Tận dụng thời gian giải VĐQG Nhật Bản tạm nghỉ, Yokohama FC đã tổ chức trận đấu tập với CLB Đại học Juntendo. Đây là trận đấu mà Công Phượng góp mặt trong trọn vẹn 90 phút nhưng hầu như không để lại dấu ấn nào.
Ban đầu, tiền đạo xứ Nghệ được chơi ở vị trí hộ công sở trường nhưng gặp khó khăn trước các cầu thủ phòng ngự vượt trội về mặt thể hình. Sang hiệp hai, trợ lý Keiji Kuraishi – người tạm thời dẫn dắt Yokohama FC trong trận đấu tập – thậm chí còn kéo Công Phượng về đá tiền vệ phòng ngự.
Kết quả cuối cùng, Yokohama FC để thua 0-2 trước Đại học Juntendo. Đây là tỉ số thực sự gây thất vọng đối với một đội bóng đang chơi tại J.League 1. Kèm theo đó, nhóm cầu thủ được thi đấu cũng bỏ lỡ cơ hội thể hiện với ban huấn luyện.
Công Phượng vẫn chưa ra sân phút nào tại J.League 1 mùa giải 2023.
Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện "Công Phượng bất lực trước cầu thủ sinh viên Nhật" này là một sự khác biệt rất lớn giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, nhiều trường đại học có cơ sở vật chất và đào tạo về thể thao không hề thua kém đội trẻ của các CLB chuyên nghiệp. Điều đó dẫn tới việc có những đội bóng trường đại học sở hữu hàng loạt tuyển thủ trẻ.
Đại học Juntendo cũng là một cái tên có tiếng tăm nhất định trong làng bóng đá Nhật Bản. Họ đã nhiều lần góp mặt ở Cúp Hoàng đế Nhật và từng đánh bại những CLB chuyên nghiệp như FC Tokyo hay Vegalta Sendai.
Ông Masatada Ishii – HLV từng vào đến chung kết FIFA Club World Cup – là một cựu sinh viên của Juntendo. Một cựu sinh viên khác là Reo Hatate đang khoác áo CLB Celtic tại Scotland.
Theo Transfermarkt, đội hình Đại học Juntendo hiện tại có tới 7 cầu thủ từng thi đấu ở đội U18 của các CLB J.League 1. Họ không đơn giản là một CLB bóng đá phong trào mà là nơi quy tụ của nhiều tài năng trẻ được đào tạo bài bản.
Chuyện hiểu nhầm về bóng đá đại học Nhật Bản còn lan sang cả Premier League khi Kaoru Mitoma toả sáng trong màu áo Brighton. Nhiều CĐV nước Anh tỏ ra ngạc nhiên khi biết Mitoma từng rời đội trẻ CLB Kawasaki Frontale để vào Đại học Tsukuba.
Mitoma từng khoác áo CLB Đại học Tsukuba.
Nhưng với bóng đá Nhật Bản, đây không phải là điều quá lạ lẫm. Bởi các CLB đại học hoàn toàn đủ sức trở thành bệ phóng cho các ngôi sao tương lai.
Năm 2021, khi đối đầu với tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022, hàng thủ tuyển Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trước Junya Ito – chân sút vừa nhanh nhẹn lại vừa khéo léo.
Junya Ito dành tới 4 năm ở Đại học Kanagawa và phải đến năm 22 tuổi mới gia nhập một đội bóng chuyên nghiệp. Nhưng chỉ vài năm sau anh đã trở thành trụ cột đội tuyển Nhật Bản và chuyển sang châu Âu thi đấu.
Trở lại với Công Phượng, những trận đấu với các đội bóng sinh viên không hề là cuộc dạo chơi mà là những thử thách thực sự. Tiền đạo xứ Nghệ chưa thể làm tốt ở các bài test đầu tiên, nhưng chỉ cần còn được ra sân, cánh cửa vẫn chưa đóng lại.
Mùa giải vẫn còn rất dài, hi vọng Công Phượng sẽ từng bước thích nghi với Yokohama FC và được tận hưởng bầu không khí ở hạng đấu cao nhất Nhật Bản.