Theo thông tin từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), vào 3h10 ngày 4/6, hệ thống CNTT của đơn vị đã bị tấn công bất hợp pháp ransomware (tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền - PV). Sự cố này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát của Vietnam Post.
"Các dịch vụ khác như tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa cho đến thời điểm này, vẫn đang hoạt động bình thường", thông báo của Vietnam Post nêu rõ.
Vietnam Post cũng cho biết, ngay khi phát hiện sự cố, doanh nghiệp bưu chính này đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có việc ngắt kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Do vậy, các website có đuôi tên miền 'vnpost.vn' trong tên miền và các ứng dụng liên quan sẽ tạm thời bị gián đoạn trong thời gian khắc phục sự cố.
Cùng với việc xin lỗi các khách hàng, đối tác vì sự cố gián đoạn dịch vụ không mong muốn, đại diện Vietnam Post thông tin thêm: Hiện doanh nghiệp làm việc với các cơ quan chức năng và phối hợp với các đối tác là những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam để nỗ lực xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng.
Theo thông tin mới nhất, các đơn vị chức năng gồm Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và A05 đang hỗ trợ Vietnam Post xử lý sự cố mã hóa dữ liệu vào hệ thống CNTT của doanh nghiệp này.
Mạng lưới vươn đến tuyến xã, nhưng doanh thu sụt giảm
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là công ty dịch vụ bưu chính thuộc sở hữu nhà nước, được thành lập vào ngày 15/6/2007. Trước đó, đây là một phần của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Vietnam Post có tổng cộng 68 đơn vị hạch toán phụ thuộc với 63 bưu điện tại các tỉnh, thành phố cùng Công ty Phát hành báo chí Trung ương, Công ty Datapost, Công ty Vận chuyển và Kho vận, Trung tâm Đào tạo và Công ty Tem Bưu chính.
Trong đó, hệ thống bưu điện thuộc Vietnam Post phủ đến tuyến huyện và hầu hết các xã trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, hệ thống điểm phục vụ của Vietnam Post đạt hơn 14.000 điểm, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,67 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có một bưu điện.
Bên cạnh các dịch vụ chuyển phát bưu chính truyền thống, Vietnam Post còn triển khai các dịch vụ tài chính bưu chính như tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền, dịch vụ thu hộ chi hộ, dịch vụ đại lý (đại lý bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, đại lý vé điện tử và các dịch vụ đại lý khác)...
Trong năm 2023, Vietnam Post ước đạt doanh thu 17.955 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 615,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, đơn vị đạt doanh thu khoảng 24.426 tỷ đồng, bằng 93,7% thực hiện năm 2021. Như vậy, 2 năm liên tiếp, Vietnam Post sụt giảm về doanh thu.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng Thành viên Vietnam Post cho Báo Đầu tư biết hồi đầu năm 2024, chỉ trong vòng 5 năm (2018-2022), số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng rất nhanh, từ 410 doanh nghiệp lên hơn 800 doanh nghiệp.
Ông Giang nói thêm: Bưu chính, chuyển phát và giao hàng thương mại điện tử tại Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng khốc liệt, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và nhen nhóm sự phân chia trong thị trường bưu chính, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, chất lượng cung cấp dịch vụ và quyền lợi của khách hàng.
Ransomware là hình thức tấn công mạng nguy hiểm, được xem là vấn nạn chung của các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu. Cuối tháng 3/2024, qua theo dõi, giám sát không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền - ransomware tăng cao.