Công Phượng là một ngôi sao
Không có một định nghĩa rõ ràng cho một ngôi sao trong bóng đá. Đó có thể là những người đạt tới đỉnh cao, giành vô số danh hiệu, phá liên tiếp các kỷ lục như Ronaldo, Messi.
Đó cũng có thể là những thủ lĩnh nghìn người có một kiểu Maldini, Terry hay Cantona hay các cầu thủ tạo nên cảm hứng cho CĐV như Ibrahimovic, Neymar. Hoặc đơn giản hơn, những cá nhân mang tính cách đặc biệt, không lẫn vào đâu cũng được gọi là ngôi sao, như Balotelli, Pepe.
Gọi Công Phượng bằng ngôi sao thực ra chẳng hề sai. Có ý kiến cho rằng, tiền đạo xứ Nghệ còn quá trẻ, chưa đạt thành tích gì đặc biệt và đổ lỗi cho các fan làm anh nhiễm bệnh "sao".
Công Phượng đã làm được nhiều điều đặc biệt trong màu áo U19 Việt Nam.
Nhưng nguyên nhân có vẻ bắt nguồn từ chính Phượng chứ chẳng phải người nào khác. Ai bảo anh, giữa thời điểm bóng đá nước nhà tuyệt vọng, ghi hàng tá bàn thắng, tạo nên hiện tượng U19 Việt Nam? Ai bảo anh solo qua một rừng cầu thủ để lập siêu phẩm? Ai bảo anh đá penalty theo kiểu panenka, cực khó và cực mạo hiểm?
Xét về mặt truyền cảm hứng, Công Phượng là một ngôi sao rõ ràng. 2 năm trước, khi anh và U19 Việt Nam đá giải U19 Đông Nam Á tại Mỹ Đình, cơn sốt vé lên đến đỉnh điểm.
Siêu phẩm của Công Phượng vào lưới U19 Australia
Lúc ấy, Ronaldo, Messi hay Man United đều bị đẩy xuống "hạng hai" trong mức độ quan tâm của người hâm mộ xứ sở hình chữ S. Ngay cả bây giờ, vừa trải qua một năm không thể tệ hơn, Phượng vẫn là ngôi sao, nhận được sự quan tâm to lớn.
Khi đã trở thành ngôi sao, rất khó để "hạ đài". Một cầu thủ thường chỉ kém "hot" khi anh ta chơi đuối dần theo thời gian và "chìm nghỉm", như cái cách Rooney từ tay săn bàn hàng đầu chuyển lên ghế dự bị Man United.
Công Phượng chắc chắn không muốn sự nghiệp sớm đi theo đồ thị hướng xuống như thế. Anh sẽ phải phấn đấu để lấy lại hình ảnh và ngày càng tiến bộ hơn. Song song với điều đó, Phượng đương nhiên không tránh khỏi việc nằm trong "tầm ngắm" của dư luận.
Phượng sẽ phải làm gì?
Cách đây ít ngày, Công Phượng đá penalty kiểu panenka trong trận gặp U21 Yokohama FC. Bóng không vào lưới, tiền đạo xứ Nghệ sau đó phải nhận vô vàn "gạch đá" vì sút hỏng. Không người chỉ trích rằng Phượng thi đấu vô trách nhiệm và quá tự tin vào tài năng của mình.
Nhưng hãy lật lại một chút. Nếu tiền đạo xứ Nghệ sút thành công, liệu rằng anh sẽ được "tung lên mây" với hàng loạt mỹ từ? Có thể lắm chứ. Panenka cũng chỉ là một phương án thực hiện penalty bình thường. Trong một ngày vừa bị thủ môn U21 Yokohama FC "bắt vở", lại vừa đá không chuẩn, Phượng đã thất bại.
Công Phượng sút trượt panenka
Đừng nói đến chuyện ở thời điểm căng thẳng thì không được dùng panenka. Zidane đá panenka tung lưới Buffon ở chung kết World Cup 2006. Pirlo dùng panenka đánh bại Joe Hart tại Euro 2012. Nếu năm đó Zidane tung cú sút căng hay Pirlo đệm lòng về một góc, chắc gì họ đã thành công.
Chỉ một câu chuyện về cú đá penalty thôi, cũng đã cảm thấy con đường đi của Công Phượng chông gai thế nào rồi. Với các cầu thủ trẻ, "ngôi sao" là từ đem tới cho họ gánh nặng đôi khi rất lớn. Nhưng như đã nói, Công Phượng "chạy trời không khỏi nắng". Cách duy nhất bây giờ để anh vượt qua áp lực chính là đối mặt với nó.
Ở một khía cạnh nào đó, cú panenka kia chính là nỗ lực vượt qua giông bão của Phượng. Tiếc rằng, nó đã không thành công và phản tác dụng.
Bình tĩnh trước mọi lời khen chê và cầu thị, tự hoàn thiện bản thân là những gì các chuyên gia và người hâm mộ khuyên Phượng. Bản thân tiền đạo xứ Nghệ cũng hiểu điều đó. Chỉ là khi thực hiện không đơn giản như lý thuyết.
Công Phượng sẽ sớm đứng dậy sau thất bại?
Trong phần mới nhất của phim "Chiến tranh giữa các vì sao", nhân vật chính nói với đồng đội: "Chúng ta sẽ cố chắt chiu từng cơ hội một, cho đến khi thành công hoặc là bỏ lỡ hết sạch". Phượng bây giờ cũng thế, phải bước từng bước một. Tỏa sáng trở lại hay vụt mất mãi mãi như sao băng, tất cả tùy thuộc vào anh.