Công trình 200 năm có thể giải cứu “hạn mặn” ở ĐBSCL vừa xác lập kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam

Minh Hằng |

Không chỉ mang lại giá trị to lớn về quốc phòng, kinh tế trong 200 năm qua, công trình này còn có thể giải cứu ĐBSCL khỏi những khó khăn do thiên tai.

Đây là kênh đào Vĩnh Tế (hay gọi là kênh Vĩnh Tế). Theo ghi chép lịch sử triều Nguyễn, kênh đào này có chiều dài 91 km, rộng 30 m và sâu 2,55 m. Kênh Vĩnh Tế được thi công xây dựng bằng sức người trong 5 năm (từ năm 1819 – 1824).

Kênh Vĩnh Tế được coi là công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất của khu vực Tây Nam Bộ và An Giang, kể từ thế kỷ 19 đến nay. Kênh được đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thuộc phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc, An Giang, thẳng nối giáp với sông Giang Thành, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

 - Ảnh 1.

Kênh Vĩnh Tế được coi là một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh: Cổng TTĐT An Giang

Kênh Vĩnh Tế đã tạo ra một hệ thống thủy lợi thượng nguồn quan trọng cho vùng Tứ giác Long Xuyên, từ đó góp phần khai phá, cải tạo và phát triển vùng đất này. Kể từ khi hoàn thành đến nay (200 năm), kênh Vĩnh Tế vẫn còn giá trị lớn về mặt trị thuỷ, giao thông, thương mại, biên phòng, đồng thời thể hiện trí tuệ cũng như sức lao động sáng tạo trong xây dựng đất nước của các bậc tiền nhân.

Kênh đào 200 năm xác lập kỷ lục Việt Nam

 - Ảnh 2.

Kênh Vĩnh Tế được công nhận là Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam. Ảnh: Tổ chức kỷ lục Việt Nam

Trong ngày 14/11 vừa qua, kênh Vĩnh Tế chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam.

Theo đó, bằng xác lập " Kênh Vĩnh Tế: Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam " đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao đến UBND tỉnh An Giang, trong Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh đào Vĩnh Tế (1824 – 3024) và tưởng niệm 198 năm ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826 – 2024) diễn ra ở Khu du lịch Núi Sam.

Cùng ngày 14/11, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai", ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, kênh Vĩnh Tế khẳng định thành tích lớn lao trong sự nghiệp của danh thần Thoại Ngọc Hầu và phu nhân ông là bà Châu Thị Tế.

Trải qua 2 thế kỷ, kênh đào này luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. Đó là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa; đồng thời là nguồn cung cấp nước ngọt vun đắp phù sa cho ruộng đồng cả vùng tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế còn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

 - Ảnh 4.

Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao bằng Kỷ lục đến lãnh đạo tỉnh An Giang. Ảnh: UBND tỉnh An Giang

PGS TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam, nhận định rằng kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu, xác lập và khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.

Cùng với đó, các đồn lũy bảo vệ đất đai, dân cư được dựng lên, chính sách khuyến khích khẩn hoang, lập làng trong triều Nguyễn cũng được đẩy mạnh. Theo PGS TS Vũ Quang Đạo, đây là những đảm bảo vững chắc để cư dân người Việt vững tâm tiến vào khai phá, lập nghiệp trên vùng đất Nam Bộ. Việc thiết kế và thi công tuyến kênh Vĩnh Tế sát biên giới cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của vua quan nhà Nguyễn lúc đó.

Tiềm năng của kênh Vĩnh Tế rất lớn

 - Ảnh 5.

Theo các chuyên gia, tiềm năng của kênh Vĩnh Tế vẫn còn rất lớn. Ảnh: Tổ chức kỷ lục Việt Nam

Tại hội thảo, theo PGS TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất ở An Giang, đồng thời là một trong bốn kênh lớn ở Nam Bộ. Giá trị của kênh Vĩnh Tế tiếp tục được khai thác và phát huy cho đến ngày nay.

Cụ thể, tháng 7/1996, nhận thấy rõ vai trò quan trọng của kênh Vĩnh Tế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 - Tuần Thống (sau này được gọi là kênh Võ Văn Kiệt) với chiều dài 36,7 km, đưa nước ngọt từ "kênh mẹ" Vĩnh Tế xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra tới biển Tây.

PGS TS Nguyễn Văn Nhật nhận định, chính nhờ tuyến kênh này, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989 - 1999) thành công, từ đó góp phần quan trọng đưa sản lượng lúa của An Giang thuộc nhóm đầu của cả nước.

Tong khi đó, PGS, TS Nguyễn Đình Lê, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, việc phát huy tiềm năng kênh Vĩnh Tế một cách khoa học sẽ khắc phục được một số khó khăn do thiên tai, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội đồng ở vùng ĐBSCL.

Theo sử sách, vào năm 1819, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, vua Gia Long ban sắc dụ, giao quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế. Trong sắc dụ có nội dung là đào con kênh này công việc rất khó nhọc, nhưng thực có lợi cho muôn đời.

Sau khi hoàn thành vào năm 1824, kênh đào này được vua Minh Mạng đặt tên là "Vĩnh Tế Hà", để ghi nhận công lao của bà Châu thị Tế, phu nhân của Danh thần Thoại Ngọc Hầu. Bởi việc hoàn thành kênh Vĩnh Tế có sự góp sức quan trọng của bà Châu Thị Tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại