Trong 20 năm gắn bó với thời trang, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí không chỉ khiến giới mộ điệu Việt Nam mà cả quốc tế phải ngưỡng phục. Báo giới Việt Nam gọi anh là "người anh cả của làng mốt Việt".
Vogue Mỹ thì khẳng định Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế Việt duy nhất chạm đến đường biên thật sự của thời trang cao cấp (Haute Couture), với những sáng tạo khơi gợi cảm xúc người xem.
Tuy nhiên khi ở đỉnh cao của thời trang, Nguyễn Công Trí lại muốn làm cái gì đó không còn thuộc về thời trang đơn thuần. Và cuối cùng anh quyết định làm triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật Đương đại - "Cục im lặng".
Trong buổi gặp gỡ mới đây với Công trí anh đã có những chia sẻ chân thành về mục đích và con đường sự nghiệp của mình.
Nhà thiết kế Công Trí.
So với thế giới thì mình là hàng chắt, chít
- Triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật Đương đại - "Cục im lặng" có gì thú vị và anh có đặt kỳ vọng gì vào đó không?
Tại triển lãm "Cục im lặng" tôi mời những nghệ sĩ đương đại ở các bộ môn như múa đương đại, làm phim, làm nhạc, photo, nghệ sĩ thị giác... đến và cho họ làm việc với bộ sưu tập của mình.
Ví dụ như tôi có 10 bộ sưu tập, tôi sẽ xem phong cách của từng nghệ sĩ trên xem họ hợp với bộ sưu tập nào thì mời họ vào bộ sưu tập đó. Khi họ nhìn vào bộ sư tập của tôi, nghe những tâm sự, ý tưởng... từ đó họ sẽ có cảm hứng, tìm được sự đồng điệu trong chính tâm hồn của họ đối với bộ sưu tập của tôi và họ sẽ sáng tạo ra ý tưởng và sản phẩm mới của chính họ.
Thật ra, triển lãm thời trang cũng chẳng có gì là mới mẻ cả. Tôi dùng cách như thế này là vì tôi muốn thời trang không dừng lại ở chiếc áo, cái quần hay chiếc váy nữa mà tôi mong muốn thời trang được bay xa hơn ở các lĩnh vực khác nhau.
Và có thể đó cũng là một bước ngoặt để sau triển làm này tôi có thể thoải mái sống trong bầu không khí nghệ thuật khác chứ không dừng lại ở thời trang. Ví dụ như sau này, tôi sẽ trở thành một đầu bếp chiên cơm thời trang, xào mì thời trang, hoặc nhà thiết kế nội thất... chẳng hạn.
- 10 nghệ sĩ đương đại ở các lĩnh vực khác nhau sẽ sáng tạo ý tưởng mới lạ trên 10 bộ sưu tập của Công Trí. Tôi tò mò không biết anh sẽ dẫn dắt và kể câu chuyện của mình như thế nào?
10 không gian sáng tạo của các nghệ sĩ đương đại là khác nhau và mỗi không gian sẽ có một lối thoát riêng để phục vụ nhu cầu cá nhân của khán giả.
10 không gian này giống như tôi sẽ dẫn dắt khán giả đi vào trong cái đầu của mình, cơ thể của mình, suy nghĩ của mình... để cho mọi người thấy được một hành trình làm nghề từ lúc còn trăn trở cho đến khi làm nên 10 bộ sưu tập.
Câu chuyện về 10 bộ sưu tập cũng là cách để tôi giãi bày nỗi niềm bấy lâu nay không được nói cứ im lặng mãi và ấm ức từ lâu rồi. Cụ thể là trong suốt thời gian làm nghề, nhiều người thắc mắc tại sao tôi thường tạo ra những bộ sưu tập mới không hề có chút liên quan tới bộ sưu tập cũ.
Họ nói tôi lộn xộn không thống nhất. Lý do thì phần lớn các nhà thiết kế người ta làm cái gì thường làm một món thôi rồi cứ xào tới xào lưu chỉ cần "bay" ngang qua là biết bộ đó là của ai luôn.
Tôi lại khác, tôi muốn được trải qua tất cả những phong cách, trường phái để xem cuối cùng mình thích trường phái nào để phát triển tiếp. Thật ra cách của tôi là hành hạ bản thân đấy. Tôi tự hành hạ bản thân mình trong mười mấy năm qua (cười).
Công trí và "nàng thơ" Thanh Hằng.
- Sự "hành hạ" đó giúp anh luôn trở thành người đi đầu về xu hướng và sáng tạo?
Khi tôi làm thì không nghĩ mình là người đi đầu hay đi cuối vì nếu nghĩ đến điều đó thì không làm việc được. Khi làm, tôi tập trung vào chuyên môn không nghe thị phi, không dính thị phi... Tôi không mất thời giờ, năng lượng cho những điều đó.
Bên ngoài còn có rất nhiều năng lượng tốt tôi chưa học hết nên tôi thích dành để trao dồi kinh nghiệp, nâng cao tay nghề hơn là sân si đi đầu. Đây không phải là cuộc đua maratong. Hơn nữa, để thành công thì 80% còn ở sự may mắn.
- Anh thường lấy cảm hứng sáng tạo từ đâu cho các bộ sưu tập của mình?
Việt Nam không phải là nôi thời trang và ngành công nghiệp thời trang cũng chưa đâu vào đâu hết. So với thế giới thì mình là hàng chắt, chít. Tôi từng chia sẻ, cảm hứng thường đến khi ở trong phòng tắm (cười).
Có người nói thế này "người tiêu cực sẽ thấy khó khăn trong cơ hội và người tích cực sẽ thấy được cơ hội trong khó khăn".
Tôi luôn nghĩ hạnh phúc hay đau khổ, may mắn hay không may mắn, thất bại hay thành công giống như một vòng tròn. Nếu ngày hôm nay mình ngồi đây được vui vẻ khỏe mạnh thì ở đâu đó có người nhận điều ngược lại và có lúc mình phải nhận những điều ngược lại để ở đâu đó có người nhận được sự may mắn, hạnh phúc.
Khi mà mình hạnh phúc hay đau khổ mình sẽ có những sự sáng tạo, những bộ sưu tập theo cảm hứng, cảm xúc như thế. Với tôi, cảm hứng sáng tạo không có gì khó, sự nhạy cảm từ trong trái tim nó sẽ truyền tải thành cảm hứng.
Katy Perry mặc thiết kế của Công Trí trong liveshow riêng.
Trang phục của tôi đến được các ngôi sao quốc tế là cả một hành trình
- Anh là nghệ sĩ Việt duy nhất được các ngôi sao thế giới như Katy Perry, Rihanna, Beyonce chọn mặc đồ. Bên cạnh lời khen vẫn có người nói anh cho không, biếu không thì người ta mặc...?
Đúng là có người nói: "Ông Công Trí này làm tặng không cho người ta mặc". Trời ơi, cả trái đất này bao nhiêu nhà thiết kế nhỉ? Và một người nghệ sĩ lớn trên thế giới, mỗi ngày người ta được tặng không ship không tới mấy trăm bộ?
Thế nên việc được các nghệ sĩ lớn chọn mặc đồ 70% là do may mắn, do ăn ở. Như tôi may mắn khi được chuyên gia trang điểm cho các ngôi sao quốc tế Hùng Ngô giúp đỡ. Hùng Ngô giới thiệu tôi tới các stylist của các ngôi sao. Tuy nhiên để được Hùng Ngô giới thiệu cũng không phải chuyện dễ. Họ phải hiểu được mình, biết được khả năng và con người mình như thế nào.
Tôi và Hùng Ngô quen biết 4 năm rồi nên tôi được bạn ấy giới thiệu tới các stylist của các ngôi sao. Cơ hội đó đến được với tôi cũng mới chỉ là vượt qua được một chặng đường nhỏ, nếu mình không có tài năng thì coi như là con số không.
Cho nên thực tế số đồ tôi gửi đi cho các ngôi sao quốc tế nhiều hơn rất nhiều lần số đồ mà mọi người nhìn thấy họ mặc chứ không phải mình gửi một bộ đồ là người ta mặc luôn. Thậm chí, có trang phục mình chỉnh sửa theo ý của họ nhưng trước khi họ bước ra thảm đỏ khoảng một tới hai tiếng họ cũng có thể thay đổi không mặc nữa.
Có rất nhiều nhà thiết kế đang xếp hàng và việc các trang phục của tôi đến được tay của các stylist đó và từ đó lên ngôi sao là cả một hành trình. Đó là đặc quyền của ngôi sao lớn mình không là gì cả, phải nghĩ được như thế mình mới làm việc được.