Theo đó, Microsoft chi 5 tỷ dành cho mảng di động và 2,17 tỷ USD dành cho danh mục bản quyền của Nokia.
Sau khi thỏa thuận được thực hiện, nhiều Giám đốc điều hành của Nokia sẽ gia nhập Microsoft, gồm Stephen Elop – cựu lãnh đạo Microsoft cũng là ứng cử viên sáng giá sẽ thay thế CEO Steve Ballmer sau khi ông này về hưu. Ngoài ra, còn có Giám đốc Jo Harlow, Juha Putkiranta, Timo Toikkanen và Chris Weber.
Hiện giờ, Elop đang chuyển từ vị trí CEO của Nokia sang làm Phó Chủ tịch điều hành mảng thiết bị và dịch vụ. Chủ tịch Nokia Risto Siilasmaa sẽ tạm thời giữ chức CEO của Nokia.
Steve Ballmer và Stephen Elop tại sự kiện Microsoft-Nokia tại New York hồi năm ngoái.
Đối với Nokia, đây là thời điểm quan trọng của sự tái cấu trúc công ty và thương vụ này được cho là con đường tốt nhất cho Nokia và các cổ đông của công ty trong thời gian tới.
Hơn nữa, động thái này còn cho thấy, Microsoft tin rằng, họ có thể và phải thành công trong mảng kinh doanh điện thoại chứ không thể thành công nhờ vào một đối tác phần cứng, kể cả Nokia đã đặt cược toàn bộ tương lai của họ vào phần mềm di động của Microsoft.
Hồi tháng 2/2011, Nokia chấp nhận sử dụng Windows Phone làm nền tảng chính của các smartphone Nokia. Cho đến nay, Windows Phone đã vượt qua Blackberry trở thành nền tảng thứ 3 nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so Android và iOS.
Khi kết thúc hợp đồng, khoảng 32.000 nhân viên được dự kiến sẽ chuyển giao cho Microsoft, bao gồm 4.700 nhân viên ở Phần Lan. Nokia cũng bán mảng kinh doanh thiết bị không sử dụng Windows Phone, gồm các điện thoại cơ bản và dòng điện thoại Asha.
Đối với Nokia, sau khi bán mảng kinh doanh nổi tiếng nhất cho Microsoft, công ty sẽ tập trung vào kinh doanh trang thiết bị mạng, dịch vụ định vị và các công nghệ tiên tiến. Các mảng kinh doanh còn lại chiếm một nửa doanh số của công ty trong năm 2012.
Nokia dự định tổ chức “Đại hội cổ đông bất thường” vào ngày 19/11 tới. Công ty cho biết, họ hy vọng thỏa thuận sẽ được các cổ đông của Nokia chấp thuận và hoàn tất vào quý 1/2014.