Công trình kiến trúc từ xương voi ma mút lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy ở Nga, cho thấy người tiền sử có lẽ khôn ngoan hơn chúng ta từng nghĩ

K, |

Việc khai quật được công trình này cho thấy rằng, thay vì cứ chỉ một mực theo dấu của những loài động vật để săn bắt và hái lượm, con người ở thời kỳ Pleistocene đã biết xây dựng cả những công trình kiến trúc phục vụ cho những mục tiêu riêng.

Mới đây, một khu vực kiến trúc to lớn dị thường được dựng lên bởi những chiếc hóa thạch xương của loài voi ma mút đã được khai quật tại khu vực mang mã hiệu Kostenki 11, Nga. 

Khu vực này rộng khoảng 12,5 mét, nằm kế con sông Don bên thành phố Voronezh. Theo các nhà khoa học nghiên cứu tại đây, niên đại của những bộ xương này rơi vào khoảng 25000 năm, và đây rất có thể là kiến trúc voi ma mút cổ xưa nhất mà con người khai quật được.

"Giải thích cho sự tồn tại của những kiến trúc này, bên cạnh việc để làm nơi cư trú cho con người, thì còn một khả năng khác là phục vụ cho một mục tiêu tín ngưỡng nào đó của người cổ đại," Alexander Pryor, một thành viên của nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Exeter cho biết.

 "Tuy nhiên, mục tiêu tín ngưỡng đó là gì thì các nhà khảo cổ chúng tôi hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận."

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà kháo cổ tìm thấy những kiến trúc từ xương của voi ma mút tại khu vực Kotenski 11. Khoảng thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Liên Xô đã khai quật được hai kiến trúc khác, cũng được xây dựng hoàn toàn bằng xương voi ma mút.

Việc con người ở thời kỳ Pleistocene chịu bỏ công bỏ sức xây dựng những kiến trúc như vậy khiến nhiều nhà khảo cổ học ngạc nhiên. Lý do là bởi, những người thợ săn cổ đại khi ấy thường nay đây mai đó, và việc xây dựng những kiến trúc cố định vốn được các nhà nghiên cứu cho là không nằm trong tư duy của con người khi ấy.

Công trình kiến trúc từ xương voi ma mút lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy ở Nga, cho thấy người tiền sử có lẽ khôn ngoan hơn chúng ta từng nghĩ - Ảnh 1.

"Việc xác định nguồn gốc của những bộ xương này là công việc hết sức vất vả, bởi chúng đến từ ít nhất 60 con voi ma mút khác nhau. Bên cạnh đó, việc giải thích cách mà những kiến trúc này được tạo ra cũng khiến khá nhiều người đau đầu, bởi những chiếc xương tươi của voi ma mút rất nặng - do đó việc mang chúng từ chỗ này tới chỗ khác không thôi cũng đã tốn nhiều công sức rồi."

Việc phân tích sâu hơn về các mẫu hóa thạch được khai quật tại khu vực này giúp các nhà khoa học tìm ra dấu tích của than, những mẩu xương cháy, cùng với một số mảnh vụn của các công cụ đồ đá. 

Tất cả những mẫu vật này khiến các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng, kiến trúc này được người Pleistocene xây dựng để làm nơi trú ẩn trước thời tiết lạnh giá của kỷ băng hà. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có thể là nơi mà con người dùng để lưu trữ thức ăn.

Công trình kiến trúc từ xương voi ma mút lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy ở Nga, cho thấy người tiền sử có lẽ khôn ngoan hơn chúng ta từng nghĩ - Ảnh 2.

 "Nếu như những bộ xương voi ma mút này là kết quả của một cuộc đi săn, thì điều đấy cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ có một lượng lớn thịt và cần nơi để lưu giữ chúng. Do đó, cũng có nhiều khả năng những kiến trúc này được dựng nên để làm nơi dự trữ thức ăn cho con người thời bấy giờ." Pryor cho biết. Giai đoạn tiếp theo của các nhà khảo cổ học tại Kotenski 11 cũng sẽ tập trung vào phân tích vai trò của kiến trúc này đối với con người thời kỳ Pleistocene.

Tuy nhiên, bản chất của những kiến trúc từ xương này về một mặt nào đó cũng lại không thích hợp để làm nơi trú ẩn lâu dài cho con người. Một mặt, những bộ xương voi ma mút khi còn mới sẽ rất mùi, và hoàn toàn có thể thu hút những loài động vật săn mồi nguy hiểm khác như cáo hay sói. 

Mặt khác, lượng mảnh vụn của những công cụ bằng đá ở đây ít hơn hẳn so với tại các khu vực khác, từ đó cho thấy các hoạt động tại địa điểm này cũng ít hơn rất nhiều.

Công trình kiến trúc từ xương voi ma mút lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy ở Nga, cho thấy người tiền sử có lẽ khôn ngoan hơn chúng ta từng nghĩ - Ảnh 3.

Nhưng dù cho mục đích của kiến trúc này có là gì đi chăng nữa, thì nó cũng cho thấy rằng những người thợ săn của thời kỳ Pleistocene có lẽ khôn khéo hơn so với những gì chúng ta từng nghĩ. 

Thay vì cứ chỉ một mực theo dấu của những loài động vật để săn bắt và hái lượm, con người ở thời kỳ này đã biết xây dựng cả những công trình kiến trúc phục vụ cho những mục tiêu riêng - dù cho nó là để ở, để làm nhà kho, để phục vụ tín ngưỡng, hay vì mục đích gì đi chăng nữa. Và hy vọng rằng, những nghiên cứu tiếp theo sẽ mang tới cho chúng ta câu trả lời về mục đích xây dựng kiến trúc này của người Pleistocene.

Theo Gizmodo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại