Công trường thổi bụi lúc nửa đêm, người người đeo khẩu trang đi ngủ

Bảo Loan |

Những tưởng khẩu trang chỉ sử dụng khi lưu thông trên đường nhưng khoảng hơn nửa tháng qua, khi công nhân dùng máy công suất lớn để thổi bụi trước khi thảm nhựa đường, thì với người dân sinh sống ở hai bên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) buộc phải đeo khẩu trang... đi ngủ.

Khốn khổ vì sống cạnh công trường

Khoảng 0h đêm, khi người dân đã yên giấc nồng, cũng là lúc PV Báo Gia đình & Xã hội bắt đầu hành trình lý giải hiện tượng các tòa nhà cao tầng liên tục bị nuốt trọn bởi màn sương ô nhiễm trong thời gian dài qua.

23h đêm, một ngày trung tuần tháng 12/2019, quán hàng nước của bà Nguyễn Thị Huệ (65 tuổi) ở ven đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã hết khách. Bà Huệ cho biết: "Sống ở ven đường lớn, việc ô nhiễm bụi bẩn từ xe cộ lưu thông thì không thể tránh.

Tuy nhiên, khoảng 6 - 7 năm nay, không chỉ riêng gia đình tôi, mà tất cả người dân sinh sống ở bên cạnh đường Nguyễn Trãi đều hứng chịu bụi phát ra từ công trình xây dựng.

Khi đường sắt trên cao hoàn thiện xây thô chưa được bao lâu thì khoảng nửa tháng trở lại đây, cứ đêm đi ngủ là chúng tôi phải dùng khẩu trang để bịt mũi vì cứ lúc nửa đêm, khi người dân đi ngủ là công nhân quét đường, thổi bụi mù mịt".

Bà Huệ thẳng thắn: "Bạn ở gần đường, bạn cứ thử không dùng khẩu trang là sẽ biết ngay, đứa cháu gái 2 tuổi của tôi đêm đi ngủ cũng phải dùng cả khẩu trang. Không dùng là chúng tôi không yên tâm.

Đêm chúng tôi đi ngủ, các bạn ra đường sẽ thấy, trước khi dải lớp nhựa đường mới xuống mặt đường đã được cào lên, công nhân sẽ dùng máy thổi bụi công nghiệp công suất lớn để thổi bụi cho sạch sẽ.

Tuy nhiên, thay vì dùng máy quét và hút thì công nhân lại thổi bụi trực tiếp lên không trung. Người đi đường thì hứng đủ, vừa bịt mũi, vừa lái xe, tôi chứng kiến không ít trường hợp lái xe loạng choạng vì có nhìn thấy gì đâu.

Bụi cũng vì thế mà khuếch tán vào không trung, người dân sống ở gần đây cũng hứng đủ. Chúng tôi có bức xúc thì liệu có được giải quyết hay không? Đây là lý do vì sao mà cứ lau xong cái nhà, chưa đầy 20 phút sau là sàn nhà lại bị phủ bụi trắng xóa".

Tương tự bà Huệ, ông Nguyễn Văn Thường (57 tuổi, quê ở huyện Thường Tín) cũng tương tự.

Do đang mắc bệnh về hô hấp nhưng gia đình khó khăn nên buộc ông Thường phải làm thêm công việc bảo vệ cho một doanh nghiệp trên đường Quang Trung (Hà Đông), tuy nhiên, màn đêm buông xuống là cả một nỗi ám ảnh đối với ông Thường.

Ông Thường cho biết: "Công nhân mới thổi bụi được mấy hôm nay nhưng nhìn màn sương đêm mờ mịt vì bụi, tôi thấy thật khủng khiếp. Tôi làm mấy hôm nay, thỉnh thoảng phải đi lại kiểm tra ngoài trời mà thấy quá bụi.

Đi một lúc thì không chỉ khó thở mà nhiều lúc cứ ho khục khặc mà không biết kêu ai. Mới chỉ qua vài hôm mà cây cối cũng chuyển màu khác, không còn xanh như trước nữa".

Tương tự, là người tham gia giao thông, chị Đỗ Thị Hà (28 tuổi, ở Dương Nội, Hà Đông) bức xúc: "Mấy hôm nay, cứ đi ngang qua đoạn đường Quang Trung giao với đường Chu Văn An là bị khuất tầm nhìn bởi bụi mù mịt.

Đi làm thêm về tầm 11h đêm là phải sẵn tâm lý, đi qua đoạn công nhân thổi bụi là phải lái xe thật cẩn thận, vì công nhân thổi hết bụi dưới đường lên là người lái xe không thể nhìn thấy gì, rất dễ bị tai nạn".

Người dân nghi ngờ năng lực nhà thầu

Công trường thổi bụi lúc nửa đêm, người người đeo khẩu trang đi ngủ - Ảnh 1.

Hình ảnh ô nhiễm tại Thủ đô lúc nửa đêm.

Được biết, Dự án cải tạo, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Trãi bắt đầu thực hiện, triển khai vào cuối thàng 11/2019. Dự án do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là hơn 60 tỷ đồng.

Mặc dù dự án đã đi vào triển khai nhưng theo tìm hiểu của PV, đến nay, kết quả lựa chọn nhà thầu, cũng như đơn vị trúng thầu thực hiện Dự án này vẫn chưa được công khai trên hệ thống mua sắm công như Điều 8, Luật Đấu thầu đã quy định.

Ông Nguyễn Văn Hiệu (45 tuổi, ở Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) bức xúc: "Hình ảnh người tham gia giao thông vừa dùng tay bịt mũi, vừa lái xe xuyên qua màn bụi dày đặc trong đêm đã không còn xa lạ với chúng tôi.

Người dân như chúng tôi thì hứng chịu lượng bụi lớn khuếch tán trong không trung. Đây là nguyên nhân góp phần khiến các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô bị nuốt trọn bởi màn sương mờ ô nhiễm trong suốt thời gian dài vừa qua.

Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn có quyền nghi ngờ về năng lực nhà thầu thực hiện dự án cũng như năng lực của đơn vị giám sát, có thực sự đủ năng lực để thực hiện dự án hay là cơ quan chức năng về môi trường đang "lờ đi" để chúng tôi phải khốn khổ như thế này (?)".

Trao đổi với PV, lãnh đạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng (xin được giấu tên) cho biết, việc thi công một con đường hoàn toàn mới thì không thể dùng máy hút để hút bụi mà phải dùng máy thổi công suất lớn.

Bởi đường mới (đường chưa trải nhựa) có sỏi, đá kích thước lớn. Tuy nhiên, đối với hoạt động sửa chữa, cải tạo trên nền đường đã có sẵn, đặc biệt là những tuyến đường nằm trong khu dân cư đông đúc thì phải dùng máy hút kết hợp quét tự động.

Theo PGS.TS Lê Thị Trinh, Trưởng khoa Môi trường (Đại học TN&MT Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm không khí ở Thủ đô chủ yếu do bụi từ nguồn phát thải dân sinh, phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng các công trình.

Ô nhiễm trở nên trầm trọng do vào thời gian này hàng năm thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, kết hợp với mật độ cao các công trình bê tông khiến cho các thành phần ô nhiễm trong không khí không khuếch tán được lên cao.

PGS.TS Lê Thị Trinh cho biết, Hà Nội không thể ngay lập tức giảm số lượng phương tiện giao thông, hay cấm các công trình xây dựng.

Biện pháp cần thiết là cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn cản việc phát tán của bụi như yêu cầu quây kín các công trình xây dựng, tưới rửa thu dọn đất ở mặt đường thường xuyên để không phát tán bụi lên không khí.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường Quốc lộ 6 (gồm đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung) là trục hướng tâm cửa ngõ phía Tây của Thành phố Hà Nội.

Qua quá trình khai thác, sử dụng và ảnh hưởng của việc thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường này đã xuống cấp, mặt đường xuất hiện tình trạng rạn nứt, lồi lõm,… ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Vì vậy, được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để thực hiện việc cải tạo, sửa chữa tuyến Quốc lộ 6 gồm 3 tuyến (3 dự án) Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại