Công nghiệp 4.0: Lao động dệt may sẽ "ra đường"?

Phan Thu |

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra làn sóng lo lắng cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp dệt may Theo Tổ chức Lao động quốc tế, 86% lao động dệt may Việt Nam bị tác động nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ ra đường ngay lập tức.

Lo rơi vào "thảm cảnh"

Tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0: Những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam” sáng 18/8, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu như: Giảm chi phí giao dịch, quản lý, tăng khả năng tiếp cận thị trường, cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ hiện đại và quan trọng hơn là cơ hội để đổi mới, đột phá.

Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội này là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. Theo ông Lực, khoảng 10 năm nữa 60% giao dịch xuất nhập khẩu sẽ được số hoá song Việt Nam hiện mới đạt được 3-5%.

Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời của trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, di truyền… Khi công nghệ thông tin phát triển thì rủi ro công nghệ cho doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, thách thức về nguồn nhân lực cũng là một vấn đề khá đáng ngại đối với các doanh nghiệp bởi công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kỹ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ… ở mức độ cao hơn.

Những thách thức này có thể nhìn thấy rõ nhất đối với ngành dệt may, da giày- những ngành sử dụng nhiều lao động nhất.

Một doanh nghiệp dệt may đặt câu hỏi với các vị diễn giả tham gia hội thảo rằng, các vị mường tượng thách thức của công nghiệp 4.0 đối với ngành dệt may như thế nào?

“Tôi hình dung ngành dệt may Việt Nam sẽ biến mất trong 10 năm tới với “mỗi gia đình có máy in 3D”. Vậy cần có giải pháp gì để ngành dệt may không rơi vào "thảm cảnh" như taxi truyền thống với Uber, Grab hiện nay”, vị này chia sẻ.

Với câu hỏi này, ông Cấn Văn Lực cho hay, nhiều doanh nghiệp dệt may ông gặp cũng chia sẻ băn khoăn này. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, 86% lao động dệt may Việt Nam bị tác động nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ ra đường ngay lập tức.

“Có rất nhiều nguồn việc thay thế và giờ phải có thay đổi cơ cấu lao động dệt may hiện nay. Ví dụ, trong 5 khâu hiện nay thì Việt Nam chủ yếu gia công, còn khâu thiết kế, phân phối... chúng ta đã tham gia đầy đủ chưa? Hiện nay Việt Nam chủ yếu gia công, 3 khâu này không tham gia gì cả”, ông Lực phân tích.

Tính tới đào tạo nhân lực

Thừa nhận những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải song ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc 2 triệu lao động dệt may mất việc là “bi thảm”, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận thay đổi. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị để thay đổi.

Một vị chuyên gia dẫn chứng, Samsung hiện đã lắp khoảng 1.500 máy robot nhưng không hề giảm lao động, họ bố trí làm việc khác, tăng trưởng vẫn 15-20% và vẫn đảm bảo công việc cho người lao động.

“Việc liên quan tới đào tạo lại nhân lực doanh nghiệp phải tính ngay từ giờ, doanh nghiệp cũng cần phân tích, đánh giá để đưa ra chiến lược kinh doanh cho mình”, ông Lực nói.

Ông Đỗ Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Smartlines JSC - Vietnam IOT Alliance khuyến cáo doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và kế hoạch áp dụng công nghiệp 4.0 để giải quyết các bài toán kinh doanh, sản xuất của mình; chờ đợi công nghệ hoàn thiện là quá muộn để kịp thay đổi.

Tuy nhiên, để làm tốt điều này, doanh nghiệp nên tìm kiếm đối tác tin cậy cung cấp các giải pháp, công nghệ và tư vấn triển khai. Mặt khác, xây dựng tập hợp các nhà cung cấp công nghệ thứ ba, bởi công nghiệp 4.0 là sự chuyển dịch từ mô hình 1 nhà cung cấp sang mô hình nhiều nhà cung cấp, công nghệ tích hợp với nhau.

Từ đó, doanh nghiệp đầu tư thành lập 1 nhóm chuyên môn nghiên cứu các cải tiến và áp dụng công nghiệp 4.0 trên quy mô toàn doanh nghiệp, dựa trên một văn hóa mở với các thay đổi và thử nghiệm.

Cũng đồng tình quan điểm trên, ông Thiên cho rằng, mấu chốt là phải thay đổi, nghĩ khác về kinh doanh. Cùng với đó, chính sách cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tế chứ không phải “cơi nới”.

Ông Thiên đề nghị Bộ Công Thương cần có danh mục hàng hoá bị tác động bởi công nghệ 4.0 và đối thủ cạnh tranh xuất nhập khẩu họ tiếp cận 4.0 thế nào để có giải pháp ứng phó.

“Việt Nam lâu nay vẫn “đủng đỉnh” trong khi nhiều nước họ quyết đấu với cuộc cách mạng này. Đối thủ đang thắng chúng ta về năng suất, thị trường thì chúng ta sẽ tụt lại phía sau, như Trung Quốc chẳng hạn”, ông Thiên nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại