1. Trên một talkshow truyền hình, Công Vinh từng tâm sự: "Tôi nói một điều sự thật là ở châu Âu người ta rất kỳ thị người (cầu thủ) châu Á. Mình phải tự túc tất cả, kể cả việc tự nấu cơm ăn vì ở bên đó cầu thủ không sống tập trung, sau giờ tập và thi đấu thì ai về nhà nấy. Khi mình đến đội, không ai chào đón mình cả, trong suốt 2 tháng đầu ra sân tập, họ không chuyền bóng cho mình luôn nên chỉ toàn chạy không mà thôi".
Nên nhớ, ngày ấy Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở một trong những giải đấu mạnh ở châu Âu, và sự kiện này không chỉ đình đám với bóng đá Việt Nam, mà còn thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ từ truyền thống quốc tế.
Trước giờ xuất ngoại sang châu Âu theo gót Công Vinh ngày nào, Công Phượng phát biểu cực kỳ tự tin: "Tôi muốn trở thành hình mẫu cho các cầu thủ Việt Nam có mơ ước được sang châu Âu chơi bóng". Đấy cũng là khát vọng của bầu Đức từ hơn 10 năm trước, khi xây dựng học viện HAGL Arsenal JMG. Nhưng với những gì Công Vinh từng phát biểu, liệu còn đường ấy có khi nào lại lắm chông gai hơn cả con đường trên đất Hàn, với cái tên Incheon United?
Thứ nhất, những ngày tháng gian khổ, đầy tuyệt vọng của Công Vinh trên đất Bồ Đào Nha đã nằm lại ở 10 năm về trước. Mười năm vật đổi sao dời, vị thế và tiếng tăm của bóng đá Việt Nam giờ đây đã khác, với sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo, với những kỳ tích ở tầm châu Á. Và ở phía bên kia, cầu thủ châu Á đã "phủ sóng" khá dầy ở trời Âu. Sự phân biệt, kỳ thị chắc hẳn cũng không còn như một thập kỷ trước nữa rồi.
Thứ hai, khi Sơn Tùng MTP đã có thể tự tin "thuê" cả rapper đình đám người Mỹ Snoop Dogg, cùng mỹ nhân Madison Beer - bồ cũ của con trai cả David Beckham, góp mặt trong MV mới nhất mang tên "Hãy trao cho anh" của mình, thì thế giới đã thực sự "phẳng" hơn nhiều so với 10 năm về trước, và điều đó cũng minh chứng rằng nếu thực sự có tài năng, thì mọi giới hạn, khoảng cách đều có thể được san phẳng.
2. Công Phượng có tài năng không? Dĩ nhiên là có. Nhưng để đạt đến tầm "triệu đô" như bầu Đức từng kỳ vọng lứa cầu thử U19 của mình ngày nào sẽ được bán sang châu Âu với mức giá ấy, cũng như cái giá 3 triệu USD mà bầu Đức từng tâm sự rằng nghe cấp dưới của mình báo cáo có CLB muốn mua Công Phượng, e rằng phải còn lâu lắm mới có thể đạt đến.
Hiện tại, Transfermarkt định giá ngôi sao từng đình đám nhất của bóng đá Việt Nam với mức giá cực kỳ khiêm tốn: 150.000 euro. Đấy là mức giá thấp đến độ vô lý, nhưng nó cũng phải ánh phần nào giá trị thực sự của chân sút xứ Nghệ, với những gì đóng góp ở HAGL, Incheon United, cũng như trong ĐTQG Việt Nam.
Vấn đề nghiêm trọng nhất buộc Công Phượng phải rời Incheon United chỉ sau có non nửa mùa bóng là gì? Phải chăng là sự "ghẻ lạnh" của các đồng đội trên cả sân đấu lẫn sân tập bởi sự bất đồng về mặt ngôn ngữ, cũng như trên sân đấu, các đồng đội quá kém cỏi nếu so với ngôi sao được mệnh danh là "Messi Việt Nam"?
Quả tình, Công Phượng giống Messi khủng khiếp. Giống từ hấp lực khủng khiếp với những người xung quanh cho đến lối chơi đặt tất cả xung quanh mình, thậm chí là sự kỳ vọng lớn lao khi chơi cho đội tuyển quốc gia, nhưng rồi lại vướng vào câu hỏi khó, rằng có anh hay không có anh thì tốt hơn cho tập thể?
Messi thành công rực rỡ cùng Barcelona, Công Phượng ở HAGL cũng có xung quanh mình một tập thể với lối chơi không khác mấy so với Barcelona của Messi. Chỉ có điều, HAGL không có được sự đồng bộ của một "cỗ máy hủy diệt" như Barca, và "Messi Việt Nam" không có được sự xuất sắc đẫm chất thiên tài của Messi "xịn". Nhưng cũng nên nhớ, ở những khoảnh khắc quyết định trên đấu trường Champions League, Messi cũng không thể làm được điều mà Ronaldo rất giỏi.
Messi không thể đưa Argentina thêm một lần "lên đỉnh", sau chiếc cúp vàng cuối cùng mà Maradona đem về cho nền bóng đá không thiếu nhân tài này, trong khi đó, ngoài 3 chiếc cúp vô địch Champions League liên tiếp đoạt được cùng Real Madrid, Ronaldo cũng kịp đem về cho Bồ Đào Nha hai chức vô địch châu Âu - EURO 2016 và UEFA Nations League 2018/19.
Bởi nếu như Messi có được hấp lực khủng khiếp khiến tất cả xoay quanh anh, thì Ronaldo lại là một người đồng đội tuyệt vời, chưa bao giờ người ta thấy Ronaldo thôi nỗ lực để đem về kết quả tốt nhất cho đội bóng của mình, anh sẵn sàng từ bỏ lối chơi rê dắt, nặng tính biểu diễn để tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất: ghi bàn, anh di chuyển liên tục, có mặt trong mọi pha bóng và thậm chí còn lui về phòng ngự dưới thời của Zidane.
Dẫu không có mặt trên sân, nhưng thứ tinh thần mà CR7 truyền cho các đồng đội từ ngoài sân là sức mạnh giúp đội bóng của anh "lên đỉnh" thành công. Trận chung kết EURO 2016 là minh chứng rõ ràng nhất.
Công Phượng giống Messi đến kỳ lạ, dù rằng "Messi Việt Nam" muốn mình trở thành một "Neymar châu Á" hơn. Từ sự ích kỷ trên sân cỏ, cho đến sự nhợt nhạt về mặt tinh thần, sự ảnh hưởng tiêu cực đến những đồng đội xung quanh.
Một năm sắp tới của Công Phượng ở châu Âu sẽ là thách thức lớn nhất sự nghiệp với chân sút này, và ở đó, nếu không vứt bỏ được cái tôi to đến vĩ đại như của Messi, để thực sự hòa đồng, gắn kết với tập thể xung quanh mình, thì dù cho bầu Đức có dặn dò bao nhiêu, CLB mới có ưu ái bao nhiêu, thì một kết cục buồn sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Phải mạnh mẽ lên như Ronaldo thôi Công Phượng ạ. Phải trải qua những ngày tháng cô đơn đến tận cùng như CR7 ngày ở Sporting Lisbon, ở Manchester United, để rồi hoàn thiện bản thân bằng ý chí sắt đá, thay vì cứ bám mãi vào vầng hào quang đã cũ, thì mới thành công được.
Và ở Việt Nam, chắc hẳn HLV Park Hang-seo sẽ phấp phỏm chờ được thấy một Công Phượng khác, với ý chí mạnh mẽ hơn nhiều so với những tháng ngày qua, và thấu hiểu được tinh thần đồng đội. Chẳng phải hai điều đấy là thứ quan trọng trọng để ông thầy người Hàn cùng bóng đá Việt Nam suốt gần 2 năm qua lập nên những kỳ tích lẫy lừng đó sao?
Đến lúc buông cái mác "Messi Việt Nam" xuống rồi, Công Phượng ạ!