Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki: Nhiều người Nhật muốn khôi phục Tết Nguyên đán

Tô Phương Thuỷ |

Từ hơn một thế kỷ qua, người Nhật Bản đã chuyển từ đón Tết Nguyên đán sang ăn Tết dương lịch. Song gần đây, nhiều ý kiến tại Nhật Bản đang kêu gọi tái hiện ngày tết cổ truyền.

Trao đổi với PV Lao Động, Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki cho rằng, nhiều người Nhật hiện nay đang nhận thức rằng, lễ hội đón Tết Nguyên đán chính là một di sản văn hóa - một dạng “quyền lực mềm” có thể giúp kết nối cộng đồng.

Nên đúng hẹn với… mùa hoa

- Nhật Bản đã mất bao lâu để thông qua việc đón Tết theo dương lịch, thưa ông?

- Việc chuyển từ việc sử dụng âm lịch sang dương lịch diễn ra tại Nhật Bản rất nhanh, chỉ trong 1 tháng thời kỳ Minh Trị vào cuối năm 1872. Kể từ đó, ngày 1.1 theo dương lịch trở thành ngày đầu tiên của năm mới tại Nhật. 

Nhưng trong nhiều năm sau, truyền thống tổ chức các lễ hội đón xuân theo âm lịch vẫn được duy trì tại nhiều địa phương, nhất là ở vùng nông thôn Nhật Bản, như cách mà người Việt Nam vẫn sử dụng song lịch (cả dương lịch và âm lịch) hiện nay.

Theo như tôi nhớ, chỉ sau Đại chiến II thì việc sử dụng song lịch tại Nhật Bản mới ngừng hẳn. Bởi, tiến trình công nghiệp hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đòi hỏi việc thống nhất toàn bộ sự kiện, lịch trình theo một bộ lịch là dương lịch.

- Có nghĩa việc hợp nhất toàn bộ các hoạt động theo dương lịch thực sự đã mang lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế tại Nhật Bản?

- Vào thời kỳ công nghiệp hóa dưới thời Minh Trị, điều này là rất cần thiết. Còn ngày nay, đang có một luồng dư luận tại Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền.

- Vì sao, thưa ông?

- Theo dương lịch, ngày 1.1 hằng năm sẽ bắt đầu mùa xuân, nhưng trên thực tế, thời tiết tại Nhật vô cùng lạnh giá trong tháng 1. Vì vậy, rất khó cho mọi người cảm nhận một mùa xuân mới đang về. 

Còn nếu theo âm lịch cổ truyền, mùa xuân sẽ đúng hẹn hơn, vì ngày đầu của mùa xuân thường rơi vào tháng 2. Khi đó, hoa mận đã nở khắp nơi và khoảng 1 tháng sau (tháng 3 dương lịch), sắc xuân sẽ tràn ngập tại Nhật Bản với hoa anh đào nở.

Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki: Nhiều người Nhật muốn khôi phục Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki.

Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. 

Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện “chúng ta là ai?”

Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. 

Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì!

- Việt Nam đang có tranh luận về việc có nên gộp tết ta và tết tây. Những ý kiến ủng hộ cho rằng, điều này sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được thời gian vui chơi, để dồn sức công nghiệp hóa đất nước. Song, những ý kiến khác lo ngại sẽ làm mất đi truyền thống văn hóa. Nếu được hỏi ý  kiến, ông sẽ nói gì?

- Tôi cho rằng, Việt Nam vẫn nên giữ phong tục này. Tôi rất thích khi thấy trên đường phố đầy quất vàng và hoa đào. 

Có lần, tôi thấy một người đàn ông chở cây quất to gấp 2-3 lần xe máy của ông ấy. Tôi nghĩ, nếu như các bạn bỏ tết ta sẽ là điều vô cùng đáng tiếc. Truyền thống là điều cần phải được giữ gìn.

Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng. 

Khi tôi có dịp chia sẻ với phu nhân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1.2013,  bà cũng chia sẻ chung cảm nhận.

Đón tết bằng những ô cửa sáng trưng

- Ông đã từng đón tết ở Việt Nam chưa? Ấn tượng của ông như thế nào?

- Tôi đã trải qua hai cái tết. Trong năm đầu tiên, tết Việt rất khác so với những gì tôi kỳ vọng. Hầu như không có hoạt động lễ hội nào như biểu diễn âm nhạc, giải trí công cộng... trên đường phố. Mọi cửa hàng đều đóng cửa. Để có thể cảm nhận tết Việt, bạn phải đến các gia đình.

Ở cái tết thứ hai, tôi đã “thông minh” hơn. Tôi tra trên mạng và hỏi mọi người về những địa điểm diễn ra các lễ hội đặc sắc. Và tôi đã đến lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội Gióng... Vô cùng ấn tượng. Tôi nghĩ mình có thể đứng hàng giờ để xem các màn biểu diễn với ngựa, voi và các lễ cúng tế.

- Vậy còn người Nhật đón năm mới như thế nào, thưa ông?

- Cũng như ở Việt Nam, các gia đình Nhật Bản đều tất bật chuẩn bị cho việc đón năm mới từ trước đó nhiều ngày. Chúng tôi có truyền thống gửi thiếp mừng năm mới đến những người bạn và các đối tác. 

Tôi từng viết đến hơn 200 thiếp chúc mừng năm mới, thường là phải bắt đầu viết từ giữa tháng 12 và mang thiếp đến bưu điện để gửi khoảng 3-4 ngày trước năm mới. Giờ có máy tính và mạng Internet nên mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Chỉ sau khi chúng tôi đã gửi và đọc hết những tấm thiếp chúc mừng năm mới nhận được, chúng tôi có thể yên tâm ngồi trước màn hình tivi, theo dõi chương trình đón chào năm mới. 

Khi giao thừa đến, cả gia đình cùng ăn món mì truyền thống, có tên “Tạm biệt năm cũ”. Các món ăn cho 3 ngày đầu năm đều đã được các bà nội trợ chuẩn bị sẵn từ trước để giúp người vợ có thời gian thư dãn và thăm thú bạn bè.

- Vậy phần việc của các ông chồng Nhật sẽ là gì?

- Đàn ông thường đảm nhiệm việc lau dọn nhà cửa. Đây sẽ là cuộc “đại chiến” với bụi bặm và nhà cửa sẽ được lau chùi cho tới khi từng ngóc ngách, hay các ô cửa sổ sáng trưng. Chúng tôi là người Nhật mà!

- Thường kỳ nghỉ năm mới của Nhật kéo dài bao lâu, thưa ông?

- Còn tùy đối tượng. Các nhân viên công sở thường được nghỉ 5 hoặc 6 ngày. Có tập đoàn cho nhân viên  nghỉ 1 tuần; nhưng với những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, họ không hề nghỉ ngơi. Các cửa hàng, trung tâm mua sắm vẫn tấp nập mở cửa trong những ngày đầu năm.

- Văn hóa Nhật Bản và Việt Nam được cho là có nhiều sự tương đồng. Ông có cảm nhận được điều này khi đón tết ở Việt Nam?

- Rất nhiều. Chẳng hạn, vào những ngày đầu năm mới, đa số người Nhật đều đi lễ đền, chùa để cầu mong may mắn, sức khỏe và tưởng nhớ tổ tiên. Người Việt Nam cũng vậy. 

Trước đây, gia đình tôi cũng có một nơi thờ cúng nhỏ trong nhà để thắp hương cho tổ tiên. Nhưng với sự phát triển của nền kinh tế và ở các chung cư hiện đại, việc thờ tự trong nhà không còn phù hợp. Người Nhật cũng có thói quen lì xì cho trẻ nhỏ trong phong bao màu trắng và thắt nơ đỏ.

- Ông có thể chia sẻ kỳ vọng của mình trong một mùa xuân mới đang về?

- Có thể nói, trước thập niên 1990, người Nhật thường chỉ chú trọng làm việc, mọi ý chí, tinh thần đều dành cho mong muốn làm việc hiệu quả và hiệu quả hơn nữa. Điều này đã giúp cho các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản đạt được chất lượng và danh tiếng như hiện nay.

Nhưng ngày nay, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng dân số già và sụt giảm dân số. Kể cả khi chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết mình để làm việc như thế hệ cha ông thì năng suất và hiệu quả tạo ra cho nền kinh tế vẫn không được như trước. 

Có thể, nếu Nhật Bản có thêm các ngày lễ hội, có nhịp sống chậm hơn, chúng tôi sẽ khai thông thêm được tiềm năng chăng?

Ai cũng mong một cuộc sống không có quá nhiều sức ép; nên nếu có thêm lễ hội để cùng vui chơi, tôi nghĩ đó sẽ là một dạng “quyền lực mềm”. Văn hóa truyền thống có thể trở thành một nguồn của cải mới, nếu ta biết khai thác.

- Xin cảm ơn ông!

"Con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại