1. Đâu là khác biệt lớn nhất giữa CLB TP.HCM Á quân V.League 2019 với CLB TP.HCM xếp thứ ba... từ dưới lên ở V.League 2018? Phải chăng là sự khác biệt mang tên Hữu Thắng, người thay Công Vinh ngồi vào "chiếc ghế nóng" chủ tịch CLB?
Cũng có thể. Nhưng sự khác biệt lớn nhất mang lại thành công cho CLB TP.HCM ở một mùa giải mà họ không tăng cường quá nhiều những cầu thủ đắt giá, cũng như không có những màn quảng bá rầm rộ như dưới thời Công Vinh, ấy chính là lối chơi "biết người, biết ta" mà HLV Chung Hae-seong triển khai cho các học trò của mình.
Chính lối chơi ấy đã đưa đội bóng của chủ tịch Hữu Thắng thắng đến hơn 50% số trận (14/26). Ở mùa giải V.League 2019, họ là đội duy nhất làm được điều đó bên cạnh nhà vô địch CLB Hà Nội. Cũng chính lối đá ấy, cùng sự khôn khéo của đội trưởng Huỳnh Kesley Alves đã đưa CLB TP.HCM dẫn trước CLB Hà Nội ở trận đấu lượt về trên sân Thống Nhất suốt hiệp đấu đầu tiên.
Nếu không có pha vào bóng "nóng mặt" của Đỗ Văn Thuận với Văn Quyết ở phút 51, để rồi phải lĩnh thẻ đỏ rời sân, nếu như CLB TP.HCM giữ được tỷ số hiệp 1 cho đến hết trận đấu, họ đã có thể nới rộng khoảng cách với CLB Hà Nội ra đến 4 điểm, để chiếm ưu thế rõ rệt trong cuộc đua đến chức vô địch.
Nhưng cũng chính lối chơi ấy, cùng việc không có được một hàng công thực sự mạnh mẽ đã khiến họ gục ngã liền 2 trận tiếp sau đó trước Sanna Khánh Hòa BVN và Quảng Nam, để rồi phải ngậm ngùi gác lại giấc mơ vô địch, nhìn Quang Hải, Văn Quyết và các đồng đội băng băng về đích, trong sự tiếc nuối của HLV Chung Hae-seong và chủ tịch Hữu Thắng.
HLV Chung Hae-seong từng cay cú đến mức chỉ trích cả trọng tài: "Chúng tôi vô địch lượt đi, rồi ông Đoàn Nguyên Đức nói: CLB TP.HCM không thể vô địch V.League. Sau đó, mọi thứ thay đổi, các quyết định của trọng tài đều có lợi cho CLB Hà Nội".
Nhưng đằng sau lời chỉ trích ấy, không thể giấu nổi thực trạng rằng CLB TP.HCM không có được những "cú đấm thép" ở tuyến trên, và lối chơi của họ thiếu đi những "cơn lốc" khiến đối thủ phải quay cuồng trong những trận đấu họ cần phải thắng. Nhưng với Công Phượng, họ có giải quyết được điểm yếu này của mình?
2. Đánh giá về Công Phượng, HLV tạm quyền của Sint Truidense - Nicky Hayen có lẽ là người công tâm nhất: "Chúng tôi đánh giá cao những cầu thủ làm được nhiều việc trong một trận đấu, đặc biệt là khi mất bóng. Bên cạnh đó là thể lực phải ở mức cao. Lấy ví dụ là tiền đạo Yohan Boli đi. Cậu ấy được trọng dụng vì thể hiện được mình trên sân, còn Công Phượng thì vẫn đang giữ một thói quen khó bỏ từ quê nhà.
Ở Việt Nam, cậu ấy chỉ chăm chăm tấn công, không bao giờ tham gia phòng ngự. Điều này giống với một đồng đội của tôi trước đây. Anh ta luôn tin rằng đằng sau mình, sẽ luôn có những người khác đảm nhận công việc ấy".
Đấy chính là điều mà những người yêu mến Công Phượng cố tình lờ đi, để rồi với việc "Messi Việt Nam" thất bại ở cả Hàn Quốc lẫn Bỉ, người ta mới giật mình.
Sẽ chẳng có chuyện gì nếu Công Phượng chơi bóng ở HAGL, hay thời còn U19, thậm chí là dưới tay của HLV Park Hang-seo, bởi ở đó luôn có những đồng đội "đỡ" cho anh, là Tuấn Anh, Xuân Trường, là Quang Hải hay Hùng Dũng, Đức Huy... Và còn một điều quan trọng nữa, là ở Asian Cup 2019 - nơi Công Phượng ghi được 2 bàn thắng hiếm hoi trong cả năm qua, anh đều được chơi cao nhất trên hàng công.
Về với CLB TP.HCM, liệu Công Phượng có được tự do chơi cao nhất trên hàng công? Tất nhiên là không, khi chủ tịch Hữu Thắng vẫn đang tìm kiếm một chân sút ngoại "có hạng" để đá vị trí trung phong. Vả lại dẫu có được đá trung phong, Công Phượng cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi chắc chắn sẽ phải đối đầu với không ít những trung vệ ngoại ở V.League.
Ở CLB Hà Nội, Văn Quyết vẫn đang là chân sút chính, bất chấp việc đội bóng thủ đô sở hữu luôn có trong đội hình những chân sút ngoại thượng thừa. Thế nhưng với HLV Park Hang-seo, Văn Quyết "không đạt yêu cầu" khi không tham gia phòng ngự.
Nếu như quyết định loại Văn Quyết của HLV Park Hang-seo chỉ thuần túy chuyên môn, thì sự khác nhau chính là ở sự hỗ trợ mà tiền đạo này nhận được ở CLB Hà Nội, với những cầu thủ cực tốt chơi cùng nhau ở tuyến trên, khiến họ không phải lo "thủng vị trí" khi Văn Quyết không tham gia phòng ngự từ tuyến đầu, cũng như hàng tiền vệ cực kỳ cơ động và dạn dày kinh nghiệm, với toàn những tuyển thủ quốc gia.
Bản hợp đồng của CLB TP.HCM với Công Phượng rõ ràng không chỉ nằm ở khía cạnh chuyên môn, mà còn đem lại những lợi ích về mặt hình ảnh cho đội bóng của chủ tịch Hữu Thắng. Do đó, sử dụng Công Phượng như thế nào không phải là một bài toán dễ giải quyết.
Để hỗ trợ tốt nhất cho Công Phượng lại tỏa sáng sau một năm "mất tăm", TP.HCM phải có được điều mà CLB Hà Nội đang làm rất tốt, ấy là sự hỗ trợ từ tuyến dưới cho ngôi sao này, để tránh tình trạng như ở Incheon United hay Sint Truidense, khi Công Phượng cầm bóng đâm lên, thì cả đội phải vội vàng chạy về để chống phản công.
Nếu điều đó là quá khó, thì HLV Chung Hae-seong phải làm được một việc khác - điều mà cả CLB Hàn Quốc lẫn Bỉ đều không làm được, đó là khiến Công Phượng từ bỏ "thói quen khó bỏ từ quê nhà" của mình, để biến mình thành một phần quan trọng của đội bóng, thay vì chờ các đồng đội hỗ trợ mình.
Có làm được như thế, thì Hữu Thắng và CLB TP.HCM mới có thể vừa khai thác được hình ảnh, vừa tận dụng được khả năng của Công Phượng.
Ở SEA Games 29, Hữu Thắng đã từng "ngậm đắng nuốt cay" khi đặt cả niềm tin vào Công Phượng. Hi vọng lần "tái hợp" này, nhà cầm quân xứ Nghệ sẽ không để đội bóng của mình đi vào "vết xe đổ" ngày nào nữa. Có làm được điều đó, thì CLB TP.HCM hẵng nghĩ đến việc khuynh đảo V.League trước sự thống trị của CLB Hà Nội.