Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP. Hà Nội vừa ra thông báo bán đấu giá tài sản do CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) ủy quyền.
Theo đó, VALC sẽ bán 5 tàu bay ATR 72-500 (212A) với mức giá khởi điểm là 9,62 triệu USD/chiếc, tương đương khoảng 214,9 tỷ đồng/chiếc. Như vậy, nếu bán đấu giá thành công VALC sẽ thu về hơn 1.074 tỷ đồng.
Được biết, 5 chiếc tàu bay ATR 72-500 là tài sản của VALC được tài trợ vốn theo cấu trúc bảo lãnh của các Tổ chức Tín dụng xuất khẩu (ECA), quyền sở hữu tàu bay hiện đang thuộc về Công ty Thăng Long Limited – Công ty phục vụ mục đích đặc biệt do ngân hàng cho vay vốn Credit Agricole CIB lập ra để đứng tên tàu bay.
Cả 5 chiếc tàu bay đều đang trong thời hạn hợp đồng thuê khô giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) với VALC và đang được Vietnam Airlines khai thác.
Chiếc máy bay thứ 5 từng được VALC bàn giao cho Vietnam Airlines thuê cuối năm 2010 thuộc Dự án đầu tư 5 chiếc máy bay ATR 72-500 của VALC có tổng mức đầu tư lên đến 100 triệu USD.
Đáng lưu ý, hợp đồng cho thuê máy bay của VALC với Vietnam Airlines có thời hạn gần 12 năm (kể từ năm 2008), tuy nhiên Vietnam Airlines đã muốn dừng hợp đồng thuê lại máy bay ATR 72-500 với lý do hầu hết các sân bay đã được nâng cấp để đón các máy bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay ATR trở nên kém ưu thế.
Sau khi Vietnam Airlines có công văn đề nghị VALC xem xét chấm dứt hợp đồng thuê 5 máy bay ATR, ngày 18/12/2015, VALC có văn bản trả lời thống nhất chủ trương chấm dứt trước hạn hợp đồng.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines phải bồi thường các thiệt hại phát sinh do chấm dứt trước hạn và tạo cơ hội kinh doanh mới cho VALC.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Vietnam Airlines và BIDV, 2 cổ đông lớn của VALC cho biết:
"Do các ảnh hưởng của việc chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê đến quyền lợi và uy tín của các bên liên quan. Vietnam Airlines và BIDV với tư cách là hai cổ đông lớn của VALC đã trao đổi và thống nhất phương án chấm dứt trước hạn hợp đồng thuê của Vietnam Airlines".
Báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên 2016 vừa qua, Hội đồng quản trị VALC từng thừa nhận, đối với các ngân hàng và các cơ quan bảo lãnh tính dụng xuất khẩu, việc chấm dứt hợp đồng này VALC sẽ phải báo để trả nợ trước hạn và dự kiến sẽ phát sinh chi phí phạt khá lớn.
Do các tàu bay hiện không thuộc sở hữu của VALC, Công ty chỉ có thể thực hiện thanh lý máy bay sau khi trả toàn bộ số nợ gốc còn lại kèm lãi cho ngân hàng, khoảng 45 triệu USD tiền gốc và khoảng 2,5 triệu USD chi phí phạt.
Một điểm đáng lưu ý, trong khi Vietnam Airlines chấm dứt hợp đồng với VALC trước thời hạn với lý do việc khai thác dòng máy bay ATR trở nên kém ưu thế nhưng chính tàu bay ATR 72 lại được Vietnam Airlines nhắc đến trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo việc cùng Techcombank góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại VASCO.
Cụ thể, VNA cho hay "việc góp vốn thành lập hãng hàng không trên cơ sở sắp xếp lại VASCO, chuyển giao đội tàu bay ATR 72 cho hãng hàng không mới thuê khai thác đã được tổng công ty tính toán trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và đã được Bộ GTVT phê duyệt".
Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty tham gia góp vốn thành lập và cho hãng hàng không mới thuê khai thác đội tàu ATR72-500 là phù hợp với định hướng phát triển và khai thác đội tàu bay đến năm 2020.
Theo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, thời gian đăng ký xem tài sản trước ngày 26/7 tới đây, buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 5/8/2016 tại Hà Nội.