Khi cùng phát triển phần cứng và phần mềm, Microsoft và Nokia đã từng giống như hai chiếc thuyền cùng đi trong đêm. Cả hai công ty đã từng hết lời ca ngợi mối quan hệ thân thiết cùng nhau, song sự thật là họ vẫn giữ nhiều bí mật cho riêng mình. Đôi khi một bí mật có thể khiến Nokia hoặc Microsoft phải thay đổi tính năng của sản phẩm ngay trước khi ra mắt, và Microsoft cũng buộc phải nghĩ lại những khía cạnh căn bản trong hệ điều hành của mình.
Joe Belfiore
"Thực tế đã có nhiều trường hợp Nokia phát triển điện thoại và giữ bí mật đối với chúng tôi", Joe Belfiore, phó chủ tịch Microsoft, người chịu trách nhiệm chính cho dự án Windows Phone, khẳng định.
"Chúng tôi thực hiện các thay đổi phần mềm, hoặc xếp loại phần mềm mà không biết họ đang làm cái gì. Sau đó, khi gần hoàn thành chúng tôi mới phát hiện ra những điều họ làm và nói ‘Nếu chúng tôi biết trước, chúng tôi đã làm khác đi và mọi thứ sẽ tốt hơn', Belfiore trả lời phỏng vấn với CNET.
Kịch bản nói trên có thể xảy ra với bất kỳ đối tác phần cứng nào của Microsoft, song theo Belfiore, khi Microsoft đã sở hữu bộ phận di động của Nokia, kịch bản này sẽ khó xảy ra hơn, kết quả là các sản phẩm điện thoại được hứa hẹn sẽ trở nên tốt hơn và được ra mắt sớm hơn.
Lời hứa này là trọng tâm của thương vụ Microsoft mua lại Nokia với giá hơn 7 tỉ đô . Thương vụ này là sự kết thúc của mối quan hệ hợp tác bắt đầu từ năm 2011 – thời điểm Nokia công bố kế hoạch sử dụng hệ điều hành di động mới nổi của Microsoft làm hệ điều hành smartphone chính của mình. Thay vì sử dụng Android như các đối thủ, Nokia đã "thề" chỉ đi theo Windows Phone.
Chúng ta khó có thể khẳng định được liệu đó có phải là một ván bài đúng đắn hay không. Nokia chiếm tới 80% thị phần Windows Phone, song hệ điều hành này chỉ chiếm 4% thị phần toàn cầu (theo số liệu của IDC). Khi mua lại Nokia, Microsoft sẽ không chỉ kiếm nhiều tiền hơn từ mỗi sản phẩm Windows Phone được bán ra, mà cũng sẽ tích hợp phần cứng và phần mềm của mình tốt hơn. Liệu điều đó có trở thành sự thật hay không, chúng ta vẫn chưa biết câu trả lời.
Quá khứ và hiện tại
Sự phối hợp giữa Microsoft và Nokia đã thay đổi đáng kể từ khi mới bắt đầu. Khi hai người khổng lồ này mới kết hợp lần đầu để phát triển Lumia 800 (sản phẩm "chung" đầu tiên của Microsoft và Nokia), sự thật là Nokia đã phải cải tiến lại một chiếc smartphone đã được thiết kế hoàn chỉnh, với mục tiêu là tung ra thị trường càng sớm càng tốt – Belfiore khẳng định.
"Đó là một ví dụ minh chứng cho việc thay đổi nhanh chóng, để rồi biến một sản phẩm đang rất tốt trở thành một thứ mà hoàn toàn khác biệt với thiết kế ban đầu", Belfiore cho biết. "Nokia đã làm điều đó rất nhanh, và sản phẩm cuối là khá ổn, song lại thua kém rất nhiều so với các sản phẩm hiện tại".
Một trong các sản phẩm "tốt hơn nhiều" mà Belfiore nhắc tới là Lumia 1020 – chiếc smartphone chụp ảnh 41MP được phát hành trong tháng 7 vừa qua. Với Lumia 1020, Nokia và Microsoft đã phối hợp rất chặt chẽ: theo Belfiore, Microsoft đã thay đổi cả các phần mềm cốt lõi để mở đường cho các tính năng phần cứng của Lumia 1020, ngay cả khi chiếc điện thoại này còn đang trong giai đoạn hình thành. Microsoft thậm chí đã phải phát triển lại cách phần mềm quản lý các bức ảnh đã được chụp để phục vụ camera 41MP của Nokia tốt hơn, cho phép người dùng chụp và lưu 2 bức ảnh (một bức ảnh có kích cỡ lớn và một mức ảnh có kích cỡ rất-lớn) cùng lúc.
Lumia 1020 với camera 41MP
Những sự phối hợp như vậy xảy ra khá thường xuyên giữa Nokia và Microsoft. Belfiore cho biết mối quan hệ này đã giúp Microsoft có thể nắm bắt được các thị trường mà công ty "không thể hiểu được" khi Windows Phone mới ra mắt, bao gồm Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác.
"Tại các quốc gia đang phát triển, người tiêu dùng chia sẻ file qua Bluetooth khá nhiều, nhưng tại Mỹ người ta không làm như vậy", Belfiore khẳng định. "Chúng tôi không có tính năng đó, và chúng tôi thậm chí còn không hiểu nó quan trọng đến mức nào".
Tương tự như vậy, Microsoft cũng đã không hiểu rõ tầm quan trọng của mức giá dành cho phần cứng smartphone. Người khổng lồ phần mềm thậm chí đã đặt ra các tiêu chí nhất định cho các linh kiện sử dụng trên các smartphone chạy Windows Phone – và một số yêu cầu là quá đắt đỏ cho các thị trường mới nổi. Sau khi thương thuyết với Nokia, Microsoft đã thay đổi lại thiết kế của mình.
Lumia 520, một trong những mẫu smartphone giá rẻ thành công nhất trong lịch sử
Các bài học này cũng sẽ giúp ích cho các đối tác Windows Phone – Belfiore khẳng dịnh. "Trong trường hợp đưa ra các tính năng như chia sẻ file qua Bluetooth hoặc thay đổi yêu cầu phần cứng nhằm giúp smartphone giá rẻ hoạt động tốt hơn, tất cả mọi người đều được hưởng lợi ngay lập tức".
Đó vẫn sẽ là một vấn đề nhạy cảm: việc Microsoft mua lại Nokia sẽ khiến hình ảnh của Microsoft trong mắt các nhà sản xuất phần cứng khác thay đổi. Nếu các công ty đã từng cân nhắc Windows Phone, bây giờ họ sẽ phải suy nghĩ lại một lần nữa. Tuy vậy, Belfiore nhanh chóng phủ nhận các mối lo sợ này:
"Qua nhiều năm, có nhiều đối tác đã đến với chúng tôi trong khi những người khác ra đi. Bức tranh toàn cảnh sẽ không bị thay đổi vì điều này".