Trải nghiệm LG Optimus G Pro chính hãng tại VN

LG Optimus G Pro thực sự có được những khác biệt đáng giá về thiết kế, cấu hình cùng rất nhiều những tính năng mạnh mẽ về phần mềm, có thể khiến cho người sử dụng cảm thấy hài lòng.

Thiết kế

Vẫn là kiểu dáng của các mẫu smartphone hiện nay của LG, Optimus G Pro tạo cảm giác giống như một chiếc điện thoại hơn là những thiết bị cỡ lớn. Với độ rộng chỉ từ 7,6 cm, người dùng có thể dễ dàng và thoải mái cầm nắm bằng một tay một cách chắc chắn.

Bên cạnh đó, không giống như hình dáng vuông vức của “người anh” Optimus G, G Pro được bo tròn 4 góc nhiều hơn và thuôn dài. Tuy nhiên trong thiết kế này, việc sử dụng một tay không thực sự đơn giản, nhất là với người có bàn tay nhỏ.

Giao diện menu của LG Optimus G Pro.

Chiếm toàn bộ phần lớn ở mặt trước là màn hình 5,5 inch IPS theo độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel, với mật độ điểm ảnh 401 ppi. Mặc dù không lớn hơn so với HTC One hay Galaxy S4, nhưng với mật độ điểm ảnh này, máy vẫn mang lại độ sắc nét tuyệt vời.

Tấm nền IPS được trang bị trên G Pro giúp cho người dùng có thể xem được những thước phim ở nhiều góc độ khác nhau. Mặc dù vậy, khi thử dưới ánh sáng mặt trời, máy vẫn có chút gì đó làm cho người dùng cảm thấy hơi khó nhìn khi thao tác trên màn hình.

Mặt sau của máy với lớp vân chìm độc đáo.

Toàn bộ phần mặt sau của G Pro được làm từ nhựa rất dễ bám vân tay. Tuy vậy, thiết kế này của LG không hoàn toàn làm mất đi vẻ sang trọng của máy mà ngược lại, chất lượng thành phẩm của G Pro thực sự rất tốt. LG Optimus G Pro được bán tại VN với 2 phiên bản là trắng và đen. Người viết thật sự rất thích phiên bản màu trắng, không có cảm giác bám bẩn và trông sang trọng hơn so với phiên bản màu đen.

Cạnh trái là phím điều khiển âm lượng cùng phím bấm QuickNote.

Ở phía cạnh phải máy là nút nguồn, phần cạnh trái là phần điều khiển âm lượng cùng một nút có thể được dùng để khởi chạy bất kỳ các ứng dụng nào khi được thiết lập sẵn trong QuickNote.

Jack tai nghe 3,5 mm.

Phần phía trên của G Pro là jack tai nghe 3,5 mm và cổng sạc microUSB ở phía dưới đáy. Bên cạnh phần màn hình chiếm toàn bộ diện tích mặt trước là 3 nút cơ bản của Android gồm nút quay trở lại, nút mở danh sách ứng dụng và nút màn hình chủ hình chữ nhật bo tròn 4 góc thường thấy ở các mẫu smartphone hiện tại của LG, có khả năng hiển thị màu dựa trên thông báo của máy.

Phần cứng

Optimus G Pro được trang bị chip xử lý Snapdragon 600 xung nhịp 1,7 GHz của Qualcomm, tương tự như ở Galaxy S4 và HTC One. Theo Qualcomm, Snapdragon 600 dùng kiến trúc mới nhất là krait 300. Nếu như dòng Snapdragon S4 trước đây có kiến trúc krait 200 thì đến Snapdragon 600 là krait 300, tốc độ xử lý tăng được 40%.

Nhờ vào cấu hình này, người dùng có thể hoàn toàn tự tin về trải nghiệm sử dụng khi thao tác với G Pro. Các ứng dụng mở và đóng rất nhanh và hầu như là ngay lập tức khi người dùng ấn chọn. Ngay cả khi duyệt web với flash và nhiều tab cũng như chơi các game yêu cầu đồ họa cao, những tác vụ ngốn khả năng xử lý hệ thống này cũng không hề làm cho máy bị giật, lag. Nhìn chung, hiệu năng của G Pro thực sự gây được ấn tượng rất tốt.

Thử nghiệm duyệt web khá hoàn hảo trên Optimus G Pro.

Ngoài ra, máy còn có thêm bộ nhớ RAM 2 GB, dung lượng lưu trữ 32 GB có thể mở rộng lên 64 GB, camera 13 megapixel và camera mặt trước 2,1 megapixel dành cho thoại hình video call.

Về camera, Optimus G Pro được trang bị cảm biến hỗ trợ độ phân giải 13 megapixel có khả năng quay phim HD. Mặc dù máy không được trang bị nhiều chức năng như Galaxy S4 hay HTC One, nhưng chất lượng ảnh của G Pro thực sự vẫn khá tốt. Trong điều kiện đủ sáng, máy cho ra hình ảnh mịn, đẹp và chút “ấm”. Tuy nhiên, trong môi trường thiếu sáng, ảnh vẫn còn nhiễu khi đèn flash LED vẫn chưa đủ mạnh.

Hình ảnh chụp từ Optimus G Pro trong điều kiện ánh sáng mạnh.

Trong ứng dụng camera hỗ trợ, G Pro vẫn có một số các tính năng cơ bản như Burst Mode (chụp liên tục) hay điều khiển bằng giọng nói, HDR và panorama. Ngoài ra, máy còn có các tính năng riêng biệt khác như Beauty Shot giúp khuôn mặt chủ thể sáng và mượt hơn, hay Time Catch giúp chụp ảnh nhanh ngay trước khi người dùng bắt đầu chụp bất kỳ hình ảnh nào để tránh bị bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp.

Nhìn chung, trong cùng phân khúc máy ảnh cảm biến 13 megapixel với Galaxy S4 và Sony Xperia Z, G Pro có thể cho chất ảnh tốt nhưng vẫn chưa phải là tốt nhất. Dù vậy, người dùng vẫn có thể tạm hài lòng bởi chất lượng ảnh ở máy rõ ràng đã cải tiến rất nhiều so với mẫu Optimus G trước đây.

Optimus G Pro vẫn khởi chạy trên nền tảng hệ điều hành Android 4.1.2, không phải là 4.2.2 như trên Galaxy S4. Thế nhưng, G Pro thực sự nổi bật hơn nhiều lần nhờ vào kho ứng dụng đặc trưng mà LG đã cung cấp cho thiết bị.

Optimus G Pro chạy phiên bản Android 4.1.2.

Hai trong số các phần mềm đáng chú ý ở G Pro là Qslide và Qmemo. Qmemo xuất hiện đầu tiên trên Optimus G và về cơ bản, ứng dụng này có thể giúp người dùng ghi các lời chú ý ở trên bất kỳ các ứng dụng nào.

Rất đơn giản, chỉ cần thao tác nhấn chọn, máy sẽ nhanh chóng chụp lại toàn bộ màn hình và người dùng có thể bắt đầu vẽ, chú thích trên đó. Điều này thực sự rất hữu ích khi trong quá trình sử dụng, người dùng có thể bắt gặp các thông tin, hình ảnh giá trị hoặc như Google Maps để đánh dấu địa điểm và gửi cho bạn bè…

Trong khi đó, Qslide là ứng dụng cho phép kích hoạt bất kỳ các chương trình phần mềm nào và luôn đặt nó hiển thị trên màn hình, cùng với các ứng dụng đang mở. Nhờ đó, người dùng có thể vừa thao tác với ứng dụng này và vừa xem video hay tính toán trên ứng dụng calculator đồng thời cùng một lúc mà không cần phải mất công chuyển đổi qua lại thông qua nút danh sách ứng dụng.

QuickRemote giúp điều khiển các thiết bị công nghệ nhanh chóng.

Bên cạnh hai ứng dụng kể trên, G Pro còn được tích hợp một IR blaster, có thể hiểu nôm na là giúp biến thiết bị thành một bộ điều khiển hồng ngoại từ xa cho các vật dụng như máy điều hòa, đầu DVD, TV… rất tiện lợi cho người dùng. Qua thử nghiệm, việc nhận dạng thiết bị rất nhanh, khả năng điều khiển hoàn hảo.

Một điều cũng khá thú vị trên Optimus G Pro đó là khả năng phóng to/thu nhỏ ngay trên lịch sử cuộc gọi rất độc đáo. Điều này giúp cho người dùng lớn tuổi có thể phóng to ra để xem lại danh sách các cuộc gọi một cách dễ dàng nhất.

Về thời lượng sử dụng máy, G Pro được trang bị pin Li-Ion 3140 mAh. Với dung lượng này, người dùng có thể thoải mái xài cả ngày với những thao tác thường nhật. Dĩ nhiên, thời lượng pin có thể giảm đi nhanh chóng khi chơi game hoặc xem phim liên tục, bởi màn hình kích thước lớn 5,5 inch có thể rút ngắn thời gian sử dụng một cách rõ rệt.

Pin dung lượng 3.140 mAh.

LG cũng rất khôn khéo khi tích hợp thêm ứng dụng Battery Saver để người dùng có thể điều khiển sát sao các chức năng tiêu thụ pin phổ biến như kết nối không dây Bluetooth, WiFi, độ sáng màn hình… Tại đây, người dùng cũng có thể tùy biến để vi xử lý có thể sử dụng ít số nhân hoạt động hơn thay vì toàn bộ 4 nhân có sẵn.

Nhìn chung, Optimus G Pro tạo được ấn tượng nhờ vào màn hình cỡ lớn mang lại hình ảnh đẹp, sắc nét, dễ dàng cầm nắm bằng một tay và có thời lượng pin tốt. Ngoài ra, máy còn được trang bị những ứng dụng độc quyền như Qslide, Qmemo hỗ trợ người dùng tốt hơn trong thao tác thường ngày.  Thực sự, G Pro là một sự lựa chọn tuyệt vời trong phân khúc các máy phablet hiện có trên thị trường, đặc biệt là khi giá bán thấp hơn so với Note 2 hiện nay.

Tuy nhiên sự ra mắt muộn màng là một điều thiệt thòi cho dòng sản phẩm này, dự kiến sản phẩm sẽ đến thị trường Việt vào cuối tháng 7 năm nay với giá bán dưới 14 triệu đồng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại