Trên bàn cờ vua, mã là quân độc đáo nhất. Nó là quân duy nhất có thể nhảy vượt hàng rào để di chuyển, tấn công. Những nước đi của quân mã luôn tiềm ẩn sự bất ngờ và có thể đẩy đối phương vào thế khó.
Nhưng mã cũng là quân cờ rất khó sử dụng, cần nhiều sự tính toán. Không ít người chơi cờ thích nước đi chéo của quân tượng hay các đường dọc ngang của quân xe hơn.
Trong ĐT Việt Nam, Công Phượng chẳng khác nào một quân mã. Tiền đạo xứ Nghệ sở hữu kỹ thuật, tốc độ đáng nể. Song để phát huy hết khả năng của anh là cả một vấn đề. Và làm thế nào để Phượng trở thành mắt xích ăn khớp trong đội hình lại là vấn đề khác.
HLV Miura thành công với Công Phượng ở đội U23, nhưng chưa có nhiều cơ hội sử dụng anh trên ĐTQG. HLV Hữu Thắng giúp những Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn tỏa sáng. Đáng tiếc, trong thời gian làm việc của mình, nhà cầm quân này chưa biến Công Phượng thành một vũ khí sắc bén.
Phong độ Công Phượng không ổn định dưới thời HLV Hữu Thắng.
HLV Park Hang-seo lên nắm quyền mang theo triết lý đề cao tập thể. Mọi cá nhân dù xuất sắc đến đâu phải phục cho lợi ích toàn đội. Đó cũng là thời điểm Công Phượng bắt đầu phát huy những điểm đặc biệt nhất của một "quân mã".
Hoạt động rộng, thoắt ẩn thoắt hiện, đóng vai trò "chim mồi" tạo khoảng trống cho đồng đội, VCK U23 châu Á chứng kiến một Công Phượng gạt bỏ thói quen chơi cá nhân để hi sinh vì toàn đội.
Thậm chí, tiền đạo xứ Nghệ còn yêu cầu tiêm thuốc giảm đau để thi đấu trận chung kết, bất chấp chấn thương hành hạ.
Đến Asiad và AFF Cup, số lần đá chính của Công Phượng giảm đi. Đặc biệt khi AFF Cup bước vào vòng knock-out, tiền đạo xứ Nghệ chỉ vào sân từ băng ghế dự bị.
Nhưng Phượng vẫn kịp ghi được 3 bàn thắng, chỉ kém 1 bàn so với chân sút hàng đầu của ĐT Việt Nam là Nguyễn Anh Đức. Đó là còn chưa kể hàng loạt tình huống xử lý biến hóa, lắt léo làm đối thủ phải vất vả.
Công Phượng chơi đồng đội hơi hẳn dưới thời HLV Park Hang-seo.
Trong thế "cờ tàn", Công Phượng cùng Văn Toàn là 2 phương án ưa thích của HLV Park Hang-seo. Đợi cho đối thủ mệt mỏi, xuống thể lực và tinh thần, chiến lược gia 59 tuổi sẽ chỉ đạo học trò tăng tốc bất ngờ để ra đòn quyết định.
Bahrain, Syria ở Asiad, Philippines ở AFF Cup là những "nạn nhân" của Phượng và Toàn. Nếu trọng tài không phất cờ việt vị, Văn Toàn có lẽ đã được điền thêm Myanmar vào danh sách.
Trận đấu với Triều Tiên vừa qua là một ý tưởng khác của HLV Park Hang-seo về Công Phượng. Tiền đạo xứ Nghệ gần như không đi bóng nữa. Anh thường cố tung ra những đường chuyền một chạm thật nhanh. Và một trong số đó tạo ra bàn thắng của Tiến Linh.
Công Phượng đang có trạng thái tốt trước Asian Cup.
Asian Cup 2019 sắp tới là thử thách lớn nhất mà Công Phượng đương đầu từ trước tới nay. Ở đó có những hậu vệ, tiền vệ đẳng cấp châu lục và từng tỏa sáng tại World Cup.
Tuy nhiên, Phượng cũng không hề ngán ngại những giải đấu châu Á. Anh từng ghi bàn ở cả 2 giải U23 châu Á 2016, 2018 lẫn Asiad. Ngoài ra, Phượng cũng là người duy nhất chọc thủng lưới U23 Hàn Quốc tại vòng loại U23 châu Á 2018.
Với những chiến lược độc đáo mà HLV Park Hang-seo đề ra, Công Phượng sẽ để lại những dấu ấn đặc biệt tại Asian Cup 2019 và cùng ĐT Việt Nam tạo nên thêm một kỳ tích.
Giao hữu: Việt Nam 1-1 CHDCND Triều Tiên