Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ miền Trung giới thiệu sản phẩm chế biến, chế tạo tới khách mời và đối tác bên lề hội nghị - Ảnh: TẤN LỰC
Theo ông Hải, Việt Nam xác định phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là trung tâm, chế tạo công nghệ thông minh là bước đột phá với mục tiêu đến năm 2030 tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất lắp ráp trong ngoài nước", ông Hải cho biết.
Đánh giá tình hình phát triển công nghiệp trong nước, ông Phạm Tuấn Anh - phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - nhìn nhận các ngành công nghiệp đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước; có tỉ lệ đóng góp lớn nhất với ngân sách và là ngành xuất khẩu chủ đạo; hình thành được một số tập đoàn tư nhân lớn và giải quyết nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Tuy nhiên, nội lực nền công nghiệp trong nước hiện còn yếu so với yêu cầu của một nước công nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn thấp, trình độ nhân lực, kỹ thuật sản xuất cũng tương tự. Chưa hình thành được chuỗi cung ứng trong nước và chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Nền công nghiệp phát triển không cân đối, phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Công nghiệp nặng - nền tảng các ngành công nghiệp - hiện chiếm tỉ trọng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc đầu vào từ bên ngoài, giá trị gia tăng thấp, dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài", ông Tuấn Anh thừa nhận.
Cũng tại hội nghị, đại diện một số địa phương có nền công nghiệp phát triển đã chia sẻ tình hình phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp như là trụ cột bền vững. Ông Bùi Quang Hải - giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng - cho biết những năm gần đây TP này có sự đột phá lớn về công nghiệp, là trụ cột phát triển kinh tế.
Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 90%. Việc tập trung phát triển công nghiệp đã thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn, lên tới hàng tỉ USD. Chỉ riêng Tập đoàn LG đã đầu tư vào đây trên 7 tỉ USD, VinFast hơn 3 tỉ USD. Trên địa bàn TP Hải Phòng đang có tới 419 dự án FDI với tổng vốn trên 24 tỉ USD. TP này cũng phát triển được mạng lưới 321 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
"Các địa phương và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ để dễ dàng kết nối, liên kết với các đối tác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Việt Nam", ông Bùi Quang Hải đề xuất.
Bắt tay nhau tiến ra thế giới
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn tại miền Trung đã bắt tay hợp tác cùng nhau để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Ông Đỗ Minh Tâm, tổng giám đốc THACO Industries - doanh nghiệp chuyên lĩnh vực cơ khí ô tô và công nghiệp phụ trợ của Tập đoàn Trường Hải, cho biết những năm qua đã hợp tác với Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) để cung cấp lốp phục vụ sản xuất xe tải, xe bus.
Đến nay, hai bên đang tích cực làm việc để cung cấp lốp phục vụ sản xuất sơ mi rơ mooc xuất khẩu sang Mỹ, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường này.
"Nếu thành công, sản lượng xuất khẩu hằng năm của DRC sẽ tăng thêm 160.000 lốp, khẳng định Việt Nam có thể tham gia các sản phẩm xuất khẩu bằng nội lực trong nước", ông Tâm khẳng định.
Theo ông Tâm, doanh nghiệp này đã hình thành chuỗi công nghiệp phụ trợ với 20 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển với hơn 400 kỹ sư cơ khí và công nghiệp phụ trợ. "Chiến lược của chúng tôi là tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tiếp tục nâng cao năng lực nội sinh và kết nối cộng đồng doanh nghiệp, trước mắt là các đối tác ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Với tốc độ tăng trưởng đơn hàng rất nhanh, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp địa phương, thắt chặt chuỗi cung ứng và liên kết vùng", ông Tâm khẳng định.