Xuất ngoại không phải là miền đất hứa
Ba lần xuất ngoại, mang theo sự kỳ vọng trị giá hàng triệu USD của bầu Đức, cả ba lần "con cưng bầu Đức" đều trở về với những sự thất vọng giống nhau. Từ giải hạng Hai Nhật Bản, giải hạng Nhất Hàn Quốc cho đến đội bóng Bỉ Sint-Truiden STVV, tiền đạo người Nghệ An đều không thể trụ lại không quá một mùa giải, với số lần được ra sân cực kỳ khiêm tốn.
Tương tự Công Phượng là Lương Xuân Trường, cũng với 3 lần xuất ngoại, với hai đội bóng Hàn Quốc cùng đội bóng Thái Lan Buriram United. Cả ba lần xuất ngoại ấy của Xuân Trường đều mang về kết quả giống nhau, và gây thất vọng nhất là lần cuối, khi tiền vệ này thậm chí không trụ lại được nổi ở Thai League quá nửa mùa giải. Điều đáng nói là sau khi trở về HAGL, bến đỗ tiếp theo của cầu thủ người Tuyên Quang đã "hợp lý" hơn rất nhiều, là sân Lạch Tray trong màu áo CLB Hải Phòng.
Khác với Xuân Trường, Công Phượng chọn rời HAGL với điểm đến có thể nói là gây sốc - đội bóng J1 League Yokohama FC. Cũng như chuyến xuất ngoại sang châu Âu hơn 3 năm về trước, đây được đánh giá là sự liều lĩnh đến mức điên rồ, không tự lượng sức mình của ngôi sao này.
Thực tế đã chứng minh điều đó, khi cho đến tận bây giờ Công Phượng vẫn chưa được một lần ra sân trong màu áo của đội bóng Nhật, thậm chí chưa từng được lọt vào danh sách đăng ký ở J1 League. Nếu như là một trong những lần xuất ngoại trước, ắt hẳn người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ xôn xao, thậm chí là phẫn nộ. Song lần này, có vẻ như mọi chuyện cũng "bình thường thôi".
V League vẫn là chân ái?
Mùa giải này, V.League đang đón một "luồng gió mới" đến từ tân binh CLB Công an Hà Nội, với hàng loạt các hảo thủ, hứa hẹn là ứng cử viên nặng ký cạnh tranh chức vô địch cùng CLB Hà Nội. Đáng nói là thành tích hiện tại của đội bóng này đang không tương xứng với sự đầu tư và kỳ vọng.
Sau 4 trận đầu mùa, CLB của những Văn Hậu, Văn Thanh, Phan Văn Đức, Tô Văn Vũ, Bùi Tiến Dũng... đang xếp ở nửa dưới bảng xếp hạng, với chỉ vỏn vẹn 4 điểm. Sau trận thắng tưng bừng 5-0 ngày khai màn, đội bóng này để thua liền hai trận trước CLB Hà Nội và Viettel. Sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện đang là nhu cầu bức thiết nhất của CLB Công an Hà Nội, tiếp đến là công cuộc "tiếp máu" về nhân sự, bao gồm cả chuyên môn và danh tiếng.
Trên băng ghế huấn luyện, trước ngày V.League tái khởi động, giới truyền thông rộ tin bộ đôi từng đem về rất nhiều kỳ tích cho bóng đá Việt Nam - Park Hang-seo và Lee Young-jin đã ở rất gần CLB Công an Hà Nội. Điều này hoàn toàn phù hợp với tham vọng của đội bóng tân binh này, cũng như với HLV Park Hang-seo khi ông thầy người Hàn Quốc luôn muốn làm việc với các cầu thủ quen thuộc và xuất sắc của mình.
Xét về mặt danh tiếng, dù là Văn Hậu, Văn Thanh hay Phan Văn Đức, không cầu thủ nào đang khoác áo CLB Công an Hà Nội lại có được sức ảnh hưởng lớn như Công Phượng. Việc tiền đạo này nhận lời trở về V.League thi đấu trong màu áo Công an Hà Nội, dưới trướng của ông thầy cũ Park Hang-seo sẽ là "cú nổ" cực mạnh, tạo nên cú hích thương hiệu và chuyên môn chưa từng thấy cho đội bóng tân binh này.
Mùa giải năm nay, hầu hết những tên tuổi lớn của lứa U19 lẫy lừng HAGL chục năm về trước đều dứt áo ra đi khỏi đội bóng phố Núi. Trừ Xuân Trường đang chấn thương chưa thể hiện gì được nhiều, những Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Toàn đều đang nhận được sự trọng dụng từ đội bóng mới, và phần nào phát huy được đẳng cấp của mình.
Trở về V.League trong màu áo mới, Công Phượng sẽ phải đi một con đường vòng khá dài ở tuổi 28 để "về đích". Song có lẽ cả con đường "vòng quai thúng" ấy, lẫn "kỳ nghỉ bất đắc dĩ" trên đất Nhật Bản đều có lý do của nó cả, và bản thân "con cưng bầu Đức" là người hiểu rõ nhất mình cần gì.