Những chiếc bình chứa rồng
Chiều ngày 5 tháng 10 năm 1970, các công nhân đang thi công trên công trường xây dựng của thôn Hà Gia nằm ở ngoại ô phía nam của Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc bất ngờ gặp chuyện kỳ lạ. Xẻng của một trong số các công nhân bị va vào một vật cứng khi đang đào đất.
Một trong hai chiếc bình bạc mà người công nhân đào được ở Hà Gia thôn. (Ảnh: Sohu)
Mọi người vội xúm lại bới đất xung quanh thì phát hiện ra bên dưới có 2 chiếc bình. Những chiếc bình này không phải làm bằng gốm mà chúng là bình bạc, trong đó một cái còn được mạ vàng trên bề mặt. Hình dáng của chúng rất độc đáo.
Khi mở 2 chiếc bình, mọi người đều sửng sốt, bên trong chứa đầy những chiếc chén bằng vàng, bạc. Chợt ai đó hét lên: "Bên trong có rồng!". Quả thực, trong chiếc bình bạc mạ vàng có chứa tới 12 con rồng vàng.
Chiếc bình bạc mạ vàng có chứa 12 con rồng bằng vàng. (Ảnh: Sohu)
Những con rồng này được làm bằng vàng ròng. Chúng đều được thiết kế rất tinh xảo với thân hình mảnh khảnh, cổ dài, miệng rộng. Phần sừng và đuôi của những con rồng được uốn cong. Thân của chúng được chạm khắc như thể khắp cơ thể được bao bọc bằng vảy.
Người quản lý công trường đã báo với trưởng thôn Hà Gia. Sau đó, vị trưởng thôn đã liên hệ với cơ quan chức năng của địa phương để báo cáo tình hình. Ngay ngày hôm sau, một nhóm các nhà khảo cổ được cử tới, họ yêu cầu phong tỏa khu vực tìm thấy những món cổ vật.
Các nhà khảo cổ cho rằng bên dưới khu vực đào được 2 chiếc bình là một ngôi mộ cổ. Sau đó, họ phát hiện ra đó là một căn hầm thời nhà Đường. Nhóm khảo cổ bắt tay vào việc khai quật nhanh chóng.
Những con rồng bằng vàng ròng và được thiết kế rất tinh xảo. (Ảnh: Sohu)
Theo thống kê của họ, hơn 1.000 di vật văn hóa đã được tìm thấy ở trong căn hầm. Các nhà khảo cổ đã khai quật được 271 bình vàng và bạc, 8 vòng cổ bạc, 22 miếng bạc, 60 đĩa bạc, 466 đồng xu vàng, bạc và đồng. Ngoài ra, họ còn tìm thấy 3 món đồ bằng mã não, 1 món đồ pha lê, 10 chiếc thắt lưng ngọc bích, 1 đôi nhẫn ngọc bích và 13 món đồ trang sức bằng vàng và đá quý…
Các chuyên gia đánh giá rất cao về kỹ thuật của các nghệ nhân đã chế tác ra những món đồ này. Từ độ tinh xảo, sắc nét của các đồ, các chuyên gia cho biết họ rất khâm phục trí tuệ của những người thợ thủ công thời Đường. Nhờ có những di vật văn hóa này, các chuyên gia cũng có thêm góc nhìn về cuộc sống thịnh vượng của những con người thuộc thời nhà Đường,
Cuối cùng, ba trong số các di vật được công nhận là bảo vật quốc gia và được đề nghị cấm xuất cảnh trưng bày, triển lãm. Hàng chục di vật khác cũng được xác nhận là di vật văn hóa hạng nhất cấp quốc gia.
Sau khi quy đổi, tổng trọng lượng của các món đồ bằng vàng được tìm thấy lên tới 298 lạng, còn tổng trọng lượng các món đồ bằng bạc là hơn 3.700 lạng. Giá trị của những món cổ vật quý giá này là rất lớn, tạm thời các chuyên gia chưa thể ước tính được.
Những con rồng vàng này được người xưa dùng trong các buổi tế lễ. (Ảnh: Sohu)
Trong số các món di vật văn hóa, nguồn gốc của 12 con rồng vàng là vấn đề khiến các nhà khảo cổ đau đầu nhất. Ban đầu, họ cho rằng những con rồng này là vật trang trí của những người có xuất thân hoàng tộc. Thế nhưng, thực tế không phải như vậy.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện ra rằng, những con rồng vàng này là một pháp khí được dùng trong các buổi tế lễ. Theo cuốn "Cựu Đường thư", thời nhà Đường, người xưa dùng những con rồng vàng này để cúng tế ba vị thần trời, đất và nước. Họ thường chôn những con rồng vàng và những miếng ngọc xuống đất. Mục đích của việc này là để cầu xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an.
Không rõ vì lý do gì, những món di vật văn hóa tìm thấy ở thôn Hà Gia mãi sau hơn 30 năm, cụ thể là năm 2004, chúng mới chính thức được trưng bày công khai ở Bắc Kinh.