Các nhà khoa học mới đây đã tạo ra thành công một loại chất liệu mới có thể được dùng để sản xuất màn hình smartphone cong và sở hữu độ linh hoạt cao, cho phép hiển thị trơn tru hình ảnh ngay cả ở cạnh bên màn hình. Loại chất liệu này có trọng lượng nhẹ và siêu bền mang tên C-Axis Aligned Crystal (CAAC).
Hiện nay, loại vật liệu đặc biệt kể trên đã được một công ty Nhật Bản tận dụng trong một vài thiết bị mẫu với kết quả hiển thị khá khả quan.
Màn hình cấu thành từ chất liệu CAAC sẽ tận dụng được tối đa diện tích hiển thị cho người dùng.
Được biết, công nghệ CAAC này vừa mới được Phòng Thí nghiệm Năng lượng Bán dẫn SEL giới thiệu tại hội chợ thương mại điện tử FPD 2013 tại Nhật Bản. Với công nghệ này, triển vọng về những chiếc điện thoại có khả năng hiển thị hình ảnh “tràn” khắp các góc tròn cạnh màn hình đang đến gần hơn bao giờ hết. Theo SEL, hiện nay CAAC là công nghệ duy nhất trên thế giới có thể thực hiện điều này một cách hoàn thiện.
Chất liệu CAAC có độ dày nhỏ hơn 100 micron.
Các nhà khoa học cũng khẳng định việc hiển thị trên một màn hình cong CAAC không hề làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Bên cạnh màn hình cong, công ty hợp tác cùng phòng nghiên cứu SEL cũng đã phát triển được một loại pin lithium ion có thể bẻ cong. Với sự kết hợp này, các kĩ sư thuộc nhóm phát triển đang tràn đầy hy vọng về việc những gì họ đang thực hiện rất có thể sẽ là tương lai của thế hệ công nghệ mang mặc.
Loại pin “có thể bẻ cong” đã được thử nghiệm trên một thiết bị dưới dạng đồng hồ đeo tay và hiện nay nó có thể chịu được đến 10.000 lượt bẻ cong trước khi không còn khả năng sử dụng.
Ông Yoshitake Yamamoto đến từ SEL cũng cho biết thêm loại màn hình chế tạo từ CAAC có độ linh hoạt rất cao và có thể hiển thị hình ảnh với độ phân giải ấn tượng trên cả các màn hình lớn. Bên cạnh đó, loại màn hình này cũng siêu bền bởi các lớp tinh thể lỏng được xếp ngang hàng liên tục với nhau nên có thể giảm thiểu rủi ro rơi vỡ trong quá trình sử dụng.