Có một chi tiết thú vị là nếu chỉ tính riêng ở Bỉ thì Việt Nam có vẻ đang "dẫn trước" Thái Lan về khía cạnh xuất khẩu cầu thủ.
Thủ môn số một của tuyển Thái - Kawin Thamsatchanan hiện đang chơi cho CLB OH Leuven ở giải hạng nhì. Hai cầu thủ Thái Lan khác từng sang Bỉ là Eakachai Phonthongthin và Teeratep Winothai cũng lần lượt chơi cho 2 đội bóng hạng nhì là Royale Union Saint-Gilloise và SK Lierse.
Trong khi đó, CLB Sint-Truidense VV Công Phượng vừa ký hợp đồng cho mượn 1 năm thuộc giải VĐQG Bỉ, nằm ở nhóm giữa và khá mạnh.
Tuy nhiên, nếu xét rộng ra toàn thế giới, có thể khẳng định ngay và luôn, Việt Nam đang tụt khá xa so với Thái Lan ở khía cạnh xuất khẩu cầu thủ.
Đơn cử như tại Nhật Bản, trong khi Công Phượng, Tuấn Anh gặp muôn vàn khó khăn dù chỉ khoác áo 2 đội bóng hạng nhì Mito Hollyhock và Yokohama FC thì Chanathip tỏa sáng rực rỡ ở giải hạng nhất trong màu áo Sapporo. Thậm chí Messi Thái còn được vinh danh là một trong những cầu thủ hay nhất giải.
Ấn tượng với Chanathip, Sapporo đã quyết định chi ra 2.6 triệu USD để "mua đứt" siêu sao này.
Teerasil Dangda - siêu tiền đạo Thái Lan thậm chí còn từng thi đấu ở Tây Ban Nha trong màu áo UD Almería, có 6 trận tại La Liga, 4 trận ở Cúp Nhà Vua (ghi 1 bàn).
Từ 2007 - 2008, Dangda thậm chí suýt được thi đấu cho Man City khi ông Thaksin Shinawatra mua CLB Premier League. Đáng tiếc là vì rắc rối về giấy phép lao động, Dangda không thể chơi cho CLB này và khi ông Thaksin Shinawatra bán CLB, huyền thoại sống của bóng đá Thái Lan cũng tìm đường về nước.
Dangda đã chạm tới La Liga.
So với Việt Nam, Thái Lan xuất ngoại cầu thủ vượt trội về cả số lượng và chất lượng. Dĩ nhiên, người Thái cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa các tài năng của mình ra nước ngoài.
Ngoài Chanathip thật sự là trụ cột và tỏa sáng ở Sapporo, không phải cầu thủ Thái Lan nào cũng trở nên quan trọng ở nơi họ tới. Như Dangda đến Man City cũng nhờ bóng ông Thaksin Shinawatra hay đến UD Almería chỉ làm dự bị.
Song rõ ràng là chuyện xuất ngoại cầu thủ của người Thái đang tốt dần lên, góp phần giúp ĐTQG của họ cũng trở nên mạnh mẽ hơn.
Con đường xây đẹp đẽ không đi cũng thành hoang phế, rừng rậm đi nhiều cũng sẽ ra lối mòn. Bóng đá Việt Nam đang đi sau người Thái ở chuyện xuất ngoại cầu thủ, nhưng sự tiến bộ của xứ Chùa vàng, hay sự thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản là tấm gương để chúng ta bước ra thế giới.
Biết đâu một ngày không xa, Quang Hải sẽ thật sự đến được La Liga, để chúng ta thật sự có cầu thủ chạm được một trong các giải đấu danh giá nhất thế giới?
Chiến lược phát triển cầu thủ trẻ đáng mơ ước của Thái Lan
Trong khi Việt Nam loay hoay, lo lắng vì nhiều ông bầu tâm huyết bỏ bóng đá nước nhà thì Thái Lan có những tỷ phú vươn cánh tay tới tận các giải lớn nhất thế giới. Ông Thaksin Shinawatra từng mua Man City và tạo điều kiện cho cầu thủ Thái Lan đến Premier League nhưng đáng tiếc tỷ phú này trụ lại quá ngắn.
Tỷ phú quá cố Vichai Srivaddhanaprabha mua Leicester City với danh nghĩa tập đoàn King Power International Group và đưa CLB này lên ngôi vô địch Premier League mùa 2015/16. Tuy nhiên, điều tập đoàn Thái Lan gây ấn tượng nhất với quê nhà không phải chức vô địch ấy mà là việc thường xuyên tổ chức đưa các lứa cầu thủ trẻ đến lò đào tạo của CLB rèn luyện.
Được ăn tập theo tiêu chuẩn hàng đầu châu Âu, những cầu thủ trẻ Thái Lan có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn so với trong nước và đấy là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển bóng đá xứ Chùa vàng.
HAGL của Việt Nam từng hợp tác với Arsenal, nhưng mối quan hệ này đã chấm dứt. Lò đào tạo Phố Núi từng đưa lứa Công Phượng sang châu Âu tập huấn không ít nhưng so ra với cách người Thái đang làm cùng Leicester thì vẫn chênh lệch rất lớn.