập đoàn có các công ty con trong lĩnh vực bất động sản và thương mại dịch vụ. Thương vụ thâu tóm PV – Inconess có thể là mảnh ghép bổ khuyết cho mảng kinh doanh này của tập đoàn.
Về phía PV – Inconess, dù là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh sân Golf lên thị trường chứng khoán, tuy nhiên diễn biến cổ phiếu và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại trái ngược với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về một lĩnh vực được đánh giá là "hái ra tiền".
Đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM từ 19/6/2017, cổ phiếu RGC của PV – Inconess dường như bị bỏ quên dù kinh doanh trong một lĩnh vực khá hấp dẫn.
16 phiên liên tiếp sau khi lên UPCoM, cổ phiếu này không tăng không giảm và cũng không có cổ phiếu khớp lệnh. Bằng hai phiên giao dịch tối đa biến độ, cổ phiếu này tăng lên hơn 16.000 đồng, nhưng ngay sau đó đã bước vào giai đoạn giảm giá liên tục và chạm đáy 4.600.
Tuy vậy, 10 phiên gần nhất, dù mỗi phiên chỉ khớp vài trăm tới vài nghìn cổ phiếu nhưng RGC đã tăng hơn gấp đôi lên 9.300 đồng.
Theo bản công bố thông tin khi lên UPCoM, PV-Inconess được thành lập từ năm 2007, ban đầu với vốn điều lệ 250 tỷ đồng do 5 thành viên góp vốn, trong đó CTCP Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp và Tư vấn đầu tư (Inconess) góp 50%, cùng một số đối tác khác như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Tổng công ty Sông Hồng, Công ty tài chính Dầu khí…
Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, VietinBank Capital đã bắt đầu quá trình thâu tóm doanh nghiệp này với việc gom cổ phần từ các cổ đông, tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ và nhận cổ phần cấn trừ nợ. Hiện VietinBank Capital nắm giữ tới 93,6% cổ phần của PV Inconess.
Tuy vậy, trong báo cáo tài chính của cả VietinBank Capital và công ty mẹ là Ngân hàng VietinBank đều không ghi nhận khoản đầu tư nào có liên quan đến PV-Inconess.
Theo đó, nhiều khả năng đây chỉ là khoản đầu tư do VietinBank Capital nhận ủy thác đứng tên từ nhà đầu tư khác.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, VietinBank Capital đang nhận ủy thác gần 2.700 tỷ đồng từ nhà đầu tư trong nước. Khoản mục này của công ty đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2013 đến nay.
PV - Inconess là doanh nghiệp sân golf đầu tiên lên sàn tuy nhiên công ty này đã lỗ triền miên 5 năm liên tiếp và dự kiến lỗ tiếp cả năm 2017 và 2018. Điểm sáng hiếm hoi của PV Inconess là những lô đất lớn công ty đang sở hữu với hơn 2 triệu m2 đất tại Ninh Bình.
Theo bản giới thiệu của doanh nghiệp này, PV-Inconess đang sở hữu danh mục bất động sản hơn 2 triệu m2 tại Ninh Bình, tập trung tại 2 dự án lớn bao gồm Dự án Trung tâm Liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng và dự án khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Thái – cả 2 dự án đều nằm ở địa bàn huyện Yên Mô, Tam Điệp, Ninh Bình.