Qua hơn một thập kỷ phát triển, công nghệ thi công cầu đường ngày càng hiện đại. Các cây cầu của Việt Nam ngày càng lập nhiều kỷ lục mới như cầu Cần Thơ - cây cầu có nhịp chính lớn nhất tại Việt Nam hay cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng có khổ thông thuyền cao nhất tại TP.HCM và là một trong những cây cầu tiên tiến nhất trên thế giới, thì cầu Pá Uôn vẫn giữ vững vị thế là một trong những cây cầu có cột trụ cao nhất Việt Nam.
Bắt đầu khởi công vào năm 2007, cầu Pá Uôn nhanh chóng nổi tiếng khi là một cây cầu "Made by Vietnam" - được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi người Việt Nam. Công trình do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, giao Ban quản lý Dự án 1 (PMU 1) là đại diện chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) thiết kế.
Cây cầu Pá Uôn thuộc quốc lộ 279 đi qua xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai và cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 70 km. Cầu có tổng chiều dài 1.418m, trong đó phần cầu chính dài 918m; đường dẫn 2 đầu cầu dài 500m. Chiều rộng toàn cầu là 9m, phần xe chạy rộng 8m. Toàn bộ công trình được làm bằng bê tông vĩnh cửu, với hai làn xe chạy thông thoáng.
Dự kiến cây cầu hoàn thành và đưa vào hoạt động trước mùa lũ năm 2009, tuy nhiên, nó đã không thể hoàn thiện theo đúng tiến độ do những khó khăn không lường trước từ thiên nhiên. Để đối phó, các kỹ sư đã thiết kế cầu với cột trụ đạt đến độ cao kỷ lục.
Cây cầu được hợp long vào ngày 18/4/2010 và chính thức khánh thành vào tháng 8 năm 2010 trong niềm hân hoan của người dân xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai.
Tại Lễ hợp long cầu Pá Uôn, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Hồ Nghĩa Dũng đã gửi lời chúc mừng tới đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La đã có thêm một công trình giao thông mới. Bộ trưởng cũng cho rằng việc hợp long cầu Pá Uôn cũng giống như thêm vào một nốt nhạc vui trong bản trường ca sông Đà. Bộ trưởng yêu cầu các nhà thầu và đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ các công tác còn lại đảm bảo tiến độ và an toàn tuyệt đối.
Đến ngày 28/02/2015, cầu Pá Uôn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cây cầu có cột trụ cao nhất nước, với cột trụ chính vươn lên tới 98,6 mét. Tính từ mặt đáy sông đến mặt cầu, chiều cao tổng thể của cầu là 103,8 mét, khiến cầu Pá Uôn cũng trở thành cây cầu có cột trụ cao nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó.
Cầu Pá Uôn còn có thêm "kỷ lục" là cây cầu có giá thành cao nhất thời bấy giờ với tổng vốn đầu tư 740 tỷ đồng.
Đặc biệt hơn, năm 2010, cầu Pá Uôn vinh dự nhận “Cúp Vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010”. Đây là giải thưởng mang tính quốc gia lần đầu tiên, dành cho các công trình xây dựng đạt chất lượng cao tiêu biểu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn đổi mới 2000- 2010.
Nhận xét công trình cầu Pá Uôn, PGS.TS Nguyễn Hữu Hưng - Giảng viên cao cấp Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết: "Cầu Pá Uôn hoàn thành vào thời điểm 2010 là kết quả xứng đáng cho chuỗi ngày học hỏi, nghiên cứu và thực hành nghiêm túc của các kỹ sư và công nhân Việt Nam. Trước đó trên sông Đà các kỹ sư và công nhân cũng đã thành công xây dựng cây cầu Tạ Khoa (từ năm 2001-2003). Do vậy, ở thời điểm năm 2010 theo đánh giá của tôi thì Việt Nam hoàn toàn có đủ trình độ để làm chủ các công nghệ xây dựng cầu phức tạp như cầu Pá Uôn".
Nhìn nhận về kỹ thuật xây dựng công trình cầu Pá Uôn, PGS.TS Nguyễn Hữu Hưng cho hay các kỹ sư thiết kế của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã chọn lọc những công nghệ thi công mới nhất trên thế giới.
Trước hết, họ lựa chọn kết cấu thân trụ hình chữ H dạng tường bản bằng bê tông cốt thép 2 nhánh cấu tạo giằng ngang có độ cứng phù hợp. Để thi công thân trụ có chiều cao lớn, các kỹ sư Việt Nam đã tự thiết kế và gia công bộ ván khuôn để thi công thân trụ với giá thành thấp, thuận tiện trong thi công, phù hợp với tay nghề cán bộ công nhân, đảm bảo an toàn khi thi công trên cao. Các công nghệ mà TEDI lựa chọn đã giúp việc thi công cây cầu có trụ cao trong điều kiện khó khăn như Pá Uôn hoàn thành thuận lợi.
Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), ban đầu tỉnh Sơn La và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đều có xu hướng lựa chọn mô hình cầu dây văng. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ lưỡng các yếu tố kỹ thuật cao cũng như an ninh quốc phòng, quyết định đã được thay đổi.
Cây cầu phải được thiết kế để chịu được động đất cấp độ 8-9, và cần đáp ứng tiêu chuẩn thông thuyền cấp 1 với chiều rộng tối thiểu là 80m và chiều cao là 10m, cho phép các phương tiện đường thủy đi lại một cách thuận lợi.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng được một cây cầu với độ cao lên đến gần 105m, trong đó chỉ riêng phần trụ cầu từ mặt đất đến mặt dưới của đáy cầu đã là 98m. Vậy mà bài toán tưởng chừng như không có lời giải đó đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam hóa giải.
Tháng 4/2010, khi sông Đà chuẩn bị chặn dòng để tích nước cho phát điện tổ máy số 1 thủy điện Sơn La thì khi đó thì ngay phía trên bến phà Pá Uôn chưa đầy cây số, một cây cầu sừng sững cao vợi cũng gấp rút hoàn thành để chuẩn bị cho ngày hợp long, thông xe cây cầu cao nhất Việt Nam.
Trụ cầu Pá Uôn, với độ cao hàng trăm mét, đã tạo nên kỷ lục về độ khó khi thiết kế. Quá trình xây dựng thân trụ không thể sử dụng các phương pháp thông thường mà buộc phải sử dụng công nghệ thi công đặc thù như ván khuôn leo hoặc ván khuôn trượt. Công nghệ này yêu cầu đòi hỏi độ chính xác và tay nghề rất cao của đội ngũ thi công.
Trong quá trình thi công cầu Pá Uôn, nhà thầu phải sử dụng cần cẩu tháp có chiều cao trên 116m để nâng dựng cốt thép, đặt ván khuôn và đổ các đốt bê tông cho thân trụ từ dưới lên đến đốt K0 của dầm cầu.
Đồng thời, nhà thầu còn triển khai máy bơm có công suất lớn để bơm bê tông cho các đốt trụ và thực hiện đúc hẫng cho các đốt dầm của phần cầu chính. Mặc dù quá trình thi công đầy phức tạp, nhưng không có sự cố nào xảy ra trong 3 năm thực hiện dự án.
Cầu Pá Uôn được xây dựng ở khu vực có khả năng xảy ra động đất cấp 8-9 nên đòi hỏi phải có giải pháp xây dựng để cầu có thể chịu đựng được động đất. Các kỹ sư của TEDI đã tìm ra giải pháp thông qua việc áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Họ đã chọn lựa kết cấu thân trụ hình chữ H, là loại trụ đôi bằng bê tông cốt thép với các giằng ngang có độ cứng cao, đảm bảo sự cứng cáp trong quá trình thi công và khai thác, nhưng vẫn đủ "mềm" để chịu đựng dao động do động đất và các tác động khác.
Để xây dựng thân cột ở độ cao lớn, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã tự mình thiết kế và chế tạo bộ ván khuôn giá rẻ, linh hoạt trong quá trình thi công, phù hợp với trình độ của công nhân và đảm bảo an toàn khi làm việc ở độ cao.
Trong quá trình xây dựng mỗi cột chính, các cần cẩu tháp cùng máy bơm bê tông pentax có công suất lớn đã được sử dụng để bơm bê tông từ bờ tới vị trí cột và tiến hành đổ bê tông liên tục với khối lượng lớn thông qua hệ thống ván khuôn trượt để xây dựng các khối bê tông của cột.
Thêm vào đó, cầu Pá Uôn còn ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sử dụng vật liệu trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, như: giải pháp dùng gối thép di động có khả năng di chuyển ±250mm kết hợp với chốt thép để chống động đất ở đỉnh cột; giải pháp kết cấu chống động đất "Liên kết chốt cường lực" tại điểm nối giữa thân cột và đỉnh móng cột trong khung dầm liên tục, giúp cho cầu Pá Uôn chịu được động đất mức 9…
Bởi lòng sông Đà sâu và dòng chảy mạnh, không có lớp phủ ở đáy sông nên các kỹ sư không thể đóng cọc thép khi xây cầu. Việc thiết lập mặt bằng cho công tác khoan cọc nhồi gặp nhiều trở ngại. Các nhà thầu đã phải thi công cọc từ bên bờ sông ra phía giữa sông và lắp đặt các bè phao, đồng thời đặt rọ đá để giữ đất, tận dụng mức nước thấp nhất để thi công, vượt qua mùa lũ.
Các đơn vị thi công cũng xây dựng đường dành riêng cho công vụ từ hai bên bến phà Pá Uôn (cách cầu khoảng 1km) tới nơi xây dựng cầu và xây dựng hai trạm biến thế 750KVA ở mỗi bên bờ sông để cung cấp năng lượng cho công trình từ hai hướng.
Đặc biệt, các công nhân phải làm việc ở độ cao như một tòa nhà 33 tầng, dưới thời tiết nắng nóng có khi lên tới 40 độ C. Đôi khi, gió mạnh thổi qua khiến cả người và ván khuôn nặng hàng tấn đều lung lay.
Để bảo đảm tiến độ công trình, các đội thi công chia ra làm 4 kíp, mỗi kíp 6 tiếng, làm liên tục trong 24 giờ, vì điều kiện thi công ở trên cao nên mỗi người một ngày chỉ làm việc 6 tiếng để bảo đảm sức khỏe cũng như sự an toàn. Mỗi trụ cầu đều được lắp đặt thang máy, đưa công nhân lên thẳng đỉnh trụ.
Tại công trường xây dựng cầu Pá Uôn lúc bấy giờ, có hơn 400 công nhân thay phiên nhau làm theo phương châm "ngày không tính giờ, tuần không tính thứ", họ phải chạy đua với thời gian vì thời điểm hoàn thành công trình đã được "chốt" sẵn, không còn đường để lùi.
Rồi đến mùa lũ đầu tiên vào tháng 5/2007, dòng nước sông Đà dữ dội đã cuốn trôi những bè phao mà các nhà thầu đã lắp đặt. Các công nhân lại phải khẩn trương lắp đặt lại những bè phao to hơn và chắc chắn hơn để chống lại dòng nước cuồn cuộn, trong bối cảnh áp lực về thời gian là vô cùng lớn.
Bằng nỗ lực phi thường của những người thợ cầu, đúng 3 năm sau ngày khởi công, cầu Pá Uôn - một công trình “Made in Vietnam” hoàn toàn đã được hợp long, mở ra một trang sử mới cho vùng núi Tây Bắc.
Quỳnh Nhai là huyện xa nhất và cũng được xếp hạng... nghèo nhất tỉnh Sơn La. Quãng đường từ Thuận Châu đến cầu Pá Uôn hơn 60 km len lỏi qua trùng trùng đồi núi quanh co và hiểm trở. Tháng 8 năm 2010, cầu Pá Uôn được khánh thành như một món quà tri ân dành cho người dân Tây Bắc, những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn của mình vì dự án thủy điện Sơn La.
Ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho biết trên Báo Sơn La: Cầu Pá Uôn trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng kết nối giữa Sơn La với các tỉnh lân cận của vùng Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Cầu được xây dựng một phần còn để đưa những nét truyền thống của khu vực giới thiệu với thế giới, mặt khác để phát triển dịch vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là địa điểm đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.
Cầu Pá Uôn không chỉ có giá trị kết nối vùng miền về thông thương trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa mà còn là biểu tượng và niềm tự hào của người dân Quỳnh Nhai. Những dải đất đồi trống, cỏ dại mọc um tùm khu đầu cầu Pá Uôn trước đây, giờ đã trở thành những mảnh “đất vàng” cho du lịch, nghỉ dưỡng.
Những ngày mùa xuân, cầu Pá Uôn đẹp như một dải lụa mềm mại vắt qua lòng hồ sông Đà thơ mộng, tỏa sắc xanh biếc hòa vào màu nước tạp nên một khung cảnh đẹp đẽ. Hai đầu cầu là 2 khu rừng bạt ngàn xanh mướt tạo nên một cảnh sắc thơ mộng, lãng mạn, khiến địa điểm này trở thành một trong những điểm du lịch hút khách của tỉnh Sơn La, với hơn 100.000 lượt du khách đến thăm mỗi năm.
Bình minh trên cầu Pá Uôn là khoảnh khắc mà ai cũng muốn chiêm ngưỡng để đắm mình cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nơi mà vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và dòng sông được hiển hiện dưới ánh nắng ban mai.
Bắt đầu từ cầu Pá Uôn, du khách có thể trải nghiệm chuyến đi ngược dòng Đà giang khoảng 2km bằng thuyền để ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ của những hàng núi đá vôi soi bóng xuống mặt hồ, tạo nên một khung cảnh tuyệt vời giống như "Hạ Long Bắc bộ" giữa lòng núi rừng Tây Bắc và thưởng thức các loại cá sông tươi ngon.
Khi bóng tối dần phủ xuống, đứng trên cầu Pá Uôn và nhìn sông Đà hiền hòa chảy trôi, mặt nước lấp lánh ánh bạc dưới ánh hoàng hôn, phong cảnh Tây Bắc càng thêm phần huyền ảo và kỳ vĩ.
Xung quanh khu vực cầu có nhiều dịch vụ lưu trú và nhà hàng ăn uống, du khách có thể vừa ở tại khách sạn, vừa có thể ngắm nhìn cảnh quan tuyệt vời của cầu Pá Uôn, nơi mà vào ban đêm, ánh đèn trở nên lung linh, phản chiếu trên mặt hồ giống như một "sông Hàn" thu nhỏ.
Bên cạnh việc thăm quan các điểm du lịch, vào ngày mùng 10 tháng giêng hàng năm, khách du lịch cũng có cơ hội tham gia Lễ hội đua thuyền truyền thống Quỳnh Nhai, một sự kiện được tổ chức ngay tại đầu cầu Pá Uôn. Huyện đã đầu tư các thuyền đua, trang bị đầy đủ thiết bị an toàn nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống với kiến trúc của thuyền đuôi én.
Cùng với lễ hội đua thuyền, cư dân các dân tộc ở Quỳnh Nhai và du khách từ khắp nơi còn được tham gia vào cuộc thi ẩm thực của các xã, thăm quan và mua sắm tại các gian hàng sản phẩm đặc sản của huyện, cũng như tham gia các trò chơi dân gian của người Thái như kéo co, ném còn, đẩy gậy...
Tất cả những trò chơi này được tổ chức ở hai bên đầu cầu và khách du lịch có thể tự do đăng ký tham gia bất kỳ trò chơi nào, tạo nên một không khí sôi động vào những ngày đầu năm mới.
Bao năm qua, cầu Pá Uôn không chỉ góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống địa phương mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Cầu Pá Uôn cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, và các công trình dịch vụ du lịch đang hoàn thiện sẽ khiến cho ngành du lịch trở nên phong phú hơn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách.
Những ngày xuân rực rỡ ở cầu Pá Uôn. Video: Trần Duy Tiệp