VAMA: Sản xuất ô tô trong nước khó tồn tại
Tại Hội thảo Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam sáng nay (12/10), đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, những khó khăn của công nghiệp ô tô Việt Nam do thị trường nhỏ, sản lượng nhỏ, khấu hao đầu tư thiết bị lớn, chi phí sản xuất cao hơn khu vực dẫn đến chi phí sản xuất linh kiện/ phụ tùng ở Việt Nam cao hơn so với Thái Lan
Bên cạnh đó, việc nội địa hoá cần phảm cắt giảm được chi phí nếu chi phí sản xuất 1 chi tiết ở Việt Nam thấp hơn việc nhập khẩu chi tiết ở nước ngoài bao gồm chi phí sản xuất, thuế nhập khẩu cộng với chi phí đóng gói vận chuyển tiến hành nội địa hoá ở Việt Nam. Nếu không sẽ bắt buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài, hiện tại phần lớn linh kiện ô tô phải nhập khẩu
Theo VAMA vì phải nhập khẩu phần lớn linh kiện phụ tùng nên nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải chịu thêm các chi phí như đóng gói, vận chuyển và thuế nhập khẩu. Tổng chi phí sản xuất cả chiếc xe ở Việt Nam sẽ cao hơn so với chi phí sản xuất xe ở Thái Lan hai Indonesia, công nghiệp phụ trợ cũng không thể phát triển được.
“Tóm lại, hiện tại chi phí sản xuất xe ô tô trong nước cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Từ năm 2018 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ về 0% tuy nhiên thuế linh kiện vẫn còn lớn hơn 0% nên ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ rất khó khăn để cạnh tranh và tồn tại”, VAMA cho hay.
Theo đó, VAMA kiến nghị, các chính sách thuế và chính sách liên quan đến ô tô cần ổn định và đồng bộ nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững.
Đặc biệt, trong ngắn hạn, VAMA kiến nghị giảm/bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập CKD từ năm 2018 cho tất cả các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hoá. Đồng thời, cần có ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn.
Thực tế, Bộ Tài chính mới đây trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ôtô về 0%, nhằm giúp các hãng sản xuất ôtô trong nước giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thời điểm 2018 thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về 0% đang tới gần, qua đó bảo hộ ngành sản xuất ôtô nội địa.
Những linh kiện được áp dụng mức thuế 0% phải thoả mãn điều kiện không sản xuất được ở Việt Nam. Phương án đầu tiên cho thấy mức giảm chi phí sẽ sâu hơn, có lợi hơn cho hãng sản xuất.
Tuy nhiên, điểm ràng buộc trong đề xuất là không phải hãng xe nào có xe lắp ráp cũng được hưởng ưu đãi, mà đòi hỏi phải đảm bảo đủ nhóm ba điều kiện khác gồm tỷ lệ tăng trưởng; sản lượng của hãng trong năm; sản lượng của mẫu xe đăng ký và tỷ lệ giá trị nội địa. Trong đó sản lượng chung tối thiểu phải từ 34.000 xe trở lên từ năm 2018.
Giảm thuế phải kèm theo điều kiện
Phản hồi về kiến nghị của VAMA, bà Nguyễn Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, vì sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nên thời gian qua Bộ Tài chính đã rất vất vả trong việc đưa ra giải pháp về chính sách thuế. “Chúng tôi đến đây muốn nghe xem có giải pháp gì mang tính đột phá, hữu ích giúp ngành ô tô nhưng chưa thấy giải pháp nào hữu ích cả", bà Hằng nói.
"Cá nhân tôi thấy mừng vì các doanh nghiệp sản xuất đang cho thấy một thông điệp rằng họ rất quyết tâm xây dựng một ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, tôi thấy thất vọng về cái giải pháp đưa ra của VAMA.
Tôi đồng tình khi VAMA nói về đặc điểm, khó khăn thách thức của ngành công nghiệp ô tô, kinh nghiệm chính sách phát triển. Điều này ai cũng nhận thức được. Nhưng cuối cùng giải pháp thì lại chỉ giảm thuế thôi", bà Hằng nói thêm.
Cũng theo bà Hằng VAMA nói yếu tố quyết định là dung lượng thị trường, ông ủng hộ quan điểm Chính phủ phải phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ nhưng ông lại đề nghị giảm thuế, không gắn với điều kiện sản lượng và nội địa hóa.
Tuy nhiên, giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Trên thực tế, một số doanh nghiệp FDI đã chuyển sang giảm các mẫu xe trong khi không tăng công suất.
Theo bà Hằng, trong 20 năm phát triển công nghiệp ô tô thì chính sách thuế bảo hộ cho rất cao, chính sách thuế với linh kiện luôn thấp hơn so với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên tới 70%.
"Nếu chúng tôi không có điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp nhập linh kiện lắp ráp các anh lại tháo rời chi tiết các linh kiện để nhập rời, hưởng thuế ưu đãi linh kiện. Thực tế, từ năm 2004 đến nay, tại sao nội địa hóa vẫn thấp? Vậy các doanh nghiệp có thực sự muốn nâng nội đại hóa hay không? Muốn làm công nghiệp hỗ trợ hay không?", lãnh đạo Bộ Tài chính đặt câu hỏi.
Theo bà Hằng, do thời điểm giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% sẽ có hiệu lực từ năm 2018 nên "đây là thời điểm phải làm cương quyết, việc giảm thuế linh kiện không còn thời gian chờ đợi ngành sản xuất ô tô”.
"Mục tiêu của chúng tôi là phải giảm thuế có điều kiện. Mong các doanh nghiệp ủng hộ, không nên thời điểm này còn đưa ra quan điểm khác hẳn như thế. Chính sách thuế là yếu tố để góp phần thúc đẩy sản xuất ngành nào đó.
Đến nay chính sách thuế với cả ngành ô tô đều đã có hết rồi, chúng ta nên tập trung giải pháp làm sao có được sự liên kết, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các ngành công nghiệp phụ trợ để cung cấp linh kiện cho chính bản thân các anh”, bà Hằng nhấn mạnh.