Tập huấn kỹ thuật lấy mẫu. Ảnh: WWF-Việt Nam
Đắk Lắk là nơi đầu tiên thực hiện công việc thu thập mẫu phân voi tại Việt Nam. Có cơ hội theo chân các chuyên gia thu thập mẫu phân voi, chúng tôi mới thấu hiểu được sự công phu của công việc này.
Anh Lê Quốc Thiện, đại diện của tổ chức WWF-Việt Nam tại Đắk Lắk cho biết: Từ đầu tháng 1 dương lịch, WWF cùng các thành viên Trung tâm Bảo tồn Voi và cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Don chia thành 6 nhóm (2 người/nhóm) vào rừng thu thập mẫu phân voi.
Vị trí thu thập mẫu phân tập trung chủ yếu ở khu vực rừng thuộc quản lý của Vườn Quốc gia Yok Don rộng hơn 115 nghìn hecta.
Chuẩn bị dụng cụ đi lấy phân voi. Ảnh: WWF-Việt Nam
Để thuận tiện cho công việc thu thập, trước đó, chúng tôi đã khoanh vùng được 29 điểm lấy cố định dựa trên những cơ sở dữ liệu trước đó về khả năng voi xuất hiện như: Nằm trong hành lang di chuyển của voi, khu vực rừng thường xanh hoặc nơi có nguồn nước.
Mỗi điểm lấy rộng từ 5 đến 8 hecta và nhóm đi thu thập phải đi vào điểm lấy 6 lần, thời gian quay lại lấy cách nhau từ 10 -14 ngày. Trước khi tham gia lấy mẫu, các thành viên trong nhóm đã được tập huấn về kiến thức, quy trình lấy và cách bảo quản mẫu phân voi theo quy định.
Đánh dấu vị trí tìm thấy mẫu phân voi trên bản đồ.
Trong quá trình lấy, các thành viên phải đeo găng tay, khẩu trang, dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy, mỗi mẫu phải được ghi mã, thời gian lấy, đặc điểm, vị trí lấy... để phục vụ nghiên cứu; khi lấy xong phải tiêu hủy hết đống phân để tránh trùng lặp vào đợt sau.
Thời gian để thu thập mỗi mẫu phân mất khoảng 30 phút. Mẫu phân voi sau khi lấy được bảo quản đông trước khi vận chuyển đến phòng thí nghiệm ở Đại học quốc gia Hà Nội để phân tích ADN.
Trang bị khẩu trang, găng tay... trước khi lấy mẫu phân.
Hoạt động này nằm trong Dự án “Nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk” do WWF-Việt Nam thực hiện cùng Trung tâm Bảo tồn Voi trong hai năm 2019-2020, với sự tài trợ của Tổng Cục Động vật Hoang dã và Nghề Cá Hoa Kỳ (USFWS).
Mục tiêu của dự án là thiết lập cơ sở dữ liệu về quần thể, số cá thể của mỗi quần thể và phạm vi di chuyển của voi hoang dã, đồng thời giảm thiểu xung đột giữa voi với các cộng đồng dân cư địa phương.
Đo đường kính 3 cục phân voi to nhất phục vụ xác định độ tuổi của voi.
Quần thể voi hoang dã ở Đắk Lắk có cấu trúc đầy đủ voi đực, voi cái, voi trưởng thành và voi con. Tuy nhiên từ trước đến nay việc xác định chính xác số lượng voi hoang dã, hành lang di chuyển của voi... đều mang tính dự đoán chứ chưa có bằng chứng khoa học.
Câu trả lời chính xác số lượng voi hoang dã phải chờ vào việc phân tích cấu trúc ADN thông qua việc thu thập mẫu phân voi. Dự tính cuối tháng 7/2020, WWF-Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Voi và Vườn quốc gia Yok Don sẽ hoàn thành quá trình nghiên cứu để giải đáp những ẩn số về voi hoang dã tại Đắk Lắk.
Các chuyên gia tra bản đồ, máy định vị GPS để đi đúng vị trí voi xuất hiện.