Những điều Apple, Samsung... không bao giờ nói về màn hình smartphone

Hằng ngày, bạn nhìn vào màn hình smartphone rất nhiều lần và có thể trong một thời gian khá đáng kể. Nhưng những gì bạn biết được về chất lượng hiển thị của màn hình chỉ là qua những con số, thuật ngữ hoa mỹ mà khó hiểu về độ phân giải, mật độ điểm ảnh hay công nghệ OLED, IPS... do nhà sản xuất cung cấp.

Vậy có những điều gì khác về chất lượng hiển thị - yếu tố không chỉ phản ánh trung thực hình ảnh mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thị giác - mà bạn chưa bao giờ được nghe đến từ các nhà sản xuất, kể cả các nhà sản xuất hàng đầu như Samsung, Apple, Nokia, Sony, HTC...?

Loạt bài viết này của VnReview sẽ giúp bạn xác định được chất lượng hiển thị của màn hình smartphone như thế nào là tốt? Làm sao biết chất lượng hiển thị của chiếc smartphone bạn đang sử dụng có tốt không?

Chất lượng màn hình di động đóng vai trò rất quan trọng trong các smartphone hiện nay
 

Như các bạn đều biết, ban đầu màn hình điện thoại chỉ dùng để hiện thị những ký tự đơn giản, nhưng càng ngày do nhu cầu sử dụng càng cao, màn hình điện thoại cũng càng tiến hóa, gắn liền với sự tiến bộ của các mẫu smartphone cao cấp. Giờ đây, màn hình smartphone không chỉ là để xem mà còn để cảm nhận, trải nghiệm video/game và khoe sắc rực rỡ.

Màn hình LCD (TFT-LCD, Super LCD…), OLED (AMOLED/Super AMOLED/Super AMOLED HD…) hay Retina (thực chất vẫn là màn hình IPS-LCD) là những cụm từ người dùng thường xuyên gặp phải khi nhắc đến màn hình trên các thiết bị di động hiện nay. Ngoài ra, người ta còn phát triển các công nghệ gắn liền với những thương hiệu riêng như Mobile BRAVIA Engine của Sony, NOVA của LG nhằm tối ưu cho các dòng sản phẩm của họ.

Chất lượng hiển thị thực sự của màn hình di động

Hiện nay, cứ mỗi lúc ra mắt sản phẩm mới, các hãng sản xuất màn hình nói chung và sản xuất điện thoại nói riêng đều đua nhau tuyên bố màn hình của họ là tốt nhất, được tích hợp hàng loạt công nghệ "đỉnh" nhất. Nhưng thực sự phía sau những tuyên bố hào nhoáng sặc mùi tiếp thị ấy vẫn còn khá nhiều sự mơ hồ về chất lượng hiển thị và những cải tiến thực sự. Tất nhiên, các nhà sản xuất thường lờ đi điều đó.

Đối với khách hàng - người dùng cuối - thì trải nghiệm thực tiễn mới là quan trọng. Chúng ta không cần biết màn hình đó tích hợp những công nghệ nào. Chúng ta chỉ cần biết màu sắc trên đó hiển thị có trung thực không? Nó có khả năng chống lóa đủ để xem ngoài trời khi nắng chói chang? Đủ để tự động giảm sáng cho dịu mắt khi đọc báo trước khi ngủ? Cảm ứng phản hồi đủ nhạy để lướt các nội dung, mật độ phân giản đủ cao để không khó chịu với các răng cưa, góc nhìn đủ lớn để ít bị biến đổi màu khi nhìn từ các góc khác nhau…?

Rõ ràng là góc nhìn đóng vai trò quan trọng trong chất lượng hiển thị của các smartphone hiện nay.
 

Rõ ràng là góc nhìn đóng vai trò quan trọng trong chất lượng hiển thị của các smartphone hiện nay.

Bạn đã bao giờ để ý đến những yếu tố như độ tương phản hay góc nhìn chưa? Có thể chưa nhưng thực sự đó là những yếu tố quan trọng, bởi có những hình ảnh nền/video có sự tương phản thấp (thang độ giữa các cung bậc màu có sự tương đồng), khi đó nếu kết hợp với màn hình có độ tương phản thấp thì hình ảnh trở nên "phẳng" và nhạt nhòa, nếu góc nhìn hẹp nữa thì không còn gì để nói.

Còn yếu tố như độ hiển thị màu chính xác của màn hình smartphone? Khái niệm này thực ra còn khá mơ hồ và ít được các nhà sản xuất đề cập. Các nhà sản xuất đang ngày càng cố tăng dải màu (color gamut) để màn hình trở nên rực rỡ hơn, thay vì cố gắng tiến tới ngưỡng tiệm cận màu chuẩn sRBG đang sử dụng rộng rãi hiện nay trong lĩnh vực hiển thị hình ảnh, chuẩn này được Microsoft và HP lập ra vào năm 1996.

 

 

Minh họa tầm nhìn (d) và góc nhìn (a) chuẩn từ mắt tới smartphone. Trong đó: d = 500mm, a =0-15 độ (lý tưởng).

Mắt con người chúng ta phân biệt được gần 1 tỷ màu, một con số rất lớn. Nhưng đối với màn hình hay máy in thì khả năng hiển thị và nhận biết màu của chúng thấp hơn nhiều so với chúng ta. Color gamut là độ rộng của dải màu mà màn hình có thể hiển thị, thường được biểu thị bằng tỉ lệ % so với độ rộng dải màu cơ bản, như Rec.709 (HDTV) hay sRGB (máy tính, điện thoại và máy ảnh kĩ thuật số). Ngoài ra, Color Gamut cũng đại diện cho mức độ màu tối đa mà các thiết bị được hỗ trợ để thể hiện trên bản in.

Màn hình điện thoại thường sử dụng dải màu sRGB vì nó rất thông dụng, tương thích với hầu hết các "thiết bị đầu xuất" phổ thông như khi xuất ra các loại màn hình laptop, màn hình LCD, máy in phun (loại chất lượng trung bình), các Lab rọi hình hay đưa lên trên mạng... Tuy nhiên, không gian màu này có một số nhược điểm nếu chúng ta có nhu cầu dùng file ảnh để in offset, vì sẽ mất khả năng tái tạo một số vùng màu, nhất là dẫy sắc độ xanh lá cây.

 

Tầm quan trọng của việc màn hình hiển thị đúng màu

Để hiểu thêm về khái niệm chuẩn hóa/đồng bộ màu (calibration) màn hình, bạn có thể tưởng tượng thế này: Nếu như các loại màn hình của bạn trong phòng đều được đồng bộ về màu chuẩn, thì một khi bạn xem hình ảnh/video đó trên điện thoại bạn cũng sẽ thấy tương đồng với khi xem trên màn hình máy tính/laptop hoặc TV, ngoại trừ các vấn đề khác như kích cỡ và độ phân giải.

Các nhà thiết kế đồ họa, in ấn hoặc các nhà nghiên cứu khoa học – những lĩnh vực làm việc liên quan nhiều tới màu sắc – càng phải chú trọng đến yếu tố chính xác của màu sắc. Ví dụ, khi bạn thiết kế xong mẫu logo và hớn hở mang đi in, nhưng khi in ra thì khách hàng trả lại sản phẩm, họ không nhận vì màu khắc khi họ duyệt cùng bạn trên màn hình khác biệt nhiều với màu sắc khi bạn in ra. Điều đó xảy ra thường là do màn hình của bạn không được calibration chuẩn.

Tương tự, khi có sự cộng tác giữa bạn và đồng nghiệp, nếu có sự sai lệch và màu sắc mà không nhúng hồ sơ màu (ICC profile) vào các file thiết kế hay PDF thì những phiền toái tương tự cũng xảy ra. Đó là lý do các công ty in ấn lớn hoặc các studio thiết kế uy tín thường tiến hành calibration màn hình laptop hoặc máy tính để bàn của toàn bộ nhân viên để chuẩn hóa và đồng bộ màu trước khi giao cho họ sử dụng.

 

Hiển thị đúng màu (bên trái) rất quan trọng đối với lĩnh vực hiển thị ảnh số cũng như các ứng dụng liên quan.

Đối với điện thoại, tuy màn hình nhỏ nên chưa được ứng dụng rộng rãi trong in ấn hoặc các tác vụ đồ họa ứng dụng, đó cũng là lý do tại sao việc hiển thị màu chính xác còn chưa được chú trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn gặp phải khá nhiều phiền toái nếu màn hình smartphone của bạn hiển thị màu thiếu chính xác.

Rõ ràng nhất là khi chụp hình, nhiều bạn thắc mắc tại sao khi chụp trên điện thoại đẹp vậy mà đưa ảnh đó lên laptop thì nhìn… "xấu hoắc" và không "thật". Đơn giản là có sự khác biệt và sai lệch màu sắc giữa điện thoại và laptop, sâu xa hơn nữa là sự sai lệch màu sắc của chính màn hình hiện thị của smartphone.

Tuy màn hình các laptop hiện cũng sai lệch màu, nhưng sự sai lệch này không quá nhiều như ở màn hình smartphone, và một điều nữa là màn hình các laptop đều có thể căn chỉnh về chuẩn dễ dàng qua các thiết bị và phần mềm calibration chuyên dụng.

Thường thì màn hình điện thoại hiện nay có xu hướng bão hòa nhiều và mở rộng dải màu cho rực rỡ hơn, chính vì vậy mới xuất hiện nhiều "sai sót" như ám xanh đặc trưng trên màn hình Samsung, ám hồng trên màn hình HTC.. Hiện nay, phần lớn việc hiển thị màu trên smartphone lại có xu hướng "chiều" theo thị giác người dùng, lý do một phần con người ngày càng "tham lam" trong việc "khoe sắc" và càng muốn màn hình smartphone của họ "rực rỡ".

Về lĩnh vực này thì Apple tỏ ra khá khôn ngoan khi cân bằng giữa việc tăng cường bão hòa và mở rộng dải màu để màn hình rực rỡ với việc hiển thị chính xác màu. Họ vẫn đảm bảo màn hình đủ rực rỡ (vừa phải) nhưng màu sắc vẫn không sai lệch quá nhiều so với dải màu chuẩn.

Biểu đồ dải màu của màn hình iPhone 5 và Galaxy S3 so với dải màu chuẩn
 

Biểu đồ dải màu của màn hình iPhone 5 và Galaxy S3 so với dải màu chuẩn

Việc tháo bung máy của iSuppli tiết lộ rằng, màn hình iPhone 5 chỉ đạt 72% màu sắc trong tiêu chuẩn NTSC (National Television System Committee), còn Galaxy S III đạt tới 100%, tuy nhiên không phải vì vậy mà Galaxy S III hiển thị màu đúng hơn iPhone 5, ngược lại, iSuppli cho biết màn hình của Galaxy S III có xu hướng "bão hòa quá và không thực". Trong khi iPhone 5 cung cấp màu sắc thực và chính xác hơn do có màn hình hiệu chuẩn (calibration) tốt hơn, độ sáng cao hơn.

Đến đây có thể thấy, truyền thống của Apple đối với màn hình laptop và máy tính tiếp tục được áp dụng đối với iPhone và iPad, họ tiến hành calibration màn hình của tất cả các thiết bị (trong đó có iPhone) trước khi xuất xưởng, đó là lý do mà độ "chuẩn màu" của iPhone (và các sản phẩm khác của Apple) thường tốt hơn màu mặc định của các hãng khác. Tuy nhiên, nếu bạn tiến hành calibration các màn hình LCD của Dell, HP,... sau khi mua thì chúng hiển thị chính xác màu hơn cả màn hình mặc định của Apple (đã hiệu chỉnh theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất), lý do là Apple chỉ canh chỉnh màu vừa đủ ở mức tương đối, nhưng vẫn giữ mức bão hòa ở mức vừa phải để "nịnh" mắt người xem.

Trước và sau khi hiệu chỉnh màu
 

Trước và sau khi calibration màu (Nguồn ảnh: Kodak)

Trước và sau khi calibration màu
 

Trước và sau khi calibration màu (Nguồn ảnh: Internet)

Màn hình Mac trước và sau khi calibration (Nguồn ảnh: mac.tutsplus)
 

Màn hình máy tính Mac của Apple trước và sau khi calibration (Nguồn ảnh: mac.tutsplus)

Hơn nữa, như đóng góp của độc giả, việc hiển thị màu màn hình còn có yếu tố công nghệ hiển thị. Dù có muốn thì chưa chắc các hãng như Oppo, Lenovo... có thể có công nghệ hiện thị màu trên điện thoại đẹp như của Apple, HTC hay Google, nó thuộc về những yếu tố mang tính truyền thống và độc quyền.

Ngoài vấn đề góc nhìn, độ phân giải, độ tương phản, màu sắc thì chúng ta cũng cần chú ý đến các yếu tố như chất lượng cảm ứng, các lỗi hở sáng cũng như những sai sót vật lý khác của màn hình mà chúng ta có thể nhận ra bằng mắt thường.

Tất nhiên, để đánh giá chất lượng hiển thị màn hình smartphone hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần đề cập đến, trên đây tôi chỉ đề cập đến một số khái niệm và vấn đề cần lưu ý về màn hình điện thoại thông minh. Trong các bài viết tới, VnReview sẽ đi sâu hơn về những vấn đề này.

Hữu Thắng

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại