Theo ghi nhận của PV Lao Động ngày 8.7, từ sáng sớm, hơn 20 công nhân của Công ty Thoát nước Hà Nội đã có mặt dưới chân cầu vượt Trần Duy Hưng – Láng (Quận Đống Đa, Hà Nội) để nạo vét bùn đất dưới lòng sông ô nhiễm.
“Việc nạo vét bùn được bắt đầu từ đầu tháng 7/2019 và sẽ tiến hành trong 1 tháng. Những công nhân sẽ nạo vét bùn đất theo từng đoạn chứ không kéo dài liên tục dọc sông Tô Lịch”, ông Tư Thứ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), công nhân nạo vét dòng sông thông tin.
Công nhân phải sử dụng găng tay, khẩu trang, quần áo lội nước để tránh tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn. Họ còn đội nón và mang thêm khăn ướt để làm mát cơ thể dưới ánh nắng chói chang của mùa hè.
Bên cạnh bùn, nước bẩn thì khu vực này còn xuất hiện rất nhiều rác thải.
Ông Vũ Văn Thông (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Mùi bùn đất ở đây kinh lắm, không quen có khi chóng mặt buồn nôn mấy ngày. Nếu để bùn đất ở đây bắn vào mắt thì mắt sẽ dễ bị ngứa đỏ, rất nguy hiểm”.
Những người đàn ông trong đoàn sẽ tiến hành múc bùn và rác thải ở dưới lòng sông đổ vào thuyền. Sau đó, từng xô bùn sẽ được chuyền tay qua những nữ công nhân để đưa lên bờ mang đi nơi khác xử lý.
Bùn đất đen kịt bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Ngoài bùn, các công nhân ở đây còn múc được các vật dụng khác như bát hương, quần áo, túi nilong, rác thải sinh hoạt... được vứt xuống sông nhiều năm.
Bùn được tích trữ vào thùng và chờ xe đến vận chuyển tới điểm tập kết. “Mỗi ngày, xe bồn sẽ chở khoảng 3- 4 lượt bùn tới địa điểm xử lý bùn tại Yên Sở”, anh Nguyễn Huy (huyện Quốc Oai, Hà Nội), nhân viên lái xe bồn cho biết.
Phải làm việc trong nhiều giờ liên tục dưới cái nóng gay gắt nên trên khuôn mặt của những công nhân ướt đẫm mồ hôi. “Chúng tôi làm việc từ 7h30 – 16h mỗi ngày và sẽ nghỉ giải lao khoảng 15 – 20 phút”, anh Phạm Văn Thìn (Quận Long Biên, Hà Nội) cho hay.
Một vài người khác trong đội vẫn tiếp tục đào đất, đổ vào bao để làm bậc thang cho các công nhân chuyển bùn lên bờ vào buổi chiều.
Trước đó, ngày 16.5.2019, sông Tô Lịch đã được thí điểm dự án làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano-Bioreactor). Sau 3 tuần triển khai, báo cáo của đơn vị thực hiện cho hay, lượng bùn và mùi hôi tại sông Tô Lịch đã được cải thiện.