Tại sao ta cứ phải chia múi giờ ra làm gì cho mệt nhỉ? Ta đang dùng chung một mạng Internet, tại sao lại không dùng chung giờ cho mọi nơi luôn? Ở cái thời kiến thức được phổ cập này, không nên đặt câu hỏi như vậy. Đáp án nằm ngay trên đầu chúng ta, chính là vòng quay của Mặt Trăng, Mặt Trời với Trái Đất kia kìa.
Nhưng năm 1998, công ty sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Swatch đã làm việc với sáng lập viên của Phòng thí nghiệm Truyền thông của Viện Công nghệ Massachusetts đã nghĩ ra một hệ thống thời gian hoàn toàn khác: họ muốn thay đổi thế giới!
Bỏ đi hệ thống giờ 24 tiếng/ngày cũ với đơn vị đo 1000 nhịp – beat/ngày, với mỗi nhịp = 1 phút 26,4 giây = 86,4 giây.
Ví dụ, thời điểm nửa đêm sẽ bắt đầu vào lúc 000 nhịp, và nếu thời gian đang là 248 nhịp thì sẽ là 248/1000 nhịp, tương đương với 5 tiếng 57 phút. Hệ thống đếm thời gian này sẽ có thể có được sự nhất quán của đơn vị đo lường hệ mét.
Công ty chế đồng hồ này cũng bán luôn ra thị trường loại đồng hồ có kèm hệ thống thời gian mới này, họ gọi nó là Swatch Internet Time – Đồng hồ Thời gian Internet Swatch.
“Vũ trụ của mạng Internet thì làm gì có mùa và có ngày đêm”, Nicholas Negroponte, sáng lập viên của Phòng thí nghiệm Truyền thông của Viện Công nghệ Massachusetts nói trong buổi ra mắt nằm 1998.
“Thời gian Internet là một thứ thời gian dành cho mọi người. Nó không bị chia ra theo từng nước. Nó là một thứ toàn cầu. Trong tương lai, với nhiều người, thời gian thực sẽ chính là Thời gian Internet”.
Ông Nicholas Negroponte.
Họ chưa dừng lại ở đó, họ còn đặt tên một kinh tuyến là BMT Meridian; không đặt gốc nằm tại Đài thiên văn Greenwich mà là nhà máy sản xuất của Swatch tại Biel, Thụy Sĩ.
Bản thân thì mấy thiết bị này cũng chẳng phải đồng hồ thông minh, nhưng chắc chắn đây là một cách bán đồng hồ rất thông minh: tự tạo riêng ra một múi giờ để bán.
Mà vào cái thời điểm Internet bắt đầu nở rộ ấy, người ta thấy rằng có những thứ dường như bất khả thi lại có thể được thực hiện một cách kì diệu.
Thế là vô vàn những ý tưởng quái dị bỗng được rót vốn đầu tư. Ngày đó, một công ty có tên Digiscents đã kêu gọi được 20 triệu USD để tạo ra iSmell, một thiết bị có thể cho phép bạn ngửi qua Internet
Vì thế, bỗng dưng cái ý tưởng chia 24 giờ = 1.440 phút = 1000 nhịp lại chẳng kì dị đến thế.
Nó cũng chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng đấy chứ. Công ty CreativEngine của anh Caparo đã sắm cho mỗi nhân viên một cái.
“Tôi nghĩ điều khiến chúng tôi mua nó là việc ta đang bước vào thời đại kết nối Internet mọi lúc mọi nơi”, Caparo nói trong một email gửi trang báo Motherboard. “Nhất là khi chúng tôi làm việc trên máy tính từ sáng cho tới lúc đi về”.
Anh cảm thấy rằng khi mà Internet phủ sóng mọi nơi, thì một hệ thống giờ riêng của Internet sẽ rất hợp lý. Dường như nó cũng đang phá bỏ mọi giới hạn, cũng như cách Internet phá bỏ mọi rào cản vậy.
Nhưng việc thuyết phục toàn thế giới từ bỏ đồng hồ của mình để chuyển sang một hệ thống đo đạc giờ mới mẻ thì chẳng dễ dàng gì. Đến năm 2003, ý tưởng về thứ đồng hồ đặc biệt hiển thị một loại thời gian đặc biệt này biến mất trên thị trường, kể cả những fan trung thành nhất cũng không muốn theo đuổi nó nữa.
Ngày nay, khái niệm Thời gian Internet chưa chết nhưng cũng chẳng nổi tiếng. Đây đó, vào một vài lúc, họ có những quảng cáo hoài niệm lại quá khứ, họ cũng vẫn duy trì trang web quảng bá ý tưởng này, nhưng chẳng ăn thua.
Swatch cũng từ chối đưa ra lời bình luận về vấn đề này, khi bài báo được đăng trên tạp chí Motherboard.
Đã có người muốn hồi sinh ý tưởng này, đặt thời gian gốc về với múi giờ quốc tế UTC – để tiện cho việc đồng bộ hóa. Có thể có người vẫn dùng múi giờ này, nhưng ý tưởng ấy vẫn chưa thực sự chín muồi.
Anh Caparo ngẫm lại, và cho rằng nó có tiềm năng ấy chứ, mà bản thân nó cũng là một “chiến dịch marketing rất thành công”.
Nếu Swatch đã thực sự muốn tạo nên cách mạng, họ phải đấu tranh mạnh mẽ hơn chút. “Bạn phải thực sự theo đuổi nó, xây nên cơ sở hạ tầng, mở mã nguồn của nó ra, xây nó thành mọi thứ có thể”.
“Nhưng có lẽ, có vẻ nó chỉ là một khái niệm đưa ra để hãng ta bán mấy cái đồng hồ kiểu mới mà thôi”, anh Caparo bày tỏ.