Chiều 5/9, ông Lâm Chí Lễ, đại diện công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết UBND TPHCM đã quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra đánh giá dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khi hậu (Giai đoạn 1).
Đây là hoạt động luật định nhằm đánh giá hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp dự án tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật hoặc liên quan đến pháp lý dự án báo cáo thành phố để giải quyết và tái khởi động trong thời gian sớm nhất.
Đối với dự án lớn như dự án này, công tác kiểm tra là hoạt động thường xuyên, định kỳ và có kế hoạch.
Tính đến nay, dự án đã nhiều lần nhận được nhiều cơ quan từ cấp trung ương đến địa phương như Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Kiểm toán nhà nước, Thành ủy TPHCM thực hiện công tác kiểm tra.
“Trong quá trình triển khai, thực tế phát sinh cần có những thay đổi phù hợp với thực tế hiện trường, mặc dù đã được UBND TPHCM đồng ý chủ trương nhưng về mặt thủ tục pháp lý cần điều chỉnh cho phù hợp.
Theo luật quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra đánh giá đầu tư trước khi phê duyệt điều chỉnh”, ông Lễ giải thích.
Đại diện chủ đầu tư cho hay dự án tạm ngừng thi công tư ngày 27/4 sau khi hoàn thành 72% khối lượng bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân do UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại quyết định số 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn
“Thành phố đã thực hiện ký phụ lục 02A, tuy nhiên hồ sơ các hạng mục lớn khác liên quan đến cống Mương Chuối và tiêu chuẩn thép vẫn chưa được UBND TPHCM xác nhận.
Ngoài ra, hiện ngân hàng tài trợ vốn BIDV đang có đề xuất thành phố giải quyết các khoản chi phí tài chính phát sinh, do vấn đề tạm dừng dự án gây ra”, ông Lễ cho hay.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện chủ đầu tư xác nhận công trình thi công đã “thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van”.
Đối với việc thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, doanh nghiệp đã có văn bản xin chỉ dẫn, cũng như được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cụ thể: Ngày 7/2, Bộ Xây Dựng đã có văn bản 266/BXD-KTXD khẳng định: “Việc chủ đầu tư căn cứ vào hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng được Sở NN&PTNT (đơn vị được UBND thành phố ủy quyền) thẩm định và Doanh nghiệp dự án phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh theo đúng quy định để triển khai thi công xây dựng, xác nhận giá trị công việc hoàn thành là phù hợp với hợp đồng BT của dự án và các quy định của pháp luật.”
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị tham gia vào việc triển khai và giám sát Dự án phải tuân thủ theo thông báo kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT.
Ngày 11/7, Sở NN&PTNT có văn bản 1848/SNN-QLĐT khẳng định việc đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư sử dụng, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống giữa giai đoạn thiết kế cơ sở và giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công là phù hợp nhằm tối ưu hoá sản phẩm thiết kế, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, dù Sở NN&PTNT đã đồng ý thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép song việc này lại không được đơn vị tư vấn giám sát đồng tình.
Trong nhiều báo cáo gửi UBND TPHCM, đơn vị tư vấn giám sát cho rằng hồ sơ còn nhiều sai sót, đặc biệt là việc thay đổi vật liệu (vật liệu ở công trình khác với hồ sơ thiết kế), từ đó không ký nghiệm thu các đợt thi công để làm cơ sở giải ngân.
Điều đáng nói Bộ Xây dựng đã liên tiếp có nhiều văn bản yêu cầu “các đơn vị tham gia vào việc triển khai và giám sát Dự án phải tuân thủ theo Thông báo kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT”
Gần đây nhất là ngày 22/8, Sở NN&PTNT tiếp tục có văn bản số 2280/SNN-QLĐT một lần nữa tái khẳng định tính phù hợp khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống.
Sở NN&PTNT cũng “Kiến nghị UBND TPHCM có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng khẩn trương kiếm tra hồ sơ và xác nhận khối lượng thi công hoàn thành hạng mục lắp đặt cửa van các cống kiểm soát triều của chủ đầu tư theo đúng quy định”.
Đại diện chủ đầu tư cho hay việc đơn vị tư vấn giám sát chậm ký nghiệm thu khối lượng các đợt thi công dù đã có nhiều văn bản của các cơ quan có thẩm quyền dẫn đến việc ngưng giải ngân khiến dự án bị tạm ngưng thi công cho đến nay.
Đơn vị tư vấn giám sát của dự án là Liên danh Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt (Việt Nam); Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB); Công ty CP Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12.
Dự án tạm ngưng sau khi đã hòn thành 72% khối lượng
Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TPHCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công (6/2019).
UBND TPHCM sẽ thanh toán 16% giá trị hợp đồng BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.
Đầu năm 2017, trong chuyến khảo sát công trình này, lãnh đạo Thành ủy TPHCM yêu cầu rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 22 tháng nhằm sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn.
Thời điểm đó, chủ đầu tư và các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30/4.
Để hoàn thành tiến độ đề ra, công trình đã được triển khai thi công hết sức khẩn trương. Đến cuối tháng 1/2018, dự án đã đạt 68% khối lượng xây dựng với tổng khối lượng thép đạt 80% (gần 63.000 tấn), bêtông đã hoàn thành 68% (hơn 320.000 m3).
Tiến độ dự án nhanh hơn 8 tháng so với hợp đồng BT đã ký kết. Tại 6 cống kiểm soát triều, các công trình chính để lắp đặt cửa van gần hoàn thiện, sắp tới sẽ lắp đặt các cửa van.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đang phải chờ các quận huyện giao mặt bằng hai bên bờ kênh để thi công công trình phụ trợ, lắp đặt hệ thống kỹ thuật, vận hành cửa van và xây bờ kè.
Dự án thi công chậm dần cho đến ngày 27/4, đại diện công ty Trung Nam xác nhận đã tạm dừng thi công khi đạt được 72% khối lượng công việc.
Dự án bao gồm việc xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40m - 160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định cùng hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh dài 7,8km, hệ thống đê - kè, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ 1-10 m.