Công ty của 'Bông hồng vàng' Phú Yên vừa bị hoãn xuất cảnh: Lỗ lũy kế hơn 1.500 tỷ đồng, 'ngụp lặn' trong khoản nợ khổng lồ, giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng

Trọng Hiếu |

Thuận Thảo từng là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực vận tải phía Nam, sau đó lấn sân sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và nhanh chóng trở thành cái tên tiêu biểu của tỉnh Phú Yên.

Ngày 30/5, Cục Thuế tỉnh Phú Yên cho biết đã gửi công văn số 1541/CTPHY-QLN về việc tạm hoãn xuất cảnh đến bà Võ Thị Thanh, người đại diện theo pháp luật của CTCP Thuận Thảo (mã chứng khoán: GTT).

Trước đó, ngày 11/3, Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Thuận Thảo. Lý do cưỡng chế được Cục Thuế Phú Yên đưa ra là vì doanh nghiệp này còn nợ thuế hơn 184,6 tỷ đồng quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Thuận Thảo vẫn không trả nợ thuế nên Cục Thuế Phú Yên đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Thanh.

Công ty của 'Bông hồng vàng' Phú Yên vừa bị hoãn xuất cảnh: Lỗ lũy kế hơn 1.500 tỷ đồng, 'ngụp lặn' trong khoản nợ khổng lồ, giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng- Ảnh 1.

Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thuận Thảo.

Bà Võ Thị Thanh, sinh ngày 28/6/1955, trong một gia đình trí thức nghèo tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thuận Thảo.

Bà Thanh khởi nghiệp từ một tổng đại lý phân phối hàng hóa trong những năm 1985 - 1996 với hai lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải và thương mại. Đến tháng 1/1997, bà thành lập doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo với 5 xe tải.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2006 - 2011, bà Thanh từng liên tiếp nhận giải thưởng "Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu", cup “Bông hồng vàng”. Bà là nữ doanh nhân đầu tiên tại Phú Yên đoạt giải thưởng này.

THUẬN THẢO - DOANH NGHIỆP GẮN LIỀN VỚI TÊN TUỔI CỦA BÀ VÕ THỊ THANH

Doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của bà Võ Thị Thanh là CTCP Thuận Thảo. Doanh nghiệp này tiền thân doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo mà chúng tôi đã nêu ở trên. Năm 2009, đơn vị này chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Thuận Thảo từng là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực vận tải phía Nam. Sau đó, Công ty lấn sân sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và nhanh chóng trở thành cái tên tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tính đến hết năm 2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 475 tỷ đồng.

Công ty này liên tục xây dựng hàng loạt dự án bất động sản du lịch tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo, khách sạn 5 sao Cendeluxe, nhà hát Sao Mai…

Lúc bấy giờ, Tuy Hòa còn là hòn ngọc thô chưa có nhiều đại gia bất động sản đến khai phá, do đó khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh. Khách sạn này gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, phòng họp hiện đại…

Công ty của 'Bông hồng vàng' Phú Yên vừa bị hoãn xuất cảnh: Lỗ lũy kế hơn 1.500 tỷ đồng, 'ngụp lặn' trong khoản nợ khổng lồ, giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng- Ảnh 3.

khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2009-2013, ở Phú Yên, bà Thanh còn nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh như đầu tư khu vui chơi giải trí, dịch vụ vận chuyển hành khách với bến xe khách tư nhân và hàng chục xe khách chạy khắp cả nước, bất động sản nghỉ dưỡng.

Đây cũng là giai đoạn lợi nhuận Thuận Thảo tăng trưởng liên tục: từ mức 489 triệu đồng (năm 2008) nhanh chóng đạt gần 50 tỷ vào năm 2010. Nhờ thành công trong hoạt động kinh doanh, những năm này người đứng đầu là bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng vàng.

Thừa thắng xông lên, năm 2011 Thuận Thảo “tiến quân” vào Sài Gòn, thành lập công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (Tp.HCM). Sau khi thành lập, Công ty được UBND Tp.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn. Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến DN của nữ doanh nhân này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.

Trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa vẫn chưa phát triển, thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng khiến Thuận Thảo Nam Sài Gòn phải vay nợ ngân hàng, đối tác để phát triển dự án. Hệ quả, doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ khoản vay hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng, dẫn đến hàng loạt tài sản ở Phú Yên bị kê biên, phát mãi.

Công ty của 'Bông hồng vàng' Phú Yên vừa bị hoãn xuất cảnh: Lỗ lũy kế hơn 1.500 tỷ đồng, 'ngụp lặn' trong khoản nợ khổng lồ, giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng- Ảnh 5.

Công ty của 'Bông hồng vàng' Phú Yên vừa bị hoãn xuất cảnh: Lỗ lũy kế hơn 1.500 tỷ đồng, 'ngụp lặn' trong khoản nợ khổng lồ, giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng- Ảnh 6.

Hiện, Thuận Thảo đang phải gồng mình gánh khối tài sản bất động sản xuống cấp trầm trọng nhưng không có nguồn vốn đầu tư nâng cấp. Một số dự án khu du lịch sinh thái, khách sạn 5 sao... xây dựng hiện đại, sử dụng nguồn vốn quá lớn, không phù hợp với thực tế địa phương dẫn đến doanh thu xuống mức thấp.

Toàn bộ chuỗi bất động sản ở Phú Yên của công ty đều bị kê biên, phát mãi để trả nợ. Điển hình, khách sạn 5 sao Cendeluxe (thành phố Tuy Hòa) bị kê biên, phát mãi từ định giá ban đầu gần 500 tỷ đồng, sau 18 lần giảm giá còn hơn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua. Hay khu Resort Thuận Thảo được bán với giá 42 tỷ đồng sau 5 lần tổ chức bán đấu giá và 4 lần giảm giá. Khu mở rộng Trung tâm Hội nghị - triển lãm - dịch vụ du lịch Thuận Thảo cũng vừa bán được gần 31 tỷ đồng sau 15 lần tổ chức bán đấu giá.

Theo BCTC gần nhất được công bố, tính đến tháng 9/2020, lỗ lũy kế của Thuận Thảo đã vượt 1.500 tỷ đồng. DN này cũng ghi nhận khoản nợ phải trả đến cuối quý 3/2020 là hơn 1.746 tỷ đồng (97% là nợ ngắn hạn) trong khi tài sản ngắn hạn của công ty chỉ còn vỏn vẹn 10 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng đã âm 1.075 tỷ đồng.

CỔ PHIẾU GTT CỦA THUẬN THẢO BỊ ĐÌNH CHỈ GIAO DỊCH TỪ CUỐI NĂM 2023

Ngày 30/6/2010, cổ phiếu GTT của Thuận Thảo được niêm yết trên sàn HoSE với giá khởi điểm là 20.000 đồng/cp. Tuy nhiên sau đó, thị giá GTT tụt về đáy 3.900 đồng/cp (30/11/2012) rồi bật tăng về mức 15.500 đồng/cp (24/1/2014). Đến năm 2014 - năm đầu tiên Thuận Thảo thua lỗ - cũng chính là năm thị giá GTT "cắm đầu" và cứ thế lao dốc không phanh, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Từ ngày 30/5/2016, GTT bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE và chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM. Nguyên nhân do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Công ty của 'Bông hồng vàng' Phú Yên vừa bị hoãn xuất cảnh: Lỗ lũy kế hơn 1.500 tỷ đồng, 'ngụp lặn' trong khoản nợ khổng lồ, giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng- Ảnh 7.

"Ôm" lỗ rời khỏi sàn HoSE, GTT giao dịch trở lại trên UPCoM vào ngày 7/6/2020 với giá đóng cửa phiên chào sàn 800 đồng/cp. Bên cạnh đó, cổ phiếu này còn bị đưa vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần.

Đến ngày 15/12/2023, cổ phiếu GTT bị đình chỉ giao dịch do các tổ chức giao dịch chưa công bố BCTC đã được kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên. Khi này giá cổ phiếu GTT chỉ còn 300 đồng/cp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại